Theo Từ điển bách khoa mở (http://vi.wikipedia.org) thì Từ Dũ Hoàng thái hậu tên thật là Phạm Thị Hằng, là con gái ông Phạm Đăng Hưng, thượng thư bộ Lễ triều nhà Nguyễn. Tên bà được đặt tên cho bệnh viện phụ sản lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh- bệnh viện Từ Dũ. Bà quê ở đất Gò Công, Tiền Giang.
Từ nhỏ bà đã nổi tiếng xinh đẹp, hiền thục khắp vùng. Đến năm 14 tuổi thì được Đức Thuận Thiên hoàng thái hậu đưa vào cung, hầu hạ Hoàng tử Miên Tông từ lúc còn ở Tiềm Để. Năm 1829, bà hạ sinh hoàng nam Hồng Nhậm (tức vua Tự Đức sau này). Năm 1841, Hoàng tử Miên Tông được tôn lên làm vua. Sinh thời, Thiệu Trị rất sủng ái bà bởi các đức tính cẩn trọng, thông minh, ăn nói dịu dàng, nết na đức hạnh, tận tâm dạy dỗ các hoàng tử, hoàng nữ.
Khi vừa lên ngôi, vua phong cho bà là Cung tân, đến năm thứ 3 phong lên làm Thành phi, đến năm thứ 6 thăng lên làm Quý phi, hàm đệ nhất giai phi, đứng đầu hậu cung. Năm 1847, vua Thiệu Trị băng hà, theo di chiếu, Hồng Nhậm được tôn lên kế vị ngai vàng, lấy hiệu là Tự Đức. Sau khi lên ngôi vua Tự Đức phong cho mẹ mình Nghi Thiên Chương Hoàng hậu, rồi Hoàng thái hậu, hiệu là Từ Dũ. Bà Từ Dũ là một người cần kiệm, không ăn mặc xa hoa, không tiêu xài hoang phí, một bậc mẫu nghi thiên hạ nức tiếng và đáng kính, được người đời sùng bái.
Chuyện kể rằng, vua Tự Đức vốn là một người con hiếu thảo, mọi điều bà dạy đều được vua ghi lại trong một cuốn sổ nhỏ tên gọi "Từ Huấn Lục". Nhiều lần vua Tự Đức làm điều gì sai trái bà Từ Dũ còn dùng roi để phạt. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, triều đình lâm vào cảnh rối ren. Trước tình cảnh đó nhưng hậu cung vẫn khá là yên ổn dưới sự cai quản của bà Từ Dũ. Năm 1889, chắt nội của bà, Nguyễn Phúc Bửu Lân lên ngôi, lấy hiệu là Thành Thái. Năm Thành Thái thứ ba, vua phong cho bà là Thái hoàng thái hậu. Năm Thành Thái thứ 13, bà Từ Dũ qua đời, thọ 93 tuổi. Bà được an táng tại phía trái điện Xương Lăng, tại làng Cư Chánh, huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên-Huế. Thái hoàng thái hậu được tôn thờ tại Hữu Nhất Án tại Thái Miếu trong Đại nội kinh thành Huế.