Trước đó, trưa ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 BKS QN-7105 rời bến đi tham quan trên Vịnh Hạ Long. Đến 13 giờ 30 phút cùng ngày, tàu gặp dông bất ngờ và mất kết nối tín hiệu GPS vào 14 giờ 5 phút.
Đến nay, các lực lượng chức năng trục vớt được tàu và tìm thấy 45 trên tổng số 49 người. Trong đó, 10 người sống và 35 người đã tử vong, 4 người mất tích chưa tìm thấy.
Từ khi tai nạn xảy ra, cùng với những lời chia sẻ nỗi đau với người thân và gia đình nạn nhân, nhiều người dùng mạng xã hội đặt ra những câu hỏi như: Tại sao biết có bão vào mà vẫn đi chơi trên biển? Tại sao cơ quan chức năng không cấm biển? Tại sao thuyền trưởng không yêu cầu hành khách mặc áo phao? Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?...

Các lực lượng trục vớt con tàu bị lật vào đêm 19, rạng sáng 20/7. Ảnh: Vinawa.
Lý giải hiện tượng thời tiết cực đoan
Trước những ý kiên trên, tối ngày 20/7, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Huy – chuyên gia nghiên cứu khí hậu, khí tượng và quản lý rủi ro thiên tai - đã có bài phân tích như để trả lời cho hàng loạt thắc mắc của cộng đồng mạng. Ông lên tiếng khẳng định “các nạn nhân trong vụ lật tàu ở Vịnh Hạ Long không có lỗi”.
Lý giải về cơn dông chiều 19/7, chuyên gia cho rằng, đây là siêu mây dông hiếm gặp, quét mạnh từ Bắc vào Nam. Dông hình thành do không khí lạnh đới cao có hướng Bắc - Nam gặp phải không khí nóng ẩm từ biển vào kết hợp mây đối lưu tại chỗ trong điều kiện khí áp bề mặt giảm mạnh xuống còn 996 hpa khu vực Vịnh Hạ Long sau chuỗi này nắng nóng.
“Tình huống chìm tàu hôm ấy cũng là một tình huống hy hữu và có thể có lốc xoáy tại chỗ khi mây dông xảy ra. Gặp lốc xoáy thì dù thuyền hiện đại và thuyền trưởng có kinh nghiệm cũng không xử lý được”, ông cho hay.
Những du khách trên thuyền rời cảng vào khoảng thời gian buổi trưa. Lúc đó, trời đang nắng nóng và không có dấu hiệu của mưa gió. Các bản tin cảnh báo bão cũng nêu rõ ngày 21/7 bão mới vào Vịnh Bắc Bộ. Không hề có dấu hiệu thời tiết nguy hiểm và không thể trách nạn nhân rằng họ cố đi chơi trong khi bão đang vào.
Sở dĩ cơ quan chức năng phát lệnh cấm biển phải dựa trên bản tin dự báo thời tiết chính thống hoặc quan sát tình hình thời tiết tại chỗ, nhưng bản tin dự báo thời tiết vào buổi sáng chỉ thông báo gió cấp 2, cấp 3.

Dự báo gió bề mặt Vịnh Hạ Long vào thời điểm 13h45, ngày 19/7 (21km/h). Ảnh: FB Huy Nguyễn.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia thông tin, Đài Quảng Ninh phát bản tin dự báo có mưa và dông lốc lúc 13:30 ngày 19/7/2025. Lúc này, tàu Vịnh Xanh đã xuất bến nên. Nên biết rằng khi có thông tin, Ban quản lý cảng đã không cho các tàu khác xuất bến.
“Theo thông lệ, việc cấm biển có thể được đưa ra khi bão cách đất liền 24 giờ di chuyển để đảm bảo các tàu vào cảng neo đậu an toàn. Dự báo bão Wipha tới 21/7 mới vào Vịnh Bắc Bộ nên không thể ban hành lệnh cấm biển từ 19/7 nếu không phát hiện tình huống thời tiết cực đoan”, chuyên gia Huy Nguyễn nhận định.
Cơ quan chức năng cho biết, trong quá trình cứu hộ, lực lượng chức năng phát hiện 80-90% nạn nhân đều có mặc áo phao, cho thấy thuyền trưởng có phát lệnh mặc áo phao. Tuy nhiên, việc mặc áo phao trong khoang thuyền kín lại tiềm ẩn nguy hiểm, vì sẽ rất khó xoay xở và thoát ra ngoài khi xảy ra sự cố.
Lẽ ra, khi mặc áo phao, hành khách phải lên boong hoặc tất cả cửa sổ phải được mở sẵn. TS Huy Nguyễn phán đoán, khi trời mưa to, gió tạt mạnh, các hành khách đã đóng kín cửa để tránh mưa hắt vào khoang - đây chính là nguyên nhân khiến họ không thể thoát ra ngoài khi thuyền bị lật.
Thách thức dự báo thiên tai
Vấn đề chính: Tại sao không dự báo dông lốc sớm hơn?
Chuyên gia Huy Nguyễn cho biết: “Qua theo dõi, cả hai mô hình dự báo của Mỹ và châu Âu đều không dự đoán có dông lốc trên Vịnh Hạ Long trong khung giờ từ 12-14h ngày 19/7. Cá nhân tôi chỉ phát hiện đám mây phát triển trên ảnh vệ tinh vào khoảng 14h, khi sự việc đã xảy ra.
Ban đầu, cụm mây chỉ là một khối nhỏ ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ rồi lan rộng dần. Nếu theo dõi liên tục có thể dự đoán được xu hướng hình thành cơn dông, nhưng ở khu vực thuyền gặp nạn, dông phát triển quá nhanh, rất khó phát cảnh báo sớm nếu không trực tiếp quan sát tại chỗ”.
Ảnh radar quét mây thời gian thực có thể phát hiện cơn dông, nhưng cũng giống như ảnh vệ tinh, đó là ảnh thời gian thực. Điều này đồng nghĩa rằng khi radar phát hiện thì cơn dông đã xuất hiện.
Vào thời điểm xảy ra mây dông, khí áp bề mặt cực thấp (996hpa) do áp thấp nóng nhiều ngày liên tục gây ra. Khí áp thấp này kết hợp nền nhiệt cao khi bốc hơi mà gặp không khí lạnh đới cao hội tụ theo dải hẹp thì chắc chắn có mây dông.
Tuy nhiên để đo được nhiệt độ và khí áp ở độ cao 1.500m trở lên cần có bóng thám không. Mỗi bóng thám không mỗi lần thả lên trời để thu thập số liệu tốn hơn 1.000 USD. Ngày nào cũng thả bóng sẽ tiêu tốn chi phí rất lớn. Do vậy, việc cảnh báo mây dông là tương đối, khó dự báo xa và khó dự báo cấp gió.
Khi bão đổ bộ khả năng sẽ đạt cấp gió khoảng cấp 10-11 và giật cấp 13, tàu thuyền cần tránh trú vào nơi an toàn. Mưa sẽ tập trung từ tối 21/7 đến ngày 23/7, với tổng lượng mưa lên tới hàng trăm mm, cá biệt có nơi có thể lên tới 500-600mm.
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) khuyến cáo, người dân cần cảnh giác mưa lượng rất lớn dồn dập, tập trung trong quãng ngắn. Với khả năng xảy ra ngập lụt đô thị, ngập diện rộng, người dân cần nhanh chóng chuẩn bị đầy đủ nhu yếu phẩm, đảm bảo thiết bị thông tin liên lạc thông suốt, di chuyển phương tiện, đồ đạc lên nơi cao ráo và tránh ra ngoài khi bão đổ bộ.
Đặc biệt, khi không có trang thiết bị bảo hộ cũng như thiết bị chuyên dụng, không nên tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ vì có thể chính bản thân sẽ gặp nguy hiểm và trở thành đối tượng được cứu nạn.