Thứ Bảy, 5/7/2025 13:38 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

'Vui nhất là nhìn thấy sản phẩm tái chế được tái sinh trên tay người dùng'

Chủ Nhật 01/06/2025 , 09:10 (GMT+7)

Green Life Hạ Long từ nhóm nhỏ gom rác thành hợp tác xã tái chế, du lịch sinh thái, lan tỏa sống xanh và tạo thu nhập bền vững cho cộng đồng.

Hợp tác xã Green Life Hạ Long thành lập vào tháng 12/2019 bởi Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Green Hub, có địa chỉ tại tổ 27, khu 3, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long, do bà Trần Thị Hương làm Giám đốc.

Hoạt động chính của Hợp tác xã là thu gom phế phẩm, chủ yếu là rác thải nhựa, khó phân hủy để tái chế thành các sản phẩm hữu ích, đi liền với tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là phụ nữ.

Bên lề buổi Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường năm 2025, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với bà Hương về Green Life Hạ Long.

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Green Life Hạ Long. Ảnh: Tùng Đinh.

Bà Trần Thị Hương, Giám đốc Hợp tác xã Green Life Hạ Long. Ảnh: Tùng Đinh.

Xuất phát từ một ý tưởng “đơn sơ nhưng đầy khát vọng”, xin bà cho biết đâu là bước ngoặt giúp Green Life Hạ Long chuyển mình từ một nhóm nhỏ tái chế sang một hợp tác xã có mạng lưới liên kết rộng khắp như hiện nay?

Ban đầu ý tưởng của chúng tôi rất đơn giản thôi, chỉ là mong muốn sống xanh, tiết kiệm chi phí, tái chế các vật liệu bỏ đi. Chúng tôi đều đồng lòng rằng, không đặt mục tiêu gì quá lớn, chỉ nghĩ làm sao trước mắt làm sạch môi trường, sau đó là tạo ra những việc làm kiếm thêm thu nhập cho các xã viên và đồng thời để lan tỏa được lối sống xanh trong cộng đồng Hạ Long.

Nhưng rồi, động lực dần lớn lên khi thấy mọi người từ cán bộ, người dân đến khách du lịch đều bắt đầu quan tâm đến mô hình này. Và lúc đó, chúng tôi nghĩ: "Tại sao không mở rộng hơn? Tại sao không tạo thành một hợp tác xã thực sự?" Vậy là Green Life Hạ Long bắt đầu chuyển mình, từ một nhóm nhỏ thành một hợp tác xã đang hoạt động như hiện nay.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở cấp cộng đồng, Green Life Hạ Long đã gặp phải những khó khăn gì về nhận thức xã hội, logistics hay tài chính? Green Life đã vượt qua ra sao?

Khó khăn nhiều lắm. Hầu hết công việc từ thu gom, phân loại đến tái chế đều làm thủ công là chính. Phần vận chuyển thì Green Life vẫn phải thuê ngoài, chi phí cao. Tài chính là vấn đề khó nhất, bởi HTX vẫn chưa có nguồn vốn lớn, chủ yếu tận dụng nguồn lực từ các thành viên trong gia đình, tự xoay xở thôi. Mong muốn thì lớn nhưng nguồn lực còn hạn chế.

Những sản phẩm tái chế của Green Life không chỉ mang tính 'tái sinh' mà còn truyền tải thông điệp sống xanh. Ảnh: Hoàng Quý.

Những sản phẩm tái chế của Green Life không chỉ mang tính “tái sinh” mà còn truyền tải thông điệp sống xanh. Ảnh: Hoàng Quý.

Tại gian trưng bày, những sản phẩm tái chế của Green Life không chỉ mang tính “tái sinh” mà còn truyền tải thông điệp sống xanh. Vậy đâu là sản phẩm khiến Green Life ưng ý nhất?

Thực ra thì tôi ưng ý hết (cười lớn). Từ những ngày đầu nhặt từng chai nhựa, ủ từng nắm phân compost, thu gom những mảnh vải vụn, đến nay Green Life Hạ Long đã xây dựng được một mạng lưới liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng cư dân cùng thực hiện tái chế, tái sử dụng, tái sinh.

Mỗi sản phẩm đều có tâm huyết, đều được làm từ những vật liệu tưởng như đã bỏ đi. Nhưng khách hàng lại rất thích các sản phẩm túi và balo tái chế, đó là hai dòng bán chạy nhất.

Bà có thể cho biết khách hàng của Green Life là những ai, là khách nước ngoài hay nội địa?

Đa số khách là khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài. Còn du khách trong nước cũng có, ngoài ra có các đoàn thể, trường học cũng đến trải nghiệm. Trẻ con thích lắm, tụi nhỏ được hướng dẫn làm đồ từ chai thủy tinh, lon nhôm, giấy vụn…

Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng không phải là sản phẩm đẹp đến đâu, mà là câu chuyện phía sau mỗi món đồ nó khiến mọi người hiểu thêm về tái chế, về sống xanh.

Mô hình sống xanh của Green Life Hạ Long đang được nhiều nơi học tập; trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách, đặc biệt là trẻ em và du khách nước ngoài. Ảnh: Hoàng Quý.

Mô hình sống xanh của Green Life Hạ Long đang được nhiều nơi học tập; trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách, đặc biệt là trẻ em và du khách nước ngoài. Ảnh: Hoàng Quý.

Vậy trong thời gian tới, bà có mong muốn nhận được sự hỗ trợ gì từ chính quyền hay các tổ chức để Green Life phát triển hơn nữa không?

Mong muốn nhiều lắm chứ. HTX muốn phát triển Green Life thành một khu du lịch sinh thái gắn với tái chế, sống xanh. Nhưng để làm được vậy thì cần sự hỗ trợ từ các bộ ngành, ví dụ như thủ tục cấp đất, xin giấy phép cho khách lưu trú qua đêm, hay kết nối với các tour du lịch. Green Life rất mong được tạo điều kiện để làm mô hình bền vững hơn.

Hiện nay, Green Life đã xây dựng một khu trải nghiệm nơi du khách có thể tận tay làm sản phẩm tái chế, phân loại rác, sáng tạo từ vật liệu bỏ đi. Mỗi ngày có khoảng 500-700 lượt khách đến, chủ yếu là khách nước ngoài. Có người còn bảo muốn quay lại ở vài ngày để được trải nghiệm thêm.

Các cháu học sinh tham dự buổi Lễ mít tinh sáng ngày 1/6. Ảnh: Khương Trung.

Các cháu học sinh tham dự buổi Lễ mít tinh sáng ngày 1/6. Ảnh: Khương Trung.

Thế là Green Life không chỉ là hợp tác xã mà còn là một điểm đến du lịch sinh thái rồi!

Đúng vậy, chúng tôi bắt đầu ý tưởng từ năm 2019, nhưng đến 2021 mới chính thức hoạt động vì vướng dịch Covid-19. Hiện nay mọi thứ vẫn còn nhỏ nhưng nhờ sự đồng hành của cộng đồng và sự nhiệt huyết của các thành viên, Green Life đã đi được đến hôm nay.

Bà có thể “bật mí” về thu nhập của các thành viên của Green Life hiện nay được không?

Các thành viên đều là những người dân quanh đây, nhiều người trước kia làm nông, làm công việc chân tay. Giờ đây, họ được đào tạo để làm sản phẩm tái chế, có thêm thu nhập, mỗi tháng bình quân được 6-8 triệu đồng để trang trải cuộc sống. Điều chúng tôi vui nhất là khi thấy sản phẩm mình làm ra được trân trọng trên tay người dùng. Đó là giá trị lớn nhất mà tôi cảm nhận được từ Green Life.

Xin trân trọng cảm ơn bà! Chúc Green Life sẽ phát triển hơn nữa và đạt được những mục tiêu lớn về phát triển xanh và bền vững của mình!

Không gian HTX Green Life Hạ Long xanh mướt bởi cây, hoa, được trồng trong những lốp xe ô tô cũ hoặc phao tàu bỏ đi. Ảnh: Hoàng Quý.

Không gian HTX Green Life Hạ Long xanh mướt bởi cây, hoa, được trồng trong những lốp xe ô tô cũ hoặc phao tàu bỏ đi. Ảnh: Hoàng Quý.

Lễ Mít tinh trọng thể hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới (5/6) và phát động Tháng hành động vì Môi trường năm 2025 do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức; Báo Nông nghiệp và Môi trường là đơn vị thực hiện.

Sự kiện năm nay mang chủ đề toàn cầu “Chống ô nhiễm nhựa” (Beat Plastic Pollution), do Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động.

Các đơn vị đồng hành chương trình gồm: Petrolimex, PV GAS, Petrovietnam, TKV, Vinamilk, La Vie, VIMC, EVNGENCO1, URENCO…

Xem thêm

Bình luận mới nhất