| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng kỹ thuật tiên tiến trồng dâu tây, lãi nửa tỷ/ha

Thứ Ba 22/10/2024 , 08:30 (GMT+7)

Sơn La Tại bản Xuân Quế (xã Cò Nòi, Mai Sơn, Sơn La), đời sống người dân đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây dâu tây.

“Điều kiện thiên nhiên tuyệt vời như vậy, không phát triển cây dâu tây thì phí” anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dâu tây Xuân Quế mở đầu câu chuyện khi chia sẻ về dâu tây Mai Sơn.

Khí hậu ưu đãi với chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm khoảng 10 độ C (ban ngày ở mức 28 độ C, đến đêm chỉ còn 18 độ C); độ cao từ 790 đến 900m so với mực nước biển, kết hợp với thổ nhưỡng phì nhiêu và độ pH cao là yếu tố tiên quyết giúp cây dâu tây phát triển tốt và cho quả ngọt.

Năm 2016, anh Nam bắt đầu trồng dâu tây với quy mô nhỏ, chỉ trên diện tích khoảng 5.000m2 và 16.000 cây. Vụ đó, anh đã thu hoạch được 10 tấn dâu với giá bán 60.000 đồng/kg. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 240 triệu đồng, bao gồm chi phí giống cây (khoảng 5.000 đồng/cây), hệ thống tưới tiêu tự động (20 triệu đồng) cùng màng phủ giúp kiểm soát cỏ dại, duy trì độ ẩm.

Nhờ những biện pháp canh tác khoa học, anh Nam đã thu về lợi nhuận gần 400 triệu đồng chỉ sau một năm. Điều này đã thuyết phục bà con trong bản cùng anh thành lập HTX Dâu tây Xuân Quế, mở rộng quy mô sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế mong muốn đưa quả dâu tây Mai Sơn xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.

Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Dâu tây Xuân Quế mong muốn đưa quả dâu tây Mai Sơn xuất khẩu. Ảnh: Đức Bình.

Một trong những yếu tố quan trọng giúp dâu tây của HTX đạt được chất lượng tốt là nhờ áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Cây giống được chăm sóc cẩn thận trong nhà lưới để không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh và thời tiết khắc nghiệt. Khi cây giống phát triển đảm bảo, thường vào khoảng cuối tháng 4 sẽ được mang ra trồng ngoài trời.

Trước khi trồng, đất đã được lên luống và phủ màng nilon. Sau trồng khoảng một tuần, sử dụng dung dịch Humid để tưới vào gốc để kích thích phát triển rễ. Sau đó, cây tiếp tục được bón phân hữu cơ kết hợp với đạm tôm và cá để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Theo TS Cao Văn Chí, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm nghiên cứu và Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu Rau quả), dung dịch Humid là chất kích thích sinh học tự nhiên có nguồn gốc từ vật chất hữu cơ phân hủy như mùn đất, than bùn hoặc trầm tích, dùng để kích thích sinh trưởng của rễ, không ảnh hưởng đến sức khỏe cây trồng.

Vào giai đoạn ra hoa, HTX sử dụng phân bón hữu cơ với tỉ lệ hợp lý nhằm điều chỉnh quá trình sinh trưởng, kích cây ra hoa và cho quả nhanh. Đến khi ra quả, tần suất bón phân được tăng lên 5 ngày/lần, giúp quả phát triển đều và đạt kích thước tối ưu. Sau khi thu hoạch, cây tiếp tục được bón phân để phục hồi và chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo.

Hệ thống tưới tự động giúp tiết kiệm nước và đảm bảo độ ẩm cần thiết cho cây, tần suất hoạt động 2 lần mỗi ngày, nước được lấy từ giếng khoan lên các bể chứa lớn, từ đó tưới đều khắp các luống dâu. Trong những ngày mưa, hệ thống rãnh nước được thiết kế để thoát nước hiệu quả, tránh tình trạng ngập úng.

HTX Dâu tây Xuân Quế đang dần khẳng định tiếng vang tại tỉnh Sơn La nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào canh tác. Ảnh: Đức Bình.

HTX Dâu tây Xuân Quế đang dần khẳng định tiếng vang tại tỉnh Sơn La nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào canh tác. Ảnh: Đức Bình.

Hiện nay, với quy mô 50ha, HTX Dâu tây Xuân Quế thu hoạch từ 900 đến 1.000 tấn dâu mỗi năm. Với mức giá trung bình 50.000 đồng/kg, doanh thu của HTX đạt khoảng 12 tỷ đồng/năm, lợi nhuận mỗi ha có thể lên đến 500 triệu đồng.

Dâu tây trồng tại Mai Sơn không thua kém dâu tây Mộc Châu về chất lượng. Trái dâu có kích thước lớn, độ ngọt ổn định nhờ điều kiện khí hậu ngày đêm chênh lệch lớn. “Điều đáng tiếc là thương hiệu dâu tây Mai Sơn chưa thực sự được công nhận rộng rãi trên thị trường” anh Nam chia sẻ.

Trước mắt, HTX dự định đầu tư xây dựng nhà kính 2ha với chi phí khoảng 5 tỷ đồng nhằm cải thiện quy trình sản xuất và đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, qua đó đáp ứng các yêu cầu khắt khe để xuất khẩu dâu tây.

Ngoài ra, HTX cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch nông nghiệp, đưa trang trại dâu tây thành điểm đến hấp dẫn của du khách, không chỉ giúp tăng thu nhập mà còn quảng bá hình ảnh sản phẩm dâu tây Mai Sơn.

Trong tương lai, HTX tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn để xuất khẩu, đưa dâu tây Mai Sơn trở thành thương hiệu lớn.

Xem thêm
Nuôi con đặc sản, thị trường ngách cho chăn nuôi nông hộ: [Bài 2] Trang trại gà Lượng Huệ lớn nhất Tây Ninh

Trang trại gà Lượng Huệ 'khủng' của gia đình anh Nguyễn Năng Cường ở thị trấn Tân Châu (Tây Ninh) là niềm mơ ước của nhiều nông hộ…

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.