| Hotline: 0983.970.780

Một miền quê ngoại thành Hà Nội xanh và văn minh

Thứ Sáu 11/07/2025 , 07:23 (GMT+7)

Sau công cuộc tinh gọn bộ máy, huyện Ứng Hòa cũ của TP Hà Nội không còn nhưng những xã mới vẫn tiếp tục việc xây dựng NTM xanh, văn minh và hiện đại.

Trường học ở ngoại thành Hà Nội rộng rãi và xanh, sạch. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Trường học ở ngoại thành Hà Nội rộng rãi và xanh, sạch. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Xã Vân Đình được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Vân Đình và các xã Cao Sơn Tiến, Phương Tú, Tảo Dương Văn. Gần đây vùng quê này đã thay đổi diện mạo theo hướng tích cực khi những công trình xanh, văn minh và hiện đại mỗi lúc xuất hiện một nhiều.

Tuyến kênh Tân Phương xưa từng ngập trong rác thải, cảnh quan nhếch nhác thì nay được dọn dẹp, cải tạo lại với những hàng cây cảnh và cây hoa đủ sắc màu, ghế đá, đèn chiếu sáng, camera an ninh giám sát. Những cơ sở vật chất và cảnh quan này được các hội, đoàn thể đứng ra đảm nhận việc chăm sóc, duy trì ở trạng thái luôn sạch và đẹp nhất. Nhờ đó mà từ một nơi ít người dám qua lại trở thành chỗ vui chơi của trẻ em, hóng mát của người lớn mỗi sáng, mỗi chiều.

Các nhà văn hóa tổ dân phố được kiểm tra xem còn thiếu những trang thiết bị gì rồi vận động xã hội hóa đầu tư thêm các dụng cụ thể thao, hệ thống loa đài hiện đại, bàn ghế để phục vụ cho nhu cầu tập luyện thể thao, sinh hoạt văn nghệ hay họp hành của người dân.

Gần đây, nhiều người đi qua thôn Tảo Khê đều cảm thấy ngạc nhiên khi khu vui chơi, thể dục thể thao vừa được mọc lên với tổng kinh phí gần 100 triệu đồng, tất cả đều từ nguồn vốn xã hội hóa. Trong việc tự nguyện đóng góp vào xây dựng các công trình phục vụ cho cộng đồng đó có những tấm gương điển hình như anh Đỗ Văn Kiên, chị Nguyễn Thị Hoan…đã ủng hộ hàng trăm triệu đồng. Điều quan trọng hơn, họ góp phần cuốn hút thêm nhiều người khác cùng tham gia làm đẹp cho quê hương mình.

Những di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Những di tích lịch sử được giữ gìn, tôn tạo. Ảnh: Đinh Thanh Huyền.

Xã Ứng Hòa được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã Trung Tú, Đồng Tân, Minh Đức, Kim Đường, Đông Lỗ, Đại Cường, Đại Hùng, Trầm Lộng. Ở đây việc xây dựng làng văn hóa đã thực sự kiến tạo ra không gian sống văn minh cho người dân. Nhờ xã hội hóa mà nhiều di tích lịch sử hay các công trình cũ, xuống cấp được cải tạo, hệ thống cây xanh, cây hoa được trồng thành cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Như ở thôn Quảng Tái người dân đã hăng hái đóng góp hơn 1 tỷ đồng để mua sắm loa đài, bàn ghế, thiết bị cho nhà văn hóa, trồng thêm hàng loạt cây xanh, bố trí nhiều ghế đá để làm chỗ nghỉ, cắt cử nhau ra chăm sóc, dọn dẹp vệ sinh định kỳ...

Các thôn, xóm thi đua nhau đăng ký xây dựng danh hiệu "Làng văn hóa tiêu biểu, văn minh" chứng tỏ phong trào này đã đi sâu vào quần chúng nhân dân. Cuộc thi "xây dựng công trình xanh - văn minh - hiện đại" không dừng lại ở những khẩu hiệu trên bản tin tuyên truyền mà được biến thành các hành động cụ thể, góp phần làm cho bộ mặt của huyện Ứng Hòa cũ nay là những xã mới có thêm cảnh quan xanh, sạch đẹp, chất chứa hồn quê, tình quê.

Với lợi thế được quy hoạch thành vành đai nông nghiệp xanh của Thủ đô, các xã này hiện không chỉ phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái bền vững mà còn gia tăng giá trị bằng cách đẩy mạnh du lịch trải nghiệm. Các hồ sen, hồ cá, vườn cây ăn quả, nông trại hữu cơ được quy hoạch, thiết kế bắt mắt bước đầu đã kéo được một số khách đến tham quan.

Những làng nghề truyền thống được địa phương giữ gìn, phát triển thành những không thôn gian mở, nơi kết hợp hài hòa giữa cái cũ và cái mới, thu hút được một số khách đến trải nghiệm và mua sản phẩm. Để tiếp sức cho du lịch nông nghiệp trải nghiệm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây dựng 5 điểm check-in, tạo dấu ấn và thu hút thêm sự quan tâm của truyền thông cũng như mạng xã hội.

Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP Hà Nội

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất