Ngày 17/5 tại vịnh Bến Bèo, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng), Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng, UBND huyện Cát Hải và Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) - Hội Thủy sản Việt Nam tổ chức lễ xuống giống rong sụn.
Trong dịp này, 30 hộ dân đã đăng ký trồng thử nghiệm rong sụn tại Cát Bà. Các hộ dân đã được tặng rong giống, đồng thời được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc rong.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân kỳ vọng việc trồng rong kết hợp nuôi một số loài nhuyễn thể, nuôi cá vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Ảnh: Hồng Thắm.
Mô hình trồng thử nghiệm rong sụn nằm trong Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods: Xây dựng bể chứa carbon ngành thủy sản” do Cục Thủy sản và Kiểm ngư và ICAFIS được khởi động triển khai trong năm 2024.
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS, Chương trình “Blue Ocean - Blue Foods" đặt mục tiêu trồng ít nhất 1.000ha rong biển trong 3 năm đầu, kỳ vọng không chỉ góp phần thúc đẩy ngành thủy sản tăng trưởng theo hướng xanh, giảm phát thải khí nhà kính, phục hồi hệ sinh thái biển mà còn tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển Việt Nam.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân trao tặng rong giống cho các hộ dân. Ảnh: Hồng Thắm.
Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân nhấn mạnh: Nguồn lợi thủy sản biển đang ngày càng suy giảm. Ngành thủy sản đang hướng đến mục tiêu giảm khai thác, tăng nuôi trồng. Việc trồng rong kết hợp nuôi một số loài nhuyễn thể, nuôi cá vừa giúp đa dạng hóa sản phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường. "Đối với những vùng trồng rong, chúng tôi mong muốn sau này sẽ kết hợp với dịch vụ câu cá dìa phục vụ khách du lịch.
Chương trình 'Blue Ocean - Blue Foods' được khởi động năm 2024 tại Hà Nội. Tôi đánh giá rất cao những mục tiêu của chương trình này. Hi vọng tất cả chúng ta sẽ chung tay để phát triển một sản phẩm xanh, sạch để khi đến Cát Bà, du khách sẽ được nhìn thấy những khu vực biển xanh, chứng minh rằng Cát Bà ngày càng xanh hơn, đẹp hơn, từ đó góp phần thu hút khách du lịch, tạo sinh kế cho bà con, đặc biệt giữ cho Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà xanh hơn, sạch hơn và có tên trên bản đồ thế giới”, ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Sâm, Giám đốc Công ty TNHH Japi Foods cam kết đảm bảo đầu ra cho các hộ dân tham gia trồng thử nghiệm rong sụn. “Bà con yên tâm trồng vì đã có Japi Japi Foods thu mua. Thời gian tới, chúng tôi hi vọng rong sụn sẽ phát triển tốt, tạo sinh kế bền vững cho người dân, từng bước hình thành và phát triển chuỗi giá trị cho ngành rong biển", bà Sâm chia sẻ.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân (giữa) trực tiếp hướng dẫn bà con cách thả giống rong sụn. Ảnh: Hồng Thắm.
Ngay sau khi trao tặng giống rong sụn cho bà con, Cục trưởng Trần Đình Luân đã trực tiếp thăm và hướng dẫn một số hộ dân cách thả giống rong, chia sẻ kỹ thuật trồng và chăm sóc rong nhằm giúp bà con triển khai mô hình đạt hiệu quả cao.
Ông Phạm Văn Đầy (thị trấn Cát Bà, huyện Cát Hải) đại diện cho 30 cơ sở tham gia thử nghiệm rong sụn tại Cát Bà chia sẻ, sau bão số 3 năm 2024 (bão Yagi), gia đình ông cùng nhiều hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản chịu thiệt hại nặng nề. Ông hi vọng việc tham gia mô hình trồng thử nghiệm rong sụn lần này sẽ đạt kết quả khả quan, mở ra cơ hội cải thiện thu nhập, đảm bảo sinh kế lâu dài và góp phần tích cực vào bảo vệ môi trường biển.