Hà Nội tiên phong giảm nhựa dùng một lần
Từ quý IV năm 2025, Hà Nội sẽ bắt đầu thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng đồ uống trong khu vực vành đai 1. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trong Chỉ thị số 20, ban hành ngày 12/7 nhằm ngăn chặn và giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ô nhiễm nhựa đang là một trong những vấn đề nghiêm trọng, không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới. Theo ước tính của Chương trình đối tác hành động quốc gia về nhựa tại Việt Nam (NPAP), Việt Nam tạo ra khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm. Tuy nhiên, chỉ khoảng 0,4 triệu tấn được tái chế, tức là chưa tới 20% lượng rác thải nhựa.
Trong đó, nhựa dùng một lần là sản phẩm được tìm thấy nhiều nhất, phần lớn là ông hút nhựa, tăm bông, gói dầu gội dùng một lần và túi nilon... Tất cả đều khó tái chế và gây áp lực nặng nề lên cả môi trường và nền kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, trong Nghị định 08 năm 2022 và Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã ban hành lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2026, Việt Nam sẽ không sản xuất và nhập khẩu túi nilon khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50cm x 50cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50µm. Tiếp đó, sau ngày 31/12/2030, Chính phủ yêu cầu dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Đồng thời, giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

Hình ảnh khu vực vành đai 1 của Hà Nội. Đồ họa: Trần Tiến Thành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, có hiệu lực từ 25/8/2022; Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 và Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam (Quyết định số 1316/QĐ-TTg).
“Có thể thấy, Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ trước với lộ trình giảm thiểu nhựa dùng một lần và Hà Nội đang thực hiện quy định này sớm hơn. Theo tôi, đây là một bước đi đáng hoan nghênh”, ông Hoàng Thành Vĩnh, cán bộ quản lý Chương trình về chất thải và kinh tế tuần hoàn (UNDP Việt Nam), nhận định.
Cần hướng dẫn rõ ràng, cụ thể
Dù Chính phủ đã có lộ trình cho sự chuyển đổi khỏi “cơn nghiện nhựa dùng một lần” nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng sẽ gây tác động.
Theo ông Hoàng Thành Vĩnh, quy định cấm nhựa dùng một lần tại Hà Nội có thể sẽ được đón nhận theo hai xu hướng khác nhau. Đầu tiên, từ những người ủng hộ - bao gồm doanh nghiệp lớn, khách sạn lớn. Đây là nhóm đã có sự chuẩn bị và định hướng về chuyển đổi xanh. Do đó, khi quy định có hiệu lực, họ không gặp khó khăn do vấp phải “cú sốc” thay đổi. Thay vào đó, họ có thể tận dụng quy định này để quảng bá thêm cho cơ sở của mình.
Tuy nhiên, vấn đề cần bàn luận nằm ở nhóm thứ hai – các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Sau COVID-19, xu hướng giao hành nhanh và tiêu dùng nhanh đã trở nên phổ biến hơn. Do đó, việc cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần chắc chắn sẽ gây băn khoăn tới nhóm này.

Ông Hoàng Thành Vĩnh, Cán bộ quản lý chương trình về Chất thải và Kinh tế tuần hoàn (UNDP Việt Nam). Ảnh: UNDP Việt Nam.
Từ góc độ chuyên môn, ông Vĩnh giải thích khi ban hành lệnh cấm một sản phẩm, điều quan trọng là phải có sản phẩm thay thế. Trên thực tế, Việt Nam đã có các sản phẩm thân thiện với môi trường có thể thay thế nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, các sản phẩm thay thế này thường có giá thành cao hơn từ 2-4 lần. Bởi vậy, chính quyền địa phương cần có hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi, đảm bảo quá trình này diễn ra hài hòa, công bằng.
Dẫn ví dụ từ Ấn Độ, ông Vĩnh cho biết chính quyền tại đây đã phát hành bảng hướng dẫn chi tiết ngay sau khi ban hành lệnh cấm nhựa dùng một lần. Trong đó, bảng hướng dẫn cung cấp danh mục sản phẩm thay thế, chi phí tham chiếu, đồng thời được truyền thông trên diện rộng để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và nắm được thông tin.
Từ kinh nghiệm đó, ông đề xuất Hà Nội sớm ban hành hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu và có thể tham chiếu rõ ràng cho doanh nghiệp.
“Khi có tham chiếu từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân sẽ yên tâm hơn. Và khi yên tâm, họ sẽ thực thi quy định tốt hơn”, ông nhận định.
Trong giai đoạn đầu triển khai, chính quyền thành phố có thể kết hợp các biện pháp kiểm tra, nhắc nhở, truyền thông mạnh mẽ và biểu dương các đơn vị thực hiện tốt. Huy động sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế cũng sẽ góp phần giảm chi phí chuyển đổi cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, truyền thông và nâng cao nhận thức là yếu tố tiên quyết để thay đổi hành vi tiêu dùng. Khi người dân biết rằng bước vào khu vực vành đai 1, không có nhựa dùng một lần, họ sẽ tự điều chỉnh hành vi tiêu dùng. Khi cầu giảm, cung cũng sẽ tự điều chỉnh, tạo ra sự chuyển dịch toàn diện khỏi sản phẩm nhựa dùng một lần.

Nhựa dùng một là sản phẩm được tìm thấy nhiều nhất khi rác thải nhựa bị thải bỏ ra môi trường. Ảnh: UNDP.
Nâng cao vị thế trong đàm phán thỏa thuận nhựa toàn cầu
Việc Hà Nội – trung tâm chính trị và hành chính quốc gia – tiên phong ban hành và triển khai quy định cấm nhựa dùng một lần không chỉ mang ý nghĩa nội tại về môi trường, mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam với quốc tế. Trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị tham gia vòng đàm phán 5.2 của Ủy ban Đàm phán Liên chính phủ (INC 5.2) về Thỏa thuận nhựa toàn cầu tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 8 tới, quy định này được coi là "lời khẳng định mạnh mẽ" về quyết tâm của Việt Nam.
Ông Hoàng Thành Vĩnh nhấn mạnh: “Trong quá trình đàm phán, quan trọng không chỉ là lập trường mà còn là bằng chứng thực tế. Khi Việt Nam có những chính sách cụ thể, đi kèm hành động rõ ràng như quy định cấm nhựa dùng một lần tại Hà Nội, điều đó sẽ giúp tăng sức nặng và tính thuyết phục cho các đề xuất của Việt Nam tại bàn đàm phán".
Thực tế, một số quốc gia – trong đó có những nước có nền công nghiệp nhựa lớn – vẫn tỏ ra thận trọng hoặc phản đối các điều khoản ràng buộc trong thỏa thuận nhựa toàn cầu, với các lý do như để bảo vệ quyền tiêu dùng và sản xuất trong nước. Trong bối cảnh đó, việc một quốc gia đang phát triển như Việt Nam chủ động thực hiện các bước đi mạnh mẽ, dù còn nhiều khó khăn, sẽ cho thấy tinh thần trách nhiệm và thiện chí hợp tác quốc tế rõ ràng.
“Chính sách này là một tín hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam không chỉ đưa ra cam kết, mà còn đang thực thi cam kết đó. Điều này sẽ giúp định hình vị thế và vai trò của Việt Nam như một đối tác tích cực, có tiếng nói và đáng tin cậy trong các tiến trình toàn cầu về môi trường", ông nói thêm.