| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam kiên định mục tiêu trung hòa carbon

Thứ Hai 28/04/2025 , 15:33 (GMT+7)

Tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào cùng định hướng phát triển bền vững, phát thải thấp là cơ sở để Việt Nam khẳng định sẽ đạt trung hòa carbon vào năm 2050.

Bước đệm chuyển đổi năng lượng

“Dù thế giới có thay đổi thế nào, Việt Nam vẫn cam kết kiên định với mục tiêu trung hòa carbon năm 2050”.

Đây là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị cấp cao trực tuyến về Hành động khí hậu diễn ra tuần trước, với tư cách lãnh đạo nước đi đầu triển khai Quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Giữa đông đảo lãnh đạo các nền kinh tế lớn, Thủ tướng nhấn mạnh: “Dù là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, nguồn lực còn hạn chế, Việt Nam đã bước đầu đạt một số kết quả tích cực, như là quốc gia đi đầu trong cung ứng năng lượng tái tạo tại ASEAN, là điển hình tốt, được quốc tế đánh giá cao về thúc đẩy nông nghiệp xanh bền vững, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hầu hết các cơ chế đa phương và sáng kiến lớn về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng”.

Hội nghị cấp cao trực tuyến về Hành động khí hậu quy tụ 17 nguyên thủ quốc gia và chính phủ từ các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tại đây, lãnh đạo các nước đã thống nhất về việc đưa ra các các kế hoạch hành động khí hậu quốc gia mạnh mẽ hơn, được gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật lần thứ 3, trước thềm Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP) 30. Hội nghị sẽ diễn ra tại Brazil vào tháng 11/2025.

Khẳng định này là có cơ sở bởi thực tế về nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia sớm thực hiện sản xuất quy mô lớn 1 triệu ha lúa gạo chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp; tỷ lệ che phủ rừng duy trì tốt. Về năng lượng, đến cuối năm 2024, công suất nguồn điện của Việt Nam đang đứng đầu ASEAN với 82,4 GW, trong đó, công suất các nguồn điện gió, điện mặt trời chiếm tỷ trọng 26% (tính cả nguồn thủy điện đạt trên 50%).

Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện đạt 75% và trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Trung Nguyên.

Việt Nam đặt mục tiêu tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện đạt 75% và trung hòa carbon vào năm 2050. Ảnh: Trung Nguyên.

Trong bối cảnh một số quốc gia đang hòa hoãn với điện than để ứng phó cuộc khủng hoảng năng lượng, Việt Nam kiên định sẽ giảm công suất điện than theo đúng lộ trình đề ra và tiếp tục tăng các nguồn năng lượng tái tạo. Với Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh vừa công bố đầu tháng 4/2025, Việt Nam đặt mục tiêu tổng công suất điện năm 2030 đạt khoảng 90-100 GW, trong đó, các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thuỷ điện), đạt tỷ lệ khoảng 28 - 36%.

Đáng chú ý, qua đánh giá kế hoạch phát triển nguồn điện giai đoạn đến 2025, tiến độ các dự án điện gió trên bờ, thủy điện và điện mặt trời đều đạt chưa tới một nửa, trong khi các nguồn điện lớn (điện khí LNG và điện gió ngoài khơi) dự kiến vận hành vào cuối năm 2030 và sang đầu giai đoạn sau. Để đảm bảo nguồn cung cấp điện cho các năm 2026-2029, Chính phủ quyết định đẩy sớm đầu tư thủy điện nhỏ, điện gió, điện mặt trời, pin tích năng và nguồn nhiệt điện linh hoạt so với lộ trình trước đây.

Cụ thể, nguồn điện linh hoạt dự kiến đạt 2-3 GW vào năm 2030, tăng gấp 10 lần so với con số khiêm tốn chỉ 300 MW trong Quy hoạch điện VIII. Tương tự là hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS) lên tới khoảng 10-16,7 GW. Bên cạnh đó, thủy điện tích năng tăng quy mô từ 2,4 GW lên tới 6 GW.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký hiệp hội năng lượng Việt Nam nhìn nhận, đây là các loại hình đầu tư hệ thống dịch vụ mới và cũng là cơ hội mới cho nhiều nhà đầu tư, cả trong và ngoài nước.

Những nguồn điện này đều là thành tố quan trọng trong dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, tạo điều kiện cho vận hành hiệu quả điện gió, điện mặt trời - vốn thất thường gây bất ổn cho hệ thống. Điều này góp phần xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia thông minh, đủ khả năng tích hợp, vận hành an toàn hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn.

Định hướng đến năm 2050, tổng công suất điện quốc gia đạt 205-228 GW, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống điện Việt Nam lên đến 75%.

Đảm bảo lộ trình giảm phát thải khí nhà kính

Thời gian tới, các nhà máy nhiệt điện cùng những cơ sở sản xuất phát thải lớn sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải theo từng năm, và tiên phong tham gia thị trường carbon trong nước ngay từ giai đoạn thí điểm, bắt đầu từ năm 2025.

Các nhà máy nhiệt điện sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải theo từng năm

Các nhà máy nhiệt điện sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải theo từng năm

Quy hoạch phát triển các nguồn điện vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050. Phát thải ngành điện sẽ đạt đỉnh vào năm 2035, sau đó giảm dần để tuân thủ lộ trình loại bỏ điện than và góp phần trọng yếu vào cam kết trung hòa carbon của Việt Nam. Năm 2050, phát thải CO2 ngành điện chỉ phát sinh từ các nguồn điện khí.

Xác định năng lượng là mạch máu của nền kinh tế, là động lực để chuyển hướng kinh tế xanh và phát triển bền vững, Chỉnh phủ đang cùng các Bộ, ngành nỗ lực tháo gỡ từng bước và đưa ra những cơ chế mới, đột phá trong lĩnh vực năng lượng.

Trước mắt là những định hướng trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh và sắp tới là Kế hoạch triển khai với những nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Phát huy tinh thần 3 sẵn sàng là “sẵn sàng tham gia, sẵn sàng đồng hành, sẵn sàng dẫn dắt”, Việt Nam sẽ tiếp tục là bạn tốt, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trên chặng đường phát triển xanh và bền vững sắp tới.

Kết quả đánh giá nỗ lực ứng phó BĐKH cho thấy, thế giới vẫn chưa hành động đủ để giữ nhiệt độ toàn cầu chỉ tăng ở mức 1,5 độ C và không quá 2 độ C vào cuối thế kỉ. Trong năm 2025, gần 200 quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu sẽ đưa ra cam kết mới, mục tiêu mới về giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng BĐKH cho giai đoạn 2025-2035.

Xem thêm
Ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép trong ngày nghỉ lễ

Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Dương vừa đề nghị Công an tỉnh tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép dịp nghỉ lễ sắp tới.

Đề xuất tăng mức thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước

Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu phí từ 40-102% đối với 6 công việc thẩm định khai thác, sử dụng nguồn nước.

Bình Định xác định hai khu vực biển để nhận chìm tại vùng biển Quy Nhơn

UBND tỉnh Bình Định vừa xác định hai khu vực nhận chìm vật chất nạo vét tại vùng biển Quy Nhơn, với tổng diện tích 255ha, nằm ngoài phạm vi 6 hải lý.