Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố danh sách phân loại rủi ro quốc gia theo Quy định về Sản phẩm không gây mất rừng (EUDR), nhằm đảm bảo rằng các sản phẩm tiêu thụ tại Liên minh châu Âu (EU) không góp phần vào nạn phá rừng toàn cầu.
Theo danh sách phân loại rủi ro quốc gia được công bố bởi Ủy ban châu Âu, Việt Nam được xếp vào nhóm "rủi ro thấp". Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm như cà phê, cao su và gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang EU sẽ chỉ cần thực hiện quy trình thẩm định đơn giản hơn, với tỷ lệ kiểm tra tuân thủ là 1%.

Kiểm lâm Hà Giang tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Báo Hà Giang.
Indonesia và Brazil là các quốc gia xuất khẩu lớn vào EU, được xếp vào nhóm "rủi ro tiêu chuẩn", mặc dù là quốc gia có tỷ lệ phá rừng cao trong quá khứ. Chỉ có 4 quốc gia bị xếp vào nhóm "rủi ro cao", bao gồm: Belarus, Myanmar, Triều Tiên, Nga. Các quốc gia này sẽ phải tuân thủ các yêu cầu kiểm tra nghiêm ngặt nhất khi xuất khẩu các mặt hàng như gỗ, cà phê, cao su, ca cao, dầu cọ, đậu nành và thịt bò vào EU.
Việc Việt Nam được xếp vào nhóm nhóm “rủi ro thấp” về phá rừng không thay đổi nghĩa vụ pháp lý đối với các nhà xuất khẩu từ Việt Nam - tức là họ vẫn phải tuân thủ đầy đủ tất cả các yêu cầu của EUDR. Tuy nhiên, có một số điểm thuận lợi và khác biệt trong quá trình thực thi. Cụ thể, giảm tần suất kiểm tra tuân thủ: Đối với sản phẩm từ quốc gia thuộc nhóm “rủi ro thấp”, chỉ 1% các lô hàng sẽ bị cơ quan chức năng EU chọn ngẫu nhiên để kiểm tra. Trong khi đó, các nước được xếp vào nhóm "rủi ro tiêu chuẩn" và “rủi ro cao” lần lượt là 3% và 9%.
Ngoài ra, giảm nguy cơ bị đình chỉ hoặc bị điều tra, nghĩa là các doanh nghiệp từ quốc gia "rủi ro thấp" sẽ ít bị nghi ngờ hơn, điều này giúp rút ngắn thời gian và chi phí thông quan.
Việc Việt Nam được xếp vào nhóm nhóm “rủi ro thấp” về phá rừng giúp giảm gánh nặng kiểm tra hậu kiểm và tạo lợi thế cạnh tranh, nhưng không miễn trừ trách nhiệm thẩm định và minh bạch chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải chuẩn bị hồ sơ và dữ liệu đầy đủ, đặc biệt là hệ thống truy xuất nguồn gốc đến tọa độ địa lý.
Trước công bố mới trên, Mạng lưới EUDR - Lâm nghiệp đề xuất chính phủ Việt Nam duy trì và nâng cao vị thế "rủi ro thấp" bằng việc tiếp tục thực hiện các chính sách bảo vệ rừng, tăng cường quản lý và giám sát việc sử dụng đất, đồng thời thúc đẩy các chương trình trồng rừng và phục hồi rừng.
Đồng thời, chính phủ Việt Nam hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân, cung cấp đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật để giúp họ đáp ứng các yêu cầu của EUDR, đặc biệt là trong việc thu thập và quản lý dữ liệu về nguồn gốc sản phẩm.
Bên cạnh đó, chính phủ tăng cường hợp tác quốc tế, làm việc chặt chẽ với EU và các tổ chức quốc tế để nhận được hỗ trợ kỹ thuật và tài chính trong việc thực hiện các yêu cầu của EUDR.
Đối với doanh nghiệp, Mạng lưới EUDR - Lâm nghiệp đề xuất thiết lập hệ thống quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm từ vùng nguyên liệu đến thành phẩm, sử dụng công nghệ số và dữ liệu địa lý.
Doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định pháp luật, cụ thể, đảm bảo rằng tất cả các hoạt động sản xuất và khai thác đều tuân thủ luật pháp về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động.
Ngoài ra, doanh nghiệp tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức thông qua việc tổ chức các chương trình đào tạo cho nhân viên và đối tác trong chuỗi cung ứng về các yêu cầu của EUDR và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.