Theo Nghị định 05/2025 vừa được ban hành, các nhà sản xuất, nhập khẩu hàng hóa có trách nhiệm thu gom, tái chế hoặc đóng góp tài chính để xử lý chất thải từ sản phẩm của mình sau khi tiêu dùng. Đây là nội dung cốt lõi của cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đang được triển khai.
Thực hiện đúng quy định không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ pháp luật mà còn mở ra cơ hội được bảo lưu kết quả tái chế, cấn trừ nghĩa vụ tài chính và tiếp cận nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng.

Ông Đỗ Xuân Thuấn, đại diện Văn phòng EPR, giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.
Đại diện Văn phòng EPR chia sẻ tại “Hội thảo tập huấn triển khai thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR”, kết quả tái chế vượt mức quy định trong một năm sẽ được bảo lưu cho năm sau, nếu doanh nghiệp kê khai kế hoạch và báo cáo đầy đủ.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp thực hiện tái chế bằng cách thuê đơn vị tái chế có đủ điều kiện pháp lý, thì khối lượng được thu gom, xử lý đúng quy định sẽ được tính vào nghĩa vụ EPR. Trường hợp thuê đơn vị tái chế, doanh nghiệp có thể tái chế bao bì cùng loại, không bắt buộc phải thu hồi đúng loại bao bì của mình, miễn là đáp ứng tổng khối lượng theo quy định.
Các sản phẩm khó thu hồi như tủ lạnh, điện thoại, pin… cũng được hướng dẫn linh hoạt. Doanh nghiệp có thể tái chế loại sản phẩm cùng nhóm thay vì bắt buộc đúng mẫu mã của mình, miễn là đủ tỷ lệ quy định. Đây là cách để thích ứng với thực tế thu gom còn hạn chế.

Thực thi đúng quy định EPR, doanh nghiệp có thể bảo lưu khối lượng tái chế và cấn trừ nghĩa vụ tài chính sang năm kế tiếp. Ảnh minh hoạ.
Đặc biệt, những khoản tài chính đóng góp cho trách nhiệm xử lý chất thải (như dầu gội, dầu thải…) trong năm 2024 sẽ được bảo lưu sang năm 2025 nếu chưa sử dụng. Điều này giúp doanh nghiệp chủ động tài chính và thực hiện theo tiến độ phù hợp.
Dù vậy, một số khó khăn hiện nay được ghi nhận từ doanh nghiệp như: xác định loại bao bì phải kê khai, khối lượng hàng hóa đưa ra thị trường và lựa chọn đơn vị tái chế đủ điều kiện. Bên cạnh đó hạ tầng thu gom, tái chế vẫn trong quá trình hoàn thiện. Nhiều làng nghề, cơ sở nhỏ chưa đủ năng lực và điều kiện môi trường để tham gia vào hệ thống EPR một cách chính quy. Vì vậy, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu kỹ và hợp tác với đơn vị tái chế uy tín, có giấy phép môi trường và năng lực kỹ thuật để đảm bảo kết quả được công nhận.
Song song với yêu cầu, các cơ chế ưu đãi cũng đang được nhà nước thúc đẩy. Các cơ sở tái chế có thể được miễn giảm thuế, ưu đãi đất đai, tiếp cận tín dụng xanh, trái phiếu xanh… Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành tiêu chí nhãn sinh thái với sản phẩm bao bì, trong đó nếu bao bì chứa tối thiểu 20% nhựa tái chế sẽ được cấp nhãn sinh thái. Đây là căn cứ để cơ sở tái chế và doanh nghiệp tham gia EPR được hưởng nhiều hỗ trợ hơn.
Cùng với đó, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn đang được đẩy mạnh, khuyến khích sản xuất sạch hơn, kéo dài vòng đời sản phẩm, tái sử dụng và tái chế. Thị trường thu gom, tái chế vì vậy sẽ phát triển theo nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Ông Đỗ Xuân Thuấn, đại diện Văn phòng EPR, nhấn mạnh: “Doanh nghiệp cần chủ động kê khai và lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn. Khi có vướng mắc, Văn phòng sẵn sàng đồng hành tháo gỡ”.
Hiện nay, triển khai chính sách EPR là xu hướng tất yếu nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, bảo vệ môi trường. Nhưng để thực thi hiệu quả, doanh nghiệp cần hiểu đúng, làm đúng và kịp thời, để vừa đảm bảo trách nhiệm, vừa tận dụng tối đa các quyền lợi được hưởng.
EPR là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh Extended Producer Responsibility, có nghĩa là Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất. Theo định nghĩa được Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đưa ra trong Công ước quốc tế về kiểm soát việc vận chuyển qua biên giới các chất thải nguy hại và việc tiêu hủy chúng (BASEL), EPR là cách tiếp cận chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR được thiết kế dựa trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm việc thu gom; tiền xử lý (vận chuyển, phân loại, tháo dỡ, làm sạch…); tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng), tiêu hủy. Nhà sản xuất thực hiện trách nhiệm của mình thông qua cung cấp nguồn tài chính cần thiết và/hoặc trực tiếp tham gia vận hành quản lý chất thải rắn, có thể thực hiện riêng lẻ hoặc theo nhóm, tập thể.