Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp
Báo Nông Nghiệp

Thứ Ba, 6/5/2025 23:38 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Trẩu lấy dầu, hi vọng mới cho đồng vùng cao Quảng Trị

Thứ Hai 06/02/2023 , 09:20 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Cây trẩu lấy dầu đang mở ra hi vọng mới, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân các huyện Hướng Hóa, Đakrông của tỉnh Quảng Trị.

Trẩu lấy dầu phát triển tốt tại miền núi Quảng Trị

Năm 2019, ông Hồ Văn Thơn tại thôn Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa được Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) hỗ trợ chuyển đổi 4ha cà phê kém hiệu quả sang trồng cây trẩu lấy dầu. Đến thời điểm này, cây trẩu đã bắt đầu bói quả.

Empty

Sau 3 năm trồng, trẩu đã bắt đầu cho quả bói. Ảnh: VD.

Theo ông Thơn, trẩu là cây trồng bản địa nhưng chủ yếu mọc phân tán trong rừng, người dân thường đi khai thác tự phát đem về bán cho tư thương với giá từ 8 - 10 nghìn đồng/kg. Sau 3 năm trồng tập trung, cây trẩu lấy dầu của gia đình ông phát triển tốt và hứa hẹn cho năng suất, sản lượng cao.

“Người dân khai thác trong rừng được bao nhiêu thì tư thương mua bấy nhiêu. Nay cây cà phê già cỗi, cây bời lời xuống giá nên khi được hỗ trợ, gia đình tôi đã trồng 4ha. Nếu cây trẩu có giá trị bền vững, gia đình tôi sẽ chuyển 2ha còn lại sang trồng trẩu lấy dầu”, ông Thơn cho hay.

Cũng theo ông Thơn, trước khi trồng, đơn vị thực hiện dự án hứa hẹn sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Vì vậy, tại xã Hướng Phùng hiện có rất nhiều hộ trồng trẩu lấy dầu.

Ông Hà Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng cho biết, từ năm 2019 đến nay, Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam đã hỗ trợ người dân trồng 180ha trẩu lấy dầu trên địa bàn xã. Giữa các vườn trẩu lấy dầu có xen canh cây lõi thọ với tỷ lệ 30%. Ngoài ra, người dân đã trồng phân tán gần 10ha. Nhìn chung, cây trẩu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương.

“Theo khảo sát, hiện nay Hướng Phùng còn rất nhiều diện tích có thể chuyển sang trồng trẩu lấy dầu, đặc biệt là diện tích ở trên đồi cao, không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống như cà phê, sắn… Nếu chuyển đổi được diện tích này sang trồng trẩu lấy dầu thì rất tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là trồng ra phải có nơi để người dân tiêu thụ”, ông Dương cho hay.

Empty

Hiện xã Hướng Phùng có 180ha trẩu trồng tập trung, xen canh 30% cây lõi thọ. Ảnh: VD.

Theo thống kê, 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị) có gần 2,95 nghìn ha rừng trẩu, trong đó có gần 2,7 nghìn ha trồng tập trung, 98% diện tích đã cho thu hoạch, nhiều diện tích cho năng suất cao, ổn định. Sản phẩm từ cây trẩu được tiêu thụ trên thị trường chủ yếu là hạt trẩu với tổng sản lượng khoảng 1 nghìn tấn/năm, phần lớn xuất đi thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, hoạt động thu hoạch, sơ chế quả trẩu hiện nay tại tỉnh Quảng Trị chủ yếu diễn ra tự phát, manh mún, thủ công, chưa có cơ sở chế biến, ảnh hưởng đến tính bền vững của rừng.

Trên 16 tỷ đồng đầu tư vùng trẩu nguyên liệu

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu trên địa bàn, giai đoạn 2023 - 2026 và định hướng đến năm 2030.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh Quảng Trị sẽ đầu tư 16,26 tỷ đồng để phát triển các vùng trồng trẩu tập trung tại các huyện Hướng Hóa và Đakrông. Trong đó, kinh phí từ ngân sách và các chương trình, dự án 13,53 tỷ đồng, nguồn vốn huy động 2,73 tỷ đồng.

Empty

Dự án trồng trẩu thành công nhưng điều người dân lo lắng là đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: VD.

Mục tiêu của Quảng Trị là phát triển cây trẩu theo hướng ổn định, lâu dài, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô hợp lý gắn với nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ dầu trẩu. Song song với việc phát triển diện tích, địa phương này sẽ xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm từ cây trẩu, nâng cao giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng và cải thiện đời sống đồng bào vùng cao.

Giai đoạn 2023 - 2026, Quảng Trị sẽ bảo vệ và duy trì ổn định, nâng cao chất lượng gần 2,95 nghìn ha rừng trẩu hiện có, phấn đấu đạt năng suất từ 3 tấn quả tươi/ha trở lên; tạo giá trị thu nhập từ rừng trẩu tăng từ 20% trở lên so với hiện tại, có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giai đoạn này đạt trên 1 nghìn ha.

Đến năm 2030, Quảng Trị sẽ hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 8,32 nghìn ha, hàng năm cung cấp 4 nghìn tấn hạt trẩu chất lượng cao phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu. Diện tích rừng trẩu lấy quả có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt từ 5 nghìn ha trở lên; tối thiểu có 2 nghìn hộ gia đình tham gia gây trồng và phát triển trẩu.

Empty

Nếu kế hoạch thành công, hàng nghìn gia đình tại 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông sẽ được hưởng lợi. Ảnh: VD.

Để nâng cao chất lượng các rừng trẩu, Quảng Trị sẽ xây dựng các vườn ươm nhân giống, lựa chọn giống có năng suất vượt tối thiểu 15%, chất lượng cao và hàm lượng tinh dầu vượt trội tối thiểu 5% so với đại trà. Để thực hiện kế hoạch phát triển 5 nghìn ha vùng nguyên liệu tập trung, bình quân mỗi năm, Quảng Trị sẽ trồng mới 500ha, hàng năm cung cấp 2 nghìn tấn hạt trẩu phục vụ cho sơ chế, chế biến và xuất khẩu.

Các cơ sở sơ chế, chế biến gắn với vùng nguyên liệu theo hướng hiện đại, công suất trung bình 500 - 1.000 tấn/năm được hình thành và xây dựng, phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Kế hoạch này sẽ giúp tối thiểu 1 nghìn gia đình tham gia, được tạo thêm việc làm, tăng thu nhập từ trẩu đạt tối thiểu 15% trong kinh tế hộ gia đình. Việc trồng trẩu lấy dầu sẽ giải quyết việc làm ổn định theo mùa vụ cho người dân, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo và bảo đảm quốc phòng, an ninh biên giới.

Trẩu là cây gỗ trung bình, đa tác dụng, sinh trưởng nhanh, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao, có thể đáp ứng được nhu cầu lấy nguyên liệu trong thời gian sớm nhất, sớm tạo thu nhập liên tục cho người trồng; giúp người dân cải thiện đời sống, xoá đói giảm nghèo, vừa góp phần vào việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đáp ứng yêu cầu phòng hộ của rừng.

Xem thêm
Khởi công trang trại heo 300 tỷ đồng

GIA LAI Dự án sau khi đi vào hoạt động sẽ là mô hình hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần vào phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại địa phương.

Cháu bé 3 tuổi tử vong do bệnh dại

GIA LAI Bị chó hoang cắn, tuy nhiên gia đình không đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, tiêm phòng vacxin khiến cháu bé 3 tuổi tử vong ngay sau đó.

Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững

Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.

Sống chung với khô hạn: [Bài 2] Tưới tiên tiến giảm áp lực nguồn nước

Những năm qua, người dân Ninh Thuận đua nhau lắp đặt các thiết bị tưới tiên tiến nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với nắng nóng, khô hạn kéo dài.

Người đàn bà khóc cùng lúa lai

Ấn tượng của tôi về bà là những dịp trình bày trước hội nghị của Bộ, bà thường khóc khi kể về nỗi truân chuyên của nghề sản xuất lúa lai.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi trồng thủy sản: [Bài 1]  Áp dụng kiến thức tập huấn vào thực tiễn

Những kiến thức từ các lớp tập huấn được người dân tiếp thu, vận dụng vào quá trình nuôi trồng thủy sản của gia đình, giúp gia tăng hiệu quả hơn trước.

'Cuộc chiến' giữ rừng phòng hộ: [Bài 4] Nhân rộng diện tích rừng FSC

Đồng Nai Ban quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc là đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trong tỉnh Đồng Nai được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC.