| Hotline: 0983.970.780

Ba lĩnh vực hợp tác môi trường và khí hậu Pháp - Ai Cập

Thứ Tư 23/04/2025 , 09:10 (GMT+7)

Nghiệp đoàn giới chủ Pháp và Bộ Môi trường Ai Cập thống nhất sẽ thúc đẩy các dự án liên quan đến hydro xanh, trung hòa carbon và cân bằng hệ sinh thái.

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập, bà Yasmine Fouad tiếp đoàn công tác Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF). Ảnh: The Egyptian Gazette. 

Bộ trưởng Môi trường Ai Cập, bà Yasmine Fouad tiếp đoàn công tác Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF). Ảnh: The Egyptian Gazette. 

Vừa qua, Bộ trưởng Môi trường Ai Cập, bà Yasmine Fouad đã có cuộc gặp với Nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF), do ông Wouter van Wersch, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách quốc tế của Tập đoàn Airbus làm trưởng đoàn. 

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Fouad đề cao mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa Ai Cập và Pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực môi trường và khí hậu. Các tập đoàn lớn của Pháp đều quan tâm đến việc mở rộng đầu tư xanh tại Ai Cập.

Hợp tác môi trường và đầu tư xanh giữa Ai Cập và Pháp

Bộ trưởng cho biết, trong những năm gần đây, Ai Cập đã lồng ghép các mục tiêu môi trường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2019, Chính phủ Ai Cập đã phê duyệt bộ tiêu chí phát triển bền vững xanh cho đầu tư công, đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% các dự án xanh sử dụng nguồn ngân sách quốc gia. 

Theo bà, vấn đề biến đổi khí hậu đã thúc đẩy quá trình tái cơ cấu Hội đồng Quốc gia về Biến đổi Khí hậu, do Thủ tướng Ai Cập chủ trì. Nhờ đó, hoàn thành xây dựng Chiến lược Khí hậu Quốc gia đến năm 2050, cập nhật các Đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDCs), nhấn mạnh các giải pháp thuận thiên và bảo vệ rạn san hô. Những nỗ lực này hoàn toàn phù hợp với lời kêu gọi của Ai Cập từ năm 2018 về việc tăng cường gắn kết giữa ba Công ước Rio: Công ước về Biến đổi Khí hậu, Đa dạng Sinh học và Chống sa mạc hóa.

Là quốc gia phát thải khí nhà kính chiếm chưa đến 1% tổng lượng toàn cầu, Ai Cập xác định thích ứng với biến đổi khí hậu là ưu tiên hàng đầu, đặc biệt tập trung vào bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực. Chính phủ đã xây dựng một chiến lược đầu tư khí hậu quốc gia tập trung vào hai lĩnh vực trên, đồng thời khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân và ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư.

Phái đoàn doanh nghiệp Pháp bày tỏ mong muốn được tham gia đầu tư vào quá trình chuyển đổi xanh của Ai Cập, đồng thời đánh giá cao môi trường chính trị ổn định và chính sách đầu tư cởi mở tại đây. Các thành viên trong đoàn cho biết họ sẵn sàng hợp tác triển khai các dự án liên quan đến hydro xanh - loại hydrogen được sản xuất từ năng lượng tái tạo, trung hòa carbon và thúc đẩy cân bằng hệ sinh thái.

MEDEF quy tụ nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như xây dựng xanh, sản xuất vật liệu xây dựng phát thải thấp, tư vấn môi trường, sân bay thân thiện với môi trường, công nghiệp tái chế và năng lượng tái tạo.

Ai Cập - Từ cam kết quốc tế đến hành động thiết thực vì phát triển bền vững

Về mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực ô tô, bà Yasmine Fouad cho biết Ai Cập đang triển khai kế hoạch sản xuất cả xe chạy xăng và xe điện, đồng thời khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu ít phát thải. Ngoài ra, hệ thống giao thông công cộng sử dụng điện cũng đang được mở rộng và đã vượt chỉ tiêu cắt giảm khí thải mà quốc gia đề ra trong kế hoạch khí hậu.

Bà cũng chia sẻ rằng ngành công nghiệp Ai Cập đang từng bước chuyển mình để tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, với sự hỗ trợ từ Chương trình Kiểm soát ô nhiễm công nghiệp. Trong giai đoạn mới, chương trình “Ngành công nghiệp xanh bền vững” (GSI) cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các cơ sở sản xuất đang gây ô nhiễm cùng các doanh nghiệp chuyển hướng sang mô hình xanh hơn.

Bà Fouad cũng nhấn mạnh các sáng kiến tài chính xanh do Ngân hàng Trung ương Ai Cập khởi xướng, yêu cầu các ngân hàng quốc doanh thành lập các đơn vị phát triển bền vững, tích hợp yếu tố môi trường vào các hoạt động tài chính, đồng hành với định hướng chuyển đổi xanh của quốc gia. Ai Cập cũng đang xúc tiến thành lập Quỹ Thiên nhiên (Nature Fund) với sự tham gia của các ngân hàng trong nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái và thu hút đầu tư tư nhân vào các khu bảo tồn.

Ai Cập đã ban hành luật quản lý chất thải đầu tiên của quốc gia, trên nguyên tắc kinh tế tuần hoàn và sự tham gia của khối tư nhân. Cơ quan Điều tiết Quản lý Chất thải thuộc Bộ Môi trường Ai Cập chịu trách nhiệm xây dựng các quy trình và tiêu chuẩn công nghệ.

Theo Bộ trưởng, Ai Cập cởi mở các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực tái chế chất thải xây dựng và phá dỡ. Một khu đô thị chuyên về xử lý chất thải quy mô lớn đang được xây dựng tại Thành phố 10 tháng Ramadan, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB). Cơ sở này sẽ tiếp nhận và xử lý các loại chất thải sinh hoạt, y tế, công nghiệp và xây dựng cho khu vực Đông Cairo và tỉnh Qalyubia, với mô hình vận hành do khu vực tư nhân đảm trách.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Từ du lịch xanh đến đô thị xanh ở Ai Cập

Nằm giữa dãy núi Sinai và Biển Đỏ, Sharm El-Sheikh đã chuyển mình từ một làng chài yên tĩnh thành đô thị xanh bền vững cho ngành du lịch của Ai Cập.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.