| Hotline: 0983.970.780

7 người chết vì bệnh dại, Bình Phước tập trung nâng cao ý thức người dân

Thứ Hai 08/04/2024 , 17:25 (GMT+7)

Sau khi có 7 người chết vì bệnh dại năm 2023, bước sang 2024, tỉnh Bình Phước tổ chức xe tuyên truyền lưu động liên tục, thường xuyên nhằm nâng cao ý thức người dân.

Huyện Bù Gia Mập chủ động tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại trên đàn vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Huyện Bù Gia Mập chủ động tiêm vacxin phòng, chống bệnh dại trên đàn vật nuôi. Ảnh: Trần Trung.

Đa dạng giải pháp phòng, chống

Ghi nhận của phóng viên tại xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập, những ngày này, cán bộ phụ trách thú y của xã đã chủ động tới từng hộ có nuôi chó, mèo tuyên truyền, vận động nuôi nhốt, xích rọ mõm và tiêm phòng đầy đủ.

Ông Nguyễn Văn Ước, cán bộ phụ trách thú y xã Đức Hạnh chia sẻ: "Hàng năm, trên địa bàn xã, chúng tôi tiêm ngừa cho khoảng 500 - 600 con chó, mèo. Nhất là tháng cao điểm nắng nóng, bệnh dại thường xảy ra, chúng chủ động đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tiêm vacxin.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập, huyện hiện có khoảng 8.000 con chó, mèo đang được các gia đình nuôi tại nhà. Khoảng 80% số chó, mèo đã được tiêm phòng bệnh dại.

Ông Bùi Thanh Phong, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập cho biết thêm, để chủ động phòng chống bệnh dại, đội ngũ cán bộ thú y phụ trách địa bàn đã và đang chủ động đến các hộ để tiêm vét, tiêm vacxin bổ sung nhằm hạn chế tối đa xảy ra dịch dại trên đàn chó, mèo nuôi.

“Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện còn phối hợp các ngành, địa phương thực hiện tuyên truyền phòng, chống bệnh dại tới người dân trên địa bàn. Tuyên truyền người dân nuôi chó không thả rông, phải xích nhốt và tiêm phòng đầy đủ”, ông Bùi Thanh Phong nhấn mạnh.

Tương tự, tại thị xã Chơn Thành, nơi được xem là điểm đen về bệnh dại của tỉnh Bình Phước, những ngày này Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Chơn Thành đã tổ chức xe đi tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường, các khu vực đông dân cư để người dân nắm rõ về tính chất nguy hiểm của bệnh dại chó mèo, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Từ đó, nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó, mèo đối với cộng đồng và nhận thức của người dân để tích cực tham gia phòng, chống bệnh dại tại cộng đồng và quản lý chó, mèo nuôi. Tổ chức giám sát chủ động lưu hành mầm bệnh dại trên động vật để cảnh báo cộng đồng.

Thị xã Chơn Thành đã tổ chức xe đi tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường và khu vực đông dân cư. Ảnh: TT.

Thị xã Chơn Thành đã tổ chức xe đi tuyên truyền lưu động trên các tuyến đường và khu vực đông dân cư. Ảnh: TT.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã Chơn Thành cho biết thêm, bên cạnh việc tuyên truyền, thời gian vừa qua Trung tâm đã tổ chức tiêm vacxin phòng dại được 3.021 con chó, mèo tại vùng dịch và vùng bị dịch uy hiếp. Cấp phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống bệnh dại trên toàn địa bàn.

Trong năm 2023, tỉnh Bình Phước đã ghi nhận 7 người tử vong do bệnh dại và hơn 1.000 người phải đến các cơ sở y tế điều trị dự phòng bệnh dại do bị chó, mèo cắn. 

Hiện, đang cao điểm mùa khô, nguy cơ bùng phát bệnh dại khá cao, để chủ động ứng phó, UBND tỉnh Bình Phước vừa ban hành Công văn yêu cầu các huyện, thị trên địa bàn triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại.

Theo đó, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu ngành chức năng và các huyện, thị, thành phố phải chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo quy định.

Tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vacxin phòng dại, huyết thanh kháng dại, nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền về sự nguy hiểm của bệnh dại để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, kịp thời đến các cơ sở y tế khám, tư vấn và tiêm vacxin phòng dại, huyết thanh kháng dại. 

Thị xã Đồng Xoài ra quân bắt chó thả rông. Ảnh: TT.

Thị xã Đồng Xoài ra quân bắt chó thả rông. Ảnh: TT.

Không lơ là chủ quan

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại chủ yếu lây truyền qua các vết cắn, vết trầy xước từ nước bọt của động vật bị dại sang cơ thể người.

Sau khi xâm nhập, nếu không kịp thời tiêm vacxin dại, virus dại sẽ nhân nhanh số lượng ngay tại điểm cắn, di chuyển dọc theo các dây thần kinh, tiến thẳng tới hệ thần kinh trung ương với tốc độ khoảng 12-24mm mỗi ngày để bắt đầu hành trình "tàn phá".

Bệnh dại không phát ngay, thời kỳ ủ bệnh trung bình từ 30 đến 90 ngày, có thể kéo dài đến 1 năm. Vết thương càng nặng, càng gần các đầu mút thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Ngược lại, nếu vết thương nhẹ, xa thần kinh trung ương, "đoạn đường" di chuyển của virus lên đến não và thời gian ủ bệnh sẽ dài hơn.

Hiện nay, bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy nguy cơ tử vong của người mắc bệnh và lên cơn dại là 100%. Tuy nhiên, bệnh có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vacxin phòng dại trước hoặc ngay sau khi bị phơi nhiễm.

Bệnh dại bùng phát không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình phát triển kinh tế, xã hội mỗi địa phương.

Để bệnh dại được ngăn chặn triệt để và người dân không còn lo lắng khi tiếp xúc với chó, mèo, yêu cầu tiên quyết là các cấp, các ngành phải vào cuộc chủ động, trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và địa phương.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo. Điều tra, truy tố, kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp không tuân thủ đúng quy định của pháp luật trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Để phòng chống bệnh dại, hơn hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong việc nuôi chó, mèo. Ảnh: TT.

Để phòng chống bệnh dại, hơn hết cần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong việc nuôi chó, mèo. Ảnh: TT.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành mỗi người dân khi nuôi chó, mèo cũng phải tự ý thức phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi để bảo vệ sức khỏe bản thân cùng người thân và cộng đồng.

“Để chủ động kiểm soát dịch bệnh dại trên động vật, phòng ngừa dịch phát sinh và lây lan, từ đó giảm thiểu các ca tử vong và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, Sở NN-PTNT Bình Phước đề nghị người dân nâng cao nhận thức về độ nguy hiểm của bệnh gây nên cho cá nhân và cộng đồng, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống bệnh dại”, ông Trần Văn Phương Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước cho biết thêm.

Xem thêm
Chăn nuôi lợn tuần hoàn, công nghệ cao để an toàn, bền vững

HẢI PHÒNG Mô hình chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là một điển hình thành công mà còn mở ra hướng đi bền vững, tất yếu cho người chăn nuôi tại Hải Phòng.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Nhà máy đường An Khê mở rộng thêm 2.000 hecta mía nguyên liệu mỗi vụ

GIA LAI Theo kế hoạch, mỗi vụ sản xuất Nhà máy đường An Khê sẽ mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía thêm 2.000 hecta.

Cần hoàn thiện thông tin về nông hộ để ngành cà phê đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Thiết bị VMS trục trặc, ngư dân lại than trời

Vĩnh Long Trong số 1.818 lượt tàu cá bị mất kết nối VMS của Vĩnh Long, có 378 lượt bị nhắc nhở, số còn lại không có dấu hiệu vi phạm hoặc do gặp sự cố như chìm tàu, cháy nổ.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất