
Người dân thắp hương tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch) hay thường gọi là "Người mẹ cầm súng". Ảnh: Hồ Thảo.
Ký ức chiến tranh
Trong hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tại khu tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Út (Út Tịch), cựu chiến binh Nguyễn Huy Nghiệp, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Ngãi, thắp hương tưởng niệm các thế hệ tiền nhân.
Giữa làn khói hương, ông Nghiệp xúc động ôn lại ký ức một thời máu lửa. Ông kể, khi tham gia kháng chiến từ tuổi 15, hình ảnh đất quê chìm trong bom đạn đã in sâu trong tâm trí. Địch ráo riết săn lùng, gom dân vào ấp chiến lược, tịch thu nhà cửa, cấm trồng trọt, phá bỏ vườn tược. Ban ngày, máy bay oanh tạc liên hồi, ban đêm giặc lùng sục càn quét. Tam Ngãi khi ấy chỉ còn những cánh đồng hoang bị cày xới bởi bom đạn, mọc đầy cỏ lát, cỏ năng.
Sau ngày giải phóng 1975, dù tiếng súng đã im, nhưng Tam Ngãi chỉ còn lại đất phèn, nước mặn, trâu bò cũng chẳng có nước uống. Những cánh đồng vào tháng 10, lúa vừa chín đã cháy khô vì không đủ nước tưới.
Chính quyền và nhân dân Tam Ngãi chung sức khai hoang, cải tạo đất đai, xây dựng hệ thống thủy lợi. Người dân nạo vét kênh rạch, đắp bờ bao, dẫn nước từ hệ thống Nam Măng Thít về ruộng đồng.
"Ngày đó, tụi tui phải xắn quần lội bùn, từng ngày cuốc đất, cào từng lớp phèn. Ban đầu chỉ làm được một vụ lúa mỗi năm, rồi dần dần làm thêm hai, ba vụ. Vụ nào thu được 10 dạ lúa mỗi công, tui mừng đến rơi nước mắt", ông Nghiệp kể.

Quê hương Tam Ngãi ngày nay trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái trù phú, với sản lượng khoảng 37.700 tấn mỗi năm. Ảnh: Hồ Thảo.
Đến nay, Tam Ngãi đã thay da đổi thịt. Đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa khang trang, nhà cửa mọc lên san sát, đời sống người dân ngày càng no ấm. Hằng năm, địa phương cũng thực hiện nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất.
Đến nay, toàn xã có hơn 200 cống và gần 100 tuyến kênh nội đồng. Riêng năm qua, xã đã nạo vét ba tuyến kênh chính với tổng chiều dài khoảng 10km, phục vụ cho hơn 600 ha đất sản xuất. Ngoài ra, ba tuyến kênh mới với tổng chiều dài 5.400m cũng đã được nghiệm thu, đưa vào sử dụng, góp phần quan trọng giúp bà con yên tâm canh tác.
Gắn bó với vùng đất này từ những năm tháng còn đói nghèo, gia đình bà Mai Thị Chín (ấp Bưng Lớn B) đã từng bước vươn lên thành hộ giàu có nhất nhì tại địa phương.
Bà Chín xúc động chia sẻ: Ngày xưa, nước kênh rạch đỏ quạch vì phèn; vào mùa hạn, đất nứt nẻ như chân chim. Nhờ Nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, gia đình tôi chuyển từ trồng lúa sang trồng bưởi và dừa sáp cấy phôi, cho trái sum suê, thu nhập ổn định. Chỉ tiếc là cha mẹ không còn để chứng kiến cảnh này.

Bà Mai Thị Chín ở (ấp Bưng Lớn B) bên vườn dừa sáp cho trái sum suê và tiếc nuối người thân không còn để chứng kiến. Ảnh: Hồ Thảo.
Theo lãnh đạo xã, những năm gần đây, địa phương đã mạnh dạn tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi từ các loại cây trồng truyền thống sang các giống cây ăn trái có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu thị trường. Đồng thời tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, xã đã tập trung phát triển các loại cây trồng chủ lực như dừa, xoài, cam, mít, sầu riêng... theo danh mục được hỗ trợ, tạo nên diện mạo mới cho vùng quê này.
Cụ thể, theo Nghị quyết 03 của HĐND tỉnh Trà Vinh, người dân Tam Ngãi được hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi 1.000m² đất chuyển đổi sang cây trồng hiệu quả. Nhờ chính sách kịp thời và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, Tam Ngãi từng bước trở thành vùng chuyên canh cây ăn trái lớn của huyện, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Trong năm 2024, xã đã vận động người dân chuyển đổi 22 ha đất lúa sang trồng cây ăn trái như cam, sầu riêng, mít..., đạt 110% kế hoạch đề ra. Hiện tổng diện tích vườn cây ăn trái của xã gần 1.600 ha, bằng 107% chỉ tiêu đặt ra, sản lượng khoảng 37.700 tấn, đạt 106% mục tiêu.
Trong đó, dừa và ổi trở thành hai cây trồng chủ lực nhờ thích nghi tốt với thổ nhưỡng, ít sâu bệnh và đầu ra ổn định. Trung bình, mỗi hecta vườn cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng mỗi năm. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt khoảng 82 triệu đồng/năm và tăng đều 15% mỗi năm, đời sống người dân đổi thay rõ rệt.
Tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu
Song song với phát triển sản xuất, xã Tam Ngãi đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao.
Chủ tịch UBND xã Tam Ngãi, Nguyễn Thị Bích Nhi, cho biết: Sau khi được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao vào năm 2022, Tam Ngãi tiếp tục tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn liền với mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, lấy phát triển sản xuất sạch, an toàn làm trọng tâm, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Cụ thể, địa phương chú trọng đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại và đưa vào sản xuất những giống cây trồng năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu. "Chúng tôi đang tích cực vận động người dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu, đồng thời liên kết sản xuất, hướng tới mục tiêu xuất khẩu để phát triển bền vững", bà Nhi dẫn chứng.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Tam Ngãi tập trung mở rộng quy mô đàn vật nuôi theo hướng an toàn sinh học và bền vững. Khuyến khích người dân phát triển các mô hình trang trại chăn nuôi heo và nuôi gà ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo vệ môi trường.
Đối với thủy sản, xã ưu tiên phát triển nuôi trồng theo hướng thâm canh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, tập trung vào các đối tượng chủ lực như cá lóc, cá tra, tôm càng xanh... Theo đó áp dụng linh hoạt mô hình nuôi luân canh, xen canh phù hợp với điều kiện từng vùng sản xuất. "Chúng tôi quyết tâm đến cuối năm có thêm ít nhất 1 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu, hướng đến mục tiêu xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong tương lai", bà Nhi nhấn mạnh.

Những công trình giao thông nông thôn tại xã Tam Ngãi đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng nông thôn mới trên quê hương Cầu Kè. Ảnh: Hồ Thảo.
Tại khu tưởng niệm Nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út ở xã Tam Ngãi, bà Chủ tịch UBND xã, Nguyễn Thị Bích Nhi nhắn nhủ đoàn học sinh tham quan: Hôm nay chúng ta được sống trong tự do, no cơm ấm áo là nhờ sự hy sinh, máu xương của biết bao thế hệ. Thế hệ hôm nay phải luôn biết ơn và trân trọng những bậc tiền nhân đi trước.