Liên hệ qua các kênh, chúng tôi đều nhận được thông tin chính quyền xã Mậu Lâm (Thanh Hóa) đã cắt cử người đi thuyền và địa phương đã chuẩn bị nhu yếu phẩm, sẵn sàng tiếp tế cho nhân dân. Giờ anh em báo chí vào đi đêm trên thuyền sẽ không đảm bảo an toàn. Trời vẫn còn mưa xối xả, chúng tôi ghi lại nội dung qua cuộc điện thoại ngắn gọn với anh Nguyễn Khắc Dũng, cán bộ Văn phòng Hội đồng nhân dân xã Mậu Lâm.
Sau câu hỏi của tôi, đầu dây bên kia, anh Dũng câu được câu mất: “Trong này chúng tôi vẫn ổn”. Trời đã sầm sập tối. Mưa vẫn dày hạt, phủ kín cả một khoảng rừng tại thôn Phú Sơn và Khe Sình (xã Mậu Lâm, tỉnh Thanh Hóa). Trước 1/7, Mậu Lâm là xã thuộc huyện Như Thanh cũ.

Thôn Phú Sơn (xã Mậu Lâm) nằm ven đồi, bị ngập nước.
Phía ngoài trung tâm xã, lãnh đạo địa phương khuyên chúng tôi: “Đường vào Phú Sơn và Khe Sình giờ chỉ đi thuyền được, trời lại tối rồi, rất nguy hiểm, không vào được đâu”, ông Lê Văn Cường, Bí thư Đảng ủy xã Mậu Lâm khuyên. Chúng tôi không còn cách nào khác đành gật đầu. Cán bộ xã Mậu Lâm nói thêm, lối vào hai thôn phải đi qua đường ngập sâu hơn, xe máy cũng đành chịu.
“Trong đó có cán bộ xã tôi rồi”, ông Cường nói. “Ở 2 thôn nói trên, chúng tôi cắt cử tổ công tác để phụ giúp dân. Anh Dũng, cán bộ Văn phòng Hội đồng nhân dân vừa chèo thuyền vào hồi trưa, giờ đang ở trong thôn, theo dõi tình hình và hỗ trợ dân di chuyển tài sản lên cao. Có gì các anh cứ xác minh, anh ấy cập nhật thường xuyên”.
Cùng đi với anh Dũng trưa nay là vài cán bộ khác cùng chiếc thuyền máy nhỏ chở theo nhiều nhu yếu phẩm là mì tôm, nước lọc, gạo để phục vụ dân khi cần... Anh Dũng thông tin, từ trung tâm xã vào hai thôn phải băng qua vùng trũng ngập sâu. Thuyền luồn qua các cánh đồng giờ đã thành sông, nước ngầu đục, sóng đánh lô xô dạt cả thuyền.
Anh Dũng có vẻ thấm mệt sau trận mưa ướt sũng chiều nay: “Tôi vừa cập nhật ảnh gửi cho lãnh đạo xã nắm thông tin. Trong này ổn anh ạ. Người dân vẫn bình tĩnh, mưa to nhưng chưa có gì quá xấu. Chỉ có ruộng thì chìm hết rồi”.
Con đường đất dẫn vào thôn giờ chẳng còn dấu vết, chỉ thấy mặt nước loang loáng, in bóng mưa nặng hạt rơi lộp bộp. “Đi từ xã vào đến đây hơn 10 phút thôi, nhưng nước lên nhanh lắm. Ngồi trên thuyền mà nhìn xung quanh chẳng thấy đâu là bờ, chỉ toàn là nước,” anh Dũng kể. Cán bộ này cho biết thêm, Phú Sơn và Khe Sình có hơn 400 hộ, hơn 1.500 dân. Những điểm cao vẫn còn nhà dân, nhưng đường đi lại bị cắt hết.

Trước nhà người dân là mênh mông nước.
"Có gì bất thường là tôi xin ý kiến xử lý ngay. Làm vậy để không bị lỡ việc", anh Dũng nói thêm.
Tôi hỏi bà con trong đó có thiếu gì không. Anh đáp: “May là dân mình có kinh nghiệm, cũng quen rồi. Mấy năm nay mưa lũ dồn dập, nên năm nay ai cũng thủ sẵn đồ ăn, nước sạch. Đồ đạc cũng kê cao từ mấy hôm trước rồi, nên đến giờ thiệt hại không nhiều. Mình chủ yếu vào để tiếp ứng thêm, đề phòng mưa kéo dài 2-3 ngày tới.
“Dân thấy cán bộ vào là yên tâm. Có cái gì để ăn, có người theo dõi tình hình, là người ta bình tĩnh lại ngay”, anh Dũng nói. Trong máy điện thoại, tôi còn lưu vài bức ảnh Dũng gửi về. Cuộc gọi kết thúc ngắn gọn. Không có lời nào động viên hoa mỹ. Nhưng giọng nói bình tĩnh, rành rọt giữa vùng lũ - có khi còn khiến người ngoài an tâm hơn hàng chục bản tin. Chúng tôi nói với anh Dũng sáng mai, sau khi trời sáng sẽ vào với bà con…
Ngoài xã Mậu Lâm, theo ghi nhận của phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, tính đến 16 giờ ngày 22/7, theo báo cáo nhanh từ các địa phương, toàn tỉnh Thanh Hóa đã có khoảng 8.000ha lúa bị ngập úng do mưa lớn và nhiều khu dân cư bị chia cắt, cô lập do nước dâng cao.