Nhiều hộ dân chưa đồng thuận giải tỏa
Ngày 7/7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Minh Thạnh chủ trì buổi làm việc với Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp khu vực Bình Dương, các sở ngành và địa phương liên quan. Buổi làm việc tập trung đánh giá tiến độ các dự án chống ngập, đặc biệt là dự án nạo vét Suối Cái.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Minh Thạnh chủ trì buổi làm việc. Ảnh: CTV.
Theo Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp khu vực Bình Dương, dự án nạo vét và gia cố Suối Cái là một trong những công trình trọng điểm tại khu vực Bình Dương cũ (TP.HCM). Dự án có tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, dài gần 19km, đi qua nhiều phường thuộc TP Tân Uyên cũ. Dự án Suối Cái được đầu tư nhằm tiêu thoát nước mưa và nước thải đã qua xử lý cho lưu vực rộng 22.503ha, đồng thời cải tạo môi trường, chỉnh trang đô thị và xây dựng 37,4 km đường giao thông cấp khu vực. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2020-2027.
Ông Vũ Tiến Sơn, Giám đốc Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp khu vực Bình Dương, cho biết, toàn bộ dự án có 946 hộ dân và 18 tổ chức bị ảnh hưởng. Công tác giải phóng mặt bằng được Trung tâm Phát triển quỹ đất của TP. Tân Uyên (cũ) triển khai từ tháng 11/2021. Đến nay, đã phê duyệt phương án bồi thường 29 đợt với 963 hộ (chỉ còn 1 hộ chưa phê duyệt), tổng kinh phí hơn 3.250 tỷ đồng; đã chi trả tiền bồi thường cho 861 hộ với tổng số tiền 3.011 tỷ đồng, đạt 93% kinh phí bồi thường được duyệt.
“Hiện còn 84 trường hợp đã phê duyệt phương án nhưng chưa đồng ý nhận tiền; 60 trường hợp đã nhận tiền nhưng chưa đồng ý bàn giao mặt bằng, những hộ dân chưa bàn giao mặt bằng đang làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án”, ông Sơn chia sẻ.

Dự án nạo vét và cải tạo Suối Cái là công trình trọng điểm, không chỉ nhằm giải quyết tình trạng ngập úng, cải thiện môi trường mà còn góp phần chỉnh trang đô thị. Ảnh: Trần Trung.
Đại diện các phường có dự án đi qua như Bình Dương, Tân Hiệp, Tân Khánh, Vĩnh Tân cho rằng, người dân chưa đồng thuận vì còn kiến nghị liên quan đến đất ngoài giấy chứng nhận, đất sạt lở, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, điều chỉnh vị trí thu hồi đất, chính sách tái định cư, hoặc đang vướng tranh chấp, thế chấp ngân hàng.
Cưỡng chế là biện pháp cuối cùng
Ông Vũ Tiến Sơn thông tin thêm, năm 2025, Ban Quản lý dự án ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương được UBND tỉnh Bình Dương (cũ) giao kế hoạch vốn cho 9 dự án (gồm 5 dự án giai đoạn chuẩn bị đầu tư và 4 dự án giai đoạn thực hiện) với tổng số vốn hơn 1.300 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2025, giá trị giải ngân đã đạt gần 522 tỷ đồng, tương đương 40% kế hoạch đề ra.

Hiểu rõ tầm quan trọng của dự án, đội ngũ công nhân "đội nắng, thắng mưa" cố gắng đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Trần Trung.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Minh Thạnh nhấn mạnh, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 cho khu vực Bình Dương là 32.000 tỷ đồng, trong đó 18.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng. Đây là khâu khó khăn nhất, nếu không quyết liệt sẽ khó đảm bảo tiến độ. Tuy nhiên, ông Thạnh nhấn mạnh quá trình vận động phải linh hoạt, mềm mỏng vì người dân rơi vào cảnh giải toả trắng là rất khó khăn.
“Trước tiên phải làm nhanh khu tái định cư, đảm bảo nơi ở mới tốt hơn chỗ cũ. Những doanh nghiệp tiên phong hỗ trợ xây dựng khu tái định cư cần được đề xuất khen thưởng để khích lệ”, ông Thạnh nói.

Cưỡng chế là giải pháp cuối cùng nếu người dân vẫn cố tình không bàn giao mặt bằng. Ảnh: Trần Trung.
Đối với những hộ buộc phải cưỡng chế, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, đây là giải pháp hành chính cuối cùng. Ông đề nghị các đơn vị rà soát kỹ về pháp lý, đồng thời tiếp tục vận động người dân bàn giao mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét Suối Cái.