Không chờ cấm mới giảm nhựa
Không chờ đến khi thành phố áp dụng lệnh cấm, nhiều nhà hàng, quán cà phê tại Hà Nội đã sử dụng những nguyên liệu bền vững thay cho các sản phẩm nhựa dùng một lần. Giữa nhịp sống đô thị vội vã, khi sự tiện lợi và nhanh chóng được ưu tiên, những không gian “không nhựa” ấy là tín hiệu tích cực khi Hà Nội sắp triển khai thí điểm cấm hoàn toàn sản phẩm nhựa dùng một lần trong phạm vi Vành đai 1 từ tháng 10 năm nay.

Nhiều quán cà phê tại Hà Nội đã chủ động hạn chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Ảnh: Hoàng Hiền.
Hidden Gem Coffee - một quán café nằm khiêm tốn trong một con ngõ nhỏ phố Hàng Tre - gây bất ngờ cho thực khách bởi không gian độc đáo với tất cả nội thất được tạo nên từ... rác tái chế.
Với không gian 4 tầng, mỗi tầng rộng khoảng 80 m² được thiết kế để tối ưu ánh sáng và luồng khí tự nhiên thông qua một giếng trời lớn giúp tiết kiệm điện năng, Hidden Gem Coffee mang đến cho thực khách cảm giác thư giãn, gần gũi với thiên nhiên.
Gần 95% vật dụng trong quán từ bàn ghế, đèn trang trí đến kệ sách… đều được chủ quán Nguyễn Văn Thơ tận dụng. Đối với anh Thơ, rác không phải là thứ bỏ đi, mà là nguồn nguyên liệu sáng tạo vô hạn. “Đối với tôi, không gì là không thể tái chế” anh chia sẻ.

Xe máy cũ được chủ quán tận dụng để làm bàn ăn. Ảnh: Hoàng Hiền.
Chia sẻ về ý tưởng của quán, anh Thơ cho biết, cảm hứng để anh làm nên không gian đặc biệt này bắt nguồn từ những trải nghiệm tuổi thơ ở quê – nơi ô nhiễm môi trường và bệnh tật do rác thải khiến anh ám ảnh. Trong quá trình hoàn thiện, anh gặp không ít ý kiến cho rằng việc anh làm là khác người, là “điên”, nhưng chính những điều này lại biến thành động lực mạnh mẽ, thôi thúc anh phải hoàn thành “công trình” của mình.
"Rác thải đôi khi không phải là rác nếu chúng ta biết cách tái chế, tái sử dụng, tái sinh chúng. Rác có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật, thành những vật dụng hữu ích và vật trang trí độc đáo, đẹp mắt", anh Thơ cho biết.
Không chỉ xanh trong việc sử dụng nguyên liệu thay thế cho nhựa dùng một lần, quy trình phục vụ tại quán cũng tuân thủ chặt chẽ tôn chỉ “giảm thiểu – tái sử dụng – tái chế”. Đặc biệt, những chương trình nhỏ như khách mang chai nhựa sẽ được thu mua lại hoặc giảm giá, mang cốc cá nhân khi mua mang đi sẽ được ưu đãi… được duy trì nhằm khuyến khích khách hàng hạn chế sử dụng đồ dùng một lần.

Một góc trần nhà được trang trí bằng chai nhựa dùng một lần đã qua sử dụng. Ảnh: Hoàng Hiền.
Tại Hidden Gem Coffee, “giảm rác” không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành một lối sống được thực hành mỗi ngày. “Không cần chờ đến khi thành phố có chỉ thị, chúng tôi đã, đang và sẽ duy trì lối sống không sử dụng nhựa một lần, sống xanh hơn trong từng hành động”, anh Thơ khẳng định.
Lan tỏa sống xanh, tạo khác biệt lớn
Không chỉ có Hidden Gem Coffee, nhiều quán cà phê, cửa hàng, siêu thị… tại Hà Nội cũng đã chuyển đổi xanh trong việc hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần.
Chẳng hạn như Le Petit Café - một quán cà phê “xanh” khác tại phố Kim Mã - tạo ấn tượng với không gian nhỏ xinh và tràn ngập cây xanh. Tông màu xanh lá được quán sử dụng xuyên suốt các bài đăng cũng như không gian chính cũng mang lại cảm giác thư thái và gần gũi với thiên nhiên.
Quán gây ấn tượng không chỉ bởi không gian mà còn bởi nỗ lực giảm nhựa trong kinh doanh. Quán sử dụng ống hút giấy, ly thủy tinh và túi vải thay thế cho đồ nhựa dùng một lần, khuyến khích khách mang bình cá nhân khi mua mang về...
“Tôi mong muốn khi đến quán, mọi người sẽ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thông điệp ‘sống xanh’ sẽ được lan tỏa đến cộng đồng. Tôi tin rằng nếu có hàng triệu người cùng thay đổi thì sẽ tạo ra khác biệt”, chị Vy, chủ quán Le Petit Café khẳng định.
Cũng giống như Le Petit Café của chị Vy, những quán như cà phê Hỏa Xa, Nhau studio, HANOI 1930 Bistro, Union Pizza… cũng đã duy trì việc thay thế những sản phẩm nhựa dùng một lần bằng những sản phẩm xanh hơn, bền vững hơn.

Nhiều quán cà phê, nhà hàng đã sử dụng ống hút thủy tinh, ống hút gạo... để thay thế cho ống hút bằng nhựa dùng một lần. Ảnh: Hoàng Hiền.
Không chỉ trong lĩnh vực ẩm thực, nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng, cũng bắt đầu có những chương trình khuyến khích khách hàng mang theo túi cá nhân khi mua sắm. Từ tháng 6/2022, AEON triển khai sáng kiến “Rent‑a‑Bag”, cho phép khách hàng mượn 1-3 túi vải thân thiện với môi trường với khoản đặt cọc chỉ 5.000 VNĐ mỗi túi và sẽ hoàn tiền khi trả lại trong lần mua sắm tiếp theo. Bên cạnh đó, chuỗi còn thiết lập quầy thu ngân ưu tiên cho khách từ chối túi nilon dùng một lần, cộng điểm hoặc trừ tiền túi, và tặng túi sinh thái khi khách có hóa đơn trên 300.000 VNĐ. Đặc biệt, mỗi thứ Hai đầu tháng là Ngày không túi nilon nhằm tạo thói quen tiêu dùng xanh. Tính đến cuối tháng 6/2024, sáng kiến của AEON giúp hơn 5 triệu lượt khách từ chối nhận túi nilon.
Cùng hưởng ứng chương trình Ngày không túi nilon, từ năm 2024, hệ thống Big C Thăng Long và GO đã tổ chức định kỳ sự kiện này. Trong đó, khách mang túi cá nhân đến siêu thị sẽ được tặng túi vải GO! thân thiện môi trường và quà tặng khuyến khích. Ngoài ra, hệ thống còn sử dụng hộp giấy carton để thay thế túi nilon tại các đơn hàng mang về, đồng thời dùng lá chuối bọc rau củ thay cho túi nhựa.
Những ví dụ trên cho thấy, dù quy mô khác nhau, từ quán caf phê đến nhà hàng sang trọng, các cơ sở kinh doanh tại Hà Nội đều đang nỗ lực chuyển mình theo hướng giảm nhựa và sống xanh. Đây là bước đi tích cực, đặc biệt khi thành phố chuẩn bị thí điểm cấm nhựa một lần trong phạm vi vành đai 1, mở đầu cho lộ trình tiến tới “Thủ đô không rác nhựa” vào năm 2031.
Theo Nghị quyết quy định các biện pháp giảm phát thải nhựa, loại bỏ hoàn toàn sản phẩm nhựa sử dụng một lần trên địa bàn Thành phố Hà Nội:
Từ ngày 1/1/2026, khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần;
Từ ngày 1/1/2027, các chợ và cửa hàng tiện lợi sẽ không cung cấp miễn phí túi nilon khó phân hủy sinh học;
Từ ngày 1/1/2028, chợ, cửa hàng tiện lợi không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học;
Từ ngày 1/1/ 2028, trong hoạt động sinh hoạt, các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học gồm túi nilon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm.