Ngày 25/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chủ trì Hội nghị; tham dự có các đồng chí Thứ trưởng, lãnh đạo Văn phòng Trung ương, các ban Đảng, đại diện các Sở Nông nghiệp và Môi trường trên toàn quốc.
Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Đây là hội nghị lớn đầu tiên sau khi thực hiện các cuộc cải cách lớn như mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hợp nhất Bộ sáp nhập các Sở Nông nghiệp và Sở Tài nguyên Môi trường tại địa phương. “Từ ‘hai nhà’ giờ chỉ còn ‘một nhà’, cùng chung quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao phó”, quyền Bộ trưởng nói.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng phát biểu tại Hội nghị Sơ kết và triển khai nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo báo cáo tại hội nghị, 6 tháng đầu năm 2025, tình hình kinh tế - chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ - Trung, tạo ra nhiều khó khăn cho kinh tế Việt Nam. Ngành nông nghiệp và môi trường, vốn rất nhạy cảm với biến động toàn cầu phải chịu tác động mạnh mẽ, nhất là từ chính sách thương mại và thuế quan của Mỹ.
“Chúng ta phải chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, báo cáo kịp thời với Chính phủ và Trung ương”, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh.
4 thuận lợi của ngành nông nghiệp và môi trường trong vận hành chính quyền hai cấp
Trong nước, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó việc triển khai mô hình chính quyền hai cấp từ 1/7 diễn ra thuận lợi, không phát sinh vướng mắc lớn. Đặc biệt, đợt bão số 3 vừa qua là "phép thử" cho bộ máy mới, và kết quả vận hành cho thấy tính hiệu quả, ổn định.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường các địa phương thông tin, sau khi chính thức triển khai mô hình chính quyền hai cấp, nhiều địa phương bước đầu ghi nhận những chuyển biến rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.
Theo đánh giá, vận hành chính quyền hai cấp đã đem lại những chuyển biến tích cực, đặc biệt là tính gần dân, sát dân hơn, yếu tố được coi là then chốt trong phát triển nông nghiệp, quản lý đất đai, môi trường và tài nguyên khoáng sản.
Trước đây, đội ngũ lãnh đạo xã ở nhiều nơi còn yếu về năng lực, công tác quản lý đất đai lỏng lẻo, nhiều vi phạm xảy ra ngay trước mắt nhưng không được xử lý kịp thời. Việc đưa cán bộ từ huyện về xã đã giúp khắc phục tình trạng này. Không chỉ tăng cường năng lực chuyên môn, lực lượng cán bộ mới còn mang theo khát vọng cống hiến, chủ động tiếp cận các cơ quan cấp trên để đề xuất phương án phát triển sản xuất, quy hoạch đất đai…
Một thuận lợi lớn khác là mô hình không còn cấp trung gian huyện, giúp công tác chỉ đạo điều hành từ tỉnh đến xã được thông suốt, trực tiếp, hạn chế tình trạng trì trệ. Đặc biệt, chất lượng đội ngũ cán bộ xã được nâng cao rõ rệt nhờ việc điều động cán bộ huyện về. Những tồn tại như "Chủ tịch xã không biết dùng máy tính" đang từng bước được khắc phục.

Vận hành chính quyền hai cấp đã đem lại những chuyển biến tích cực, đặc biệt là tính gần dân, sát dân hơn. Ảnh: Tùng Đinh.
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra các tồn tại từ việc phối hợp giữa trung ương với địa phương, thực hiện mô hình chính quyền hai cấp cũng khiến khối lượng công việc gia tăng đáng kể, trong khi đội ngũ cán bộ cấp dưới vẫn còn mỏng và yếu… những vấn đề này sẽ được Bộ tập trung tháo gỡ sớm.
Theo quyền Bộ trưởng, mục tiêu tăng trưởng toàn ngành năm 2025 là trên 4%, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trên 65 tỷ USD. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm chỉ còn 5 tháng, trong khi bối cảnh quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, “chúng ta không thể chủ quan, phải có hành động quyết liệt trong quý III và IV”, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh.
Tìm dư địa mới cho tăng trưởng giai đoạn 2026-2030
Nhìn về giai đoạn 2026-2030, ngành nông nghiệp và môi trường được kỳ vọng đóng góp mạnh mẽ vào mục tiêu tăng trưởng toàn nền kinh tế ở mức hai con số, thậm chí có năm cần đạt trên 12%. Theo quyền Bộ trưởng, nếu cả nước tăng trưởng trên 8%, thì riêng ngành cần đạt khoảng 6%, đây là một thách thức rất lớn.

Trước những thách thức từ quốc tế và trong nước, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nhấn mạnh việc “Phải chủ động xây dựng kịch bản ứng phó, báo cáo kịp thời với Chính phủ và Trung ương”. Ảnh: Tùng Đinh.
“Chúng ta cần xác định rõ dư địa tăng trưởng. Năng suất đã ở mức cao, thị trường có giới hạn. Tăng trưởng phải đến từ chế biến sâu, quản lý rủi ro thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đó cũng là đóng góp thiết thực cho nền kinh tế”, ông nói.
Để đạt được kế hoạch đề ra trong năm 2025 và hướng tới những mục tiêu lớn hơn cho các năm tiếp theo, trên tinh thần tiếp thu ý kiến của các địa phương, các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng nêu các nhóm nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm, trong đó tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Bộ Nông nghiệp và Môi trường lần thứ nhất, dự kiến vào giữa tháng 8.
Đồng thời, hoàn thiện chính sách, thể chế liên quan đến khoáng sản, đất đai, trình đúng tiến độ các dự luật vào tháng 10; Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đặc biệt trong xác định giá đất và giao đất, cho thuê đất.
Sắp xếp lại 76 đơn vị sự nghiệp công lập, giải quyết chế độ cho các cán bộ, đảm bảo quyền lợi tối đa.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Tùng Đinh.
Trong công tác chuyển đổi số và xây dựng 12 cơ sở dữ liệu ngành, đặc biệt là dữ liệu đất đai, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an để triển khai “chiến dịch” 60 ngày/đêm từ tháng 8 để thực hiện mục tiêu đặt ra, triển khai các cơ sở dữ liệu theo đúng tiêu chí: “đúng, đủ, sạch, sống, thống nhất, dùng chung”.
Bên cạnh đó, cần siết chặt quản lý các lĩnh vực chuyên ngành, xây dựng thương hiệu quốc gia nông sản, kiểm soát chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV.
Chú trọng nâng cao chất lượng dự báo khí tượng, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở, lũ quét, đặc biệt tập trung cải thiện thủ tục hành chính cấp xã.
Phát biểu kết thúc, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng khẳng định: “Tôi tin tưởng rằng, với sự đoàn kết, trí tuệ và quyết tâm cao của toàn ngành, từ lãnh đạo đến từng công chức, viên chức, người lao động, ngành nông nghiệp và môi trường sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025 và góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển giai đoạn 2026-2030”.