Hà Nội phát sinh hơn 1.400 tấn nhựa mỗi ngày
Theo Tờ trình của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, mỗi ngày, Hà Nội phát sinh khoảng 1.427 tấn chất thải nhựa; trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nilon. Chỉ có gần 20% khối lượng nhựa thu gom được tái chế chủ yếu bởi các khu vực phi chính thức (cơ sở tái chế nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, làng nghề khu vực quanh Hà Nội) và chủ yếu là các loại nhựa PET và HDPE; các loại nhựa LDPE và các loại khác gần như bị thải bỏ đến các bãi rác.

Túi nilon dùng một lần được sử dụng thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày bởi tính tiện lợi và giá thành rẻ. Ảnh: Hoàng Hiền.
Theo Báo cáo hiện trạng tiêu thụ túi ni lông dùng một lần trong chuỗi siêu thị tại Hà Nội, thực hiện bởi Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, số lượng túi nilon dùng một lần tại các siêu thị là vô cùng lớn. Chỉ tính riêng 48 siêu thị trong khảo sát, số lượng túi nilon phát ra miễn phí mỗi ngày là 104.000 túi, tương đương với 38 triệu túi một năm. Phần lớn lượng túi nilon này chỉ được sử dụng một lần và thải bỏ ra ngoài bãi chôn lấp. Túi nilon chiếm tỷ lệ 38,5% tổng trọng lượng chất thải nhựa tại Hà Nội. Tiếp theo là tỷ trọng đáng kể của bao gói nhiều lớp 21,4%. Do đó, chỉ riêng hai loại này đã chiếm 70% và 60% lượng nhựa.
Do những tác động tiêu cực của loại rác thải này đến môi trường sống và sức khỏe con người, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nội thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn... nằm trong Vành đai 1. Việc thí điểm sẽ thực hiện từ Quý IV năm nay và nhân rộng trong những năm tiếp theo.
Trước đó, HĐND thành phố cũng thông qua Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn. Đây được xem là quyết sách quan trọng nhằm giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường đô thị và thúc đẩy lối sống bền vững.
Còn nhiều băn khoăn…
Dù chủ trương của Chính phủ và Thành phố nhận được sự đồng thuận của của nhiều hộ kinh doanh, người tiêu dùng, thế nhưng, còn những băn khoăn khi thời điểm thực thi không còn xa.
Với nhiều hộ kinh doanh ăn uống, khách sạn trong khu vực Vành đai 1 TP Hà Nội, đồ nhựa dùng một lần như hộp xốp, ống hút nhựa, cốc nhựa hay túi nilon là vật dụng quen thuộc, gần như không thể thiếu trong hoạt động hằng ngày. Trước quy định cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ năm 2026, nhiều cơ sở kinh doanh cho biết họ đồng tình về mặt chủ trương nhưng vẫn băn khoăn về khả năng thực hiện.
Là chủ của một quán ăn vặt dành cho học sinh, sinh viên tại phường Lý Thái Tổ, bà Hằng không khỏi băn khoăn khi cuối năm nay thành phố bắt đầu cấm nhựa dùng một lần. “Tôi hay bán cho các cháu mang đi chứ ít khi ăn tại chỗ. Mỗi lần như vậy tôi đều phải đựng vào túi nilon để các cháu dễ dàng mang đi mà không bị bẩn tay hay quần áo. Một ngày chắc phải dùng đến gần trăm túi nilon”, bà Hằng chia sẻ.
Bà cũng cho biết, việc sử dụng túi nilon như một thói quen bởi sự tiện lợi và giá thành rẻ hơn so với túi giấy hay túi phân hủy sinh học. Bên cạnh đó, các loại túi thân thiện với môi trường chưa thông dụng trên thị trường khiến việc tìm đầu mối cung cấp số lượng lớn cũng khó hơn so với túi nilon thông thường. “Túi nilon bán đầy ngoài chợ, dễ mua dễ tìm, giá lại rẻ. Giờ mua túi sinh học thì mỗi lần mua lại phải vào siêu thị, giá thành lại cao, mỗi lần dùng chắc hết cả lãi”, bà Hằng trăn trở.
Cùng tâm trạng, anh Sáng, người kinh doanh giải khát trên phố Trần Khát Chân cho biết, quán của anh chủ yếu phục vụ mang đi do quán có diện tích nhỏ. Mỗi ngày quán bán được hàng trăm cốc. Đối tượng chủ yếu là các bạn trẻ nên giá cả là một trong những yếu tố mà khách hàng quan tâm. “Nếu giờ chuyển đổi sang các sản phẩm khác như cốc bã mía, cốc giấy, ống hút gạo hay giấy thì chi phí sẽ bị đội lên và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của quán”, anh cho biết.
Sự tiện lợi, giá rẻ và sẵn có là lý do khiến sản phẩm nhựa dùng một lần phổ biến đến mức trở thành thói quen khó thay đổi. Không chỉ trong lĩnh vực kinh doanh ẩm thực, các cơ sở lưu trú cũng nằm trong diện cấm sử dụng đồ dùng nhựa một lần.

Túi nilon dù độc hại nhưng thường xuyên được dùng để đựng thực phẩm. Ảnh: Hoàng Hiền.
Bà Trần Thị Hạnh - quản lý một khách sạn nhỏ trên phố Hàng Bông cho biết: “Chúng tôi đã thử chuyển sang ống hút giấy, túi vải cho khách lưu trú. Tôi cũng đã tìm hiểu về bàn chải đánh răng làm từ tre hay lúa mạch, nhưng chi phí cao hơn gấp 3-4 lần, chất lượng lại chưa ổn định”. Việc tìm nguồn cung uy tín, giá thành hợp lý cho các sản phẩm thay thế vẫn là một trở ngại lớn. Dù đã có những mô hình tiên phong chuyển đổi, phần lớn các đơn vị nhỏ lẻ vẫn đang trong giai đoạn “loay hoay” chuẩn bị khi thời điểm cấm đang đến gần.
Cần chính sách song hành với chế tài
Trái với những cơ sở kinh doanh còn đang loay hoay với việc chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm xanh hơn, thân thiện với môi trường hơn, một vài quán cà phê, nhà hàng đã thành công với mô hình giảm nhựa sử dụng một lần.
Chị Yến Vy, chủ một quán cà phê thuộc phường Kim Mã cho biết, quán đã chủ động thay thế đồ nhựa bằng cốc giấy, hộp bã mía và thực hiện phân loại rác từ nhiều tháng nay. Theo chị, quy định cấm nhựa dùng một lần là cần thiết, góp phần giảm thiểu rác thải và nâng cao nhận thức cộng đồng.
“Tôi mong mọi người sẽ hình thành thói quen mang theo cốc cá nhân khi mua đồ uống mang đi. Nhưng để cấm được đồ nhựa sử dụng một lần, tôi nghĩ cần có thêm sự hỗ trợ từ nhà nước”, chị chia sẻ thêm.
Cũng là một trong những cơ sở kinh doanh thành công trong việc hạn chế sử dụng nhựa, chị Thùy Anh, đại diện Nhau studio hoàn toàn ủng hộ chủ trương giảm thiểu rác thải nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, theo chị Thùy Anh, nếu tiến tới cấm hoàn toàn, cần một lộ trình cụ thể và đồng bộ về hạ tầng sản xuất, chi phí và nhận thức cộng đồng.
“Điều quan trọng là cần có nguồn cung ổn định các vật liệu thay thế thân thiện với môi trường và điều chỉnh giá thành sản phẩm tái chế để phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng. Thực tế, chi phí của các sản phẩm ‘xanh’ hiện vẫn cao hơn, gây ảnh hưởng tới bài toán lợi nhuận của nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ", chị cho biết.
"Khuyến khích chuyển sang các sản phẩm xanh là chưa đủ. Phải có chế tài mạnh đi kèm. Đánh thuế cao với đồ nhựa không phân hủy, xử phạt nghiêm cơ sở vi phạm sau thời điểm cấm, thậm chí tạm đình chỉ hoạt động nếu cố tình sản xuất, kinh doanh trái quy định”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Trên phương diện quản lý và hoạch định chính sách, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng cho rằng việc cấm đồ nhựa dùng một lần tại Hà Nội vào cuối năm 2025 là bước đi đúng hướng, song chỉ khả thi khi có lộ trình rõ ràng cùng hệ thống cơ chế hỗ trợ đồng bộ.
“Nhựa dùng một lần gây hệ lụy lớn tới môi trường, sức khỏe cộng đồng và mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng muốn cấm, phải có cái để thay thế. Muốn thay thế được, Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.
Theo bà, giải pháp cấp thiết là hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường thông qua ưu đãi đất đai, vốn và công nghệ. Với người dân, cần chính sách kích cầu trong giai đoạn đầu như trợ giá túi phân hủy sinh học, đổi nhựa lấy quà, khuyến mãi khi sử dụng sản phẩm xanh…
Bà cũng lưu ý đến bài toán chuyển đổi sinh kế cho người lao động trong ngành sản xuất nhựa. Cần phải tính toán bài toán này để tránh xáo trộn cuộc sống của người lao động, cùng với đó là xây dựng lộ trình chi tiết với từng nhóm đối tượng: doanh nghiệp, người dân, chính quyền địa phương.
“Việc này chỉ khả thi khi tổ chức thực hiện phải cụ thể , có lộ trình rõ ràng, có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp, và chế tài phải nghiêm minh”, bà An nhấn mạnh.