| Hotline: 0983.970.780

Xuất khẩu hoa Đà Lạt: Nông dân khó nhập cuộc

Thứ Tư 30/10/2019 , 10:25 (GMT+7)

Đà Lạt được xem là “thủ phủ” sản xuất hoa của tỉnh Lâm Đồng với tổng diện tích gần 9.000ha. 

Lượng hoa sản xuất hàng năm của thành phố này vào khoảng trên 3 tỷ cành và lượng hoa xuất khẩu hàng năm chiếm 10% (tức khoảng trên 300 triệu cành). Trong 10% xuất khẩu ít ỏi này, thị phần cũng chủ yếu tập trung ở những công ty lớn, hoặc doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, còn nông dân vẫn khó nhập cuộc.

Nông dân Đà Lạt vẫn khó có cơ hội xuất khẩu vì liên quan các vấn đề về giống bản quyền.


Ít quan tâm bản quyền

Để xuất khẩu hoa, người trồng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, vấn đề bản quyền giống cây là tiêu chí hàng đầu.

Một cán bộ nông nghiệp cho hay, người trồng hoa truyền thống có xu hướng chạy theo thị trường, tập trung vào những giống cây “thịnh hành” để phát triển. Nhiều trường hợp mua giống nhưng ít quan tâm đến bản quyền, hoặc mua giống sao chép nên khi làm ra thì “dính” rào cản pháp lý, không thể xuất khẩu.

Anh Lê Quang Toàn, người sản xuất hoa hồng quy mô lớn ở thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) cho biết, anh tìm cách liên kết với những đơn vị lớn để đẩy mạnh thị trường ngoài nước nhưng không được đáp ứng. Lý do là, vườn cây mà anh đang chăm sóc đều là giống "sao chép".

“Tôi mua giống của một doanh nghiệp hoa và cứ đưa về chăm sóc rồi tự nhân giống, đâu có biết bản quyền là gì. Giờ muốn xuất khẩu thì phải bỏ toàn bộ cây để trồng giống mới. Đó là vấn đề nan giải”, anh Toàn thổ lộ.

Ở Đà Lạt từng xảy ra sự lùm xùm giữa Công ty Dalat Hasfarm và nông dân vì bản quyền các giống hoa cúc Calimero và Florini. Đại diện của Dalat Hasfarm cho biết, những giống này của công ty đã được Cục Trồng trọt cấp bằng bảo hộ bản quyền.

Tuy nhiên, từ năm 2016, nhiều nông dân đã sao chép và trồng tràn lan, dẫn đến việc sản xuất, xuất khẩu của công ty và người dân đều bị thiệt hại nghiêm trọng.

Nhiều nhà vườn ít quan tâm vấn đề bản quyền cây trồng và vẫn sử dụng các giống cây sao chép nên không thể xuất khẩu.

Theo lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, vấn đề vi phạm bản quyền giống hoa là việc hệ trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu. Nếu một đơn vị phát hiện có người sao chép giống thì họ có thể khởi kiện ra tòa hoặc yêu cầu người vi phạm phải nhổ bỏ toàn bộ vườn cây, hoặc phải thực hiện các biện pháp khác để khắc phục. Do vậy, chủ vườn phải tuân thủ việc chọn giống có nguồn gốc ngay từ đầu.
 

Cần thông tin về giống

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, nông dân đang gặp khó khăn trong việc mua giống bản quyền quốc tế vì không có kênh thông tin chính thức. Đa phần, họ phải tự mò mẫm, tìm kiếm các nguồn hàng, các thông tin về bản quyền cây…

Hiện nay, hoa của Đà Lạt đã có mặt tại Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan… Trong thời gian tới, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng và đây sẽ là cơ hội lớn. Do vậy, việc sản xuất phải thực hiện một cách khoa học để đảm bảo các tiêu chí thị trường.

Theo ông Sơn, cần có đơn vị đứng ra cung cấp những thông tin này để người dân có thể tiếp cận để mua và sản xuất.

Trong khi đó, để đảm bảo nguồn giống bản quyền, đáp ứng thị trường xuất khẩu, thời gian qua, Sở NN-PTNT đã giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật triển khai dự án Nhập khẩu, mua bản quyền giống cây, hoa để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, đơn vị cũng xin phép Cục Bảo vệ thực vật cấp phép cho các doanh nghiệp nhập khẩu giống không qua thủ tục phân tích nguy cơ dịch hại để doanh nghiệp có thể phát triển đa dạng giống hoa theo nhu cầu thị trường quốc tế.

Thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc hoàn tất các thủ tục nhập khẩu giống bản quyền để phát triển.

Cùng với việc triển khai dự án này, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng cũng đề nghị các doanh nghiệp được nhập khẩu giống chuyển giao, chia sẻ giống cho nông dân để cùng sản xuất, phát triển.

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết, nông dân đang tập trung sản xuất hoa cấp thấp hoặc cấp trung, còn hoa cao cấp để xuất khẩu phần lớn là doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Do vậy, nông dân muốn xuất khẩu hoa cần phải thay đổi tư duy sản xuất, tư duy về giống, tránh manh mún và cần chú trọng vào liên kết.

Mỗi năm, doanh nghiệp, người dân ở vùng hoa Đà Lạt cần 2,45 tỷ cây hoa giống để sản xuất nên việc nhập giống là nhu cầu tất yếu. Trong năm 2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp 9 giấy phép nhập khẩu cho Công ty Linh Ngọc, DaLat Hasfarm và Công ty Hồng Hoàng để các doanh nghiệp này nhập 110 nghìn đơn vị giống.

10 tháng đầu năm 2019, Chi cục cấp 14 giấy phép cho các doanh nghiệp như Langbiang Farm, Hoa Thắng Thịnh, Hoa Chi An để nhập 22 loại giống mới.

Mỗi năm, Đà Lạt sản xuất trên 3 tỷ cành hoa nhưng chỉ xuất khẩu được khoảng trên 300 triệu cành.

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Hơn 2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh

QUẢNG NINH Giai đoạn chuyển mùa khiến dịch bệnh trên thủy sản nguy cơ bùng phát mạnh, Quảng Ninh vừa ghi nhận 2,2 tấn cá biển chết do virus gây hoại tử thần kinh.

Chú trọng biện pháp sinh học phòng trừ sâu róm hại táo

NINH THUẬN Biện pháp rất quan trọng là tăng cường bảo vệ thiên địch, hạn chế dùng thuốc hóa học, không phát dọn sạch thực bì trong vườn, tăng cường trồng cây phân xanh, cây họ đậu

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.

Quảng Ninh ban hành Chỉ thị mới về bảo vệ rừng

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.