| Hotline: 0983.970.780

Chuyện xây dựng NTM ở xã có thu nhập bình quân 92 triệu đồng/người/năm

Thứ Ba 15/07/2025 , 06:19 (GMT+7)

Xã Thạch Thất của TP Hà Nội được hình thành từ 6 đơn vị hành chính cũ gồm thị trấn Liên Quan, xã Kim Quan, Phú Kim, Lại Thượng, Đại Đồng, Cẩm Yên.

Cảnh thanh bình ở vùng quê Thạch Thất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Cảnh thanh bình ở vùng quê Thạch Thất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Từng là trung tâm chính trị, hành chính của huyện Thạch Thất trước đây nên xã Thạch Thất được thừa hưởng nhiều cơ sở hạ tầng gồm 20 trường học, trong đó có 17 trường đạt chuẩn quốc gia; 78 di tích trong đó có 27 di tích đã được xếp hạng gồm 5 di tích quốc gia và 22 di tích cấp thành phố. Bên cạnh đó là thừa hưởng nề nếp quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng, trật tự văn minh đô thị; vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển rác thải; công tác quân sự, quốc phòng địa phương, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.

Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2025 của xã Thạch Thất ước đạt 3.881 tỷ đồng, bằng 55,6% kế hoạch năm và tăng 14,5% so với cùng kỳ giúp thu nhập bình quân đầu người năm nay dự báo vượt mức 92 triệu đồng/người của năm 2024. Phát triển mạnh công nghiệp, thương mại nhưng Thạch Thất vẫn không quên giá trị an sinh xã hội của nông nghiệp và tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới (NTM) để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trong nông nghiệp xã định hướng chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng vật nuôi; xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới; ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất; sử dụng tem nhãn mã QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm; tìm kiếm giải pháp hỗ trợ nông dân theo hướng sản xuất liên kết bền vững.

 Nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản tiếp tục được duy trì, mở rộng và nâng tầm thương hiệu, đăng ký nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác như chè kho, chè lam, bánh dầy, kẹo lạc Đại Đồng, mộc nhĩ, thanh long ruột đỏ...

Tu bổ đường, làm bờ kè cho hồ, ao ở Thạch Thất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Tu bổ đường, làm bờ kè cho hồ, ao ở Thạch Thất. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Trong xây dựng NTM, Thạch Thất xác định quan trọng là phải tuyên truyền sao cho người dân hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình để từ đó chuyển biến trong suy nghĩ, tự giác trong hành động. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước như ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày giải phóng Miền Nam…được tổ chức quy mô và thu hút sự quan tâm của nhiều người dân.

Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, 6 tháng đầu năm xã Thạch Thất có 96/125 đám đưa đi hỏa táng (77%), tăng gần 1% so với cùng kỳ năm 2024. Thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học ngoài mua sắm thêm các trang thiết bị hiện đại, 20 trường công lập trên địa bàn đã có tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn 94,9%.  

Thực hiện việc bảo vệ môi trường, hội phụ nữ xã kêu gọi các hội viên tham gia bằng những hành động cụ thể như phân công nhau chăm sóc các đường hoa, đường cây để tạo không gian xanh mát; duy trì vệ sinh đường làng ngõ xóm vào thứ bảy, chủ nhật…

Đầu năm 2025 ở Hạ Bằng các hội viên phụ nữ cùng người dân trên địa bàn đã trồng hơn 300 cây chiêu liêu, chuông vàng dọc theo tuyến đường liên xã dài 650m với tổng kinh phí 110 triệu đồng tạo ra một cảnh quan nông thôn vừa văn minh, hiện đại vừa thân thiện với môi trường.

Hưởng ứng công nghệ 4.0, chính quyền xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng internet cũng như các mạng xã hội vào việc nâng cao tri thức cũng như khả năng thương mại qua mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số...Thạch Thất đang từng bước phát triển nhanh, góp phần biến một vùng ngoại thành thành một miền quê đáng sống cả về cảnh quan, vật chất lẫn văn hóa, tinh thần.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất