| Hotline: 0983.970.780

TP Huế: Thiếu hụt nguồn cung, giá cát tăng ‘phi mã’

Thứ Tư 09/07/2025 , 16:04 (GMT+7)

Giá cát xây dựng ở TP Huế đang leo thang do nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu xây dựng tăng cao, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Giá cát tăng cao

Hiện tại, trên địa bàn TP Huế chỉ còn một khu vực duy nhất được cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, với diện tích khoảng 20,38ha. Tuy nhiên, trữ lượng mỏ không lớn và hiệu quả khai thác hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu xây dựng ngày càng tăng của thành phố.

Lâu nay, để tăng nguồn cung cát xây dựng trên địa bàn, các chủ doanh nghiệp phải mua từ các địa phương lân cận, chủ yếu nhập từ tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam cũ, về tập kết tại các bãi tập kết cát, sỏi đã được quy hoạch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn cung này bị gián đoạn khiến thị trường cát rơi vào tình trạng khan hiếm hơn, cát “đội” giá.

Theo khảo sát của phóng viên, tại nhiều điểm tập kết cát ở trung tâm TP Huế, thời điểm đầu năm 2025, giá cát xây dựng tại bãi dao động từ 330.000 - 350.000 đồng/m3. Từ giữa tháng 6 đến nay, giá tại bãi tăng “phi mã”, bình quân tăng 50.000 - 100.000 đồng/m3. Cá biệt, tại một số khu vực xa trung tâm, giá cát mua về bãi vượt ngưỡng 500.000 đồng/m3.

Giá cát tại TP Huế đang tăng vọt thời gian gần đây. Ảnh: Văn Dinh.

Giá cát tại TP Huế đang tăng vọt thời gian gần đây. Ảnh: Văn Dinh.

Bà H., một chủ bãi tập kết cát ở phường Thủy Xuân, cho hay, những ngày qua, gia đình nhập cát hợp pháp từ Quảng Trị vào, vì quảng đường xa nên chi phí tăng cao.

“Hiện, tôi nhập nguồn cát về bãi với giá 400.000 - 410.000 đồng/m3. Giá cát tăng cao nên việc bán ra khó khăn hơn, người dân ngần ngại mua vì đa số bán để xây dựng nhà cửa. Trước đây mỗi tháng nhập về bãi gần 1.000m3, giờ lượng tiêu thụ giảm mạnh nên chỉ còn vài trăm m3”, bà H. chia sẻ.

Tại một bãi tập kết cát gần cầu An Lỗ (phường Phong Thái), chủ bãi cũng xác nhận giá cát tăng mạnh trong khoảng nửa tháng nay, nguyên nhân là nguồn cung khan hiếm, một số tỉnh thành lân cận không cung cấp cát; trong khi TP Huế không cấp phép mỏ mới cho cát xây dựng tự nhiên cộng với đang mùa xây dựng cao điểm.

“Việc nhập giá cát cao khiến bãi của tôi bán ra càng khó khăn, nếu không có nguồn cát lân cận, giá cát có thể tăng lên cao hơn nữa, hi vọng cơ quan chức năng sớm có giải pháp”, chủ bãi này nói.

Trong khi đó, khảo sát tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (giáp ranh TP Đà Nẵng), nơi có nhiều dự án đang triển khai, tình hình càng khó khăn hơn. Các doanh nghiệp xây dựng tại đây thông tin, nguồn cát từ tỉnh Quảng Nam cũ gần như không còn cung cấp cho thị trường Huế, trong khi nguồn cát Quảng Trị ngày một ít hơn; vì quãng đường ra đến tỉnh Quảng Trị quá xa nên giá cát mua vào đã vượt mức hơn 500.000 đồng/m3. Ngoài ra, không phải lúc nào cũng muốn mua là có mà phải chờ đợi, có khi chờ cả tuần, thậm chí đôi lúc thanh toán tiền trước cũng không mua được cát…

Ảnh hưởng tiến độ thi công

Diễn biến giá cát tăng đột biến như hiện nay đang tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình trên địa bàn TP Huế.

Theo ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng thủy lợi TP Huế, thông thường vào mùa cao điểm xây dựng hàng năm, do nhu cầu xây dựng nhiều, giá cát chỉ tăng 20.000 - 30.000 đồng/m3. Tuy nhiên, năm nay mất cân bằng giữa nguồn cung - cầu lớn dẫn đến giá cát tăng cao. Bình quân tăng 50.000 - 100.000 đồng/m3. Trong khi các hợp đồng thi công ở Huế chủ yếu là loại hợp đồng theo đơn giá cố định và trọn gói, những hợp đồng thi công trong vòng 12 tháng, khiến chủ đầu tư rất khó khăn.

“Giá cát xây dựng tăng cao như hiện nay khiến hàng loạt nhà thầu xây dựng nhận công trình với hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định đối diện nguy cơ “vỡ trận”, nhất là đối với các công trình đầu tư công, nhà thầu tiến thoái lưỡng nan, thi công cầm chừng nên ảnh hưởng tới tiến độ chung. Trước đây, doanh nghiệp đã cùng với Hiệp hội Xây dựng TP Huế tổ chức họp với các Sở, ngành chức năng, đơn vị tư vấn thiết kế đóng trên địa bàn để nắm tình hình khó khăn, vướng mắc về đơn giá vật liệu xây dựng trong thi công, hoạt động cung ứng vật liệu tại địa phương. Qua đó, đề xuất giải pháp tháo gỡ, nhằm tạo thuận lợi cho các nhà thầu khi triển khai thực hiện các công trình. Tuy nhiên, kết quả mang lại không như mong muốn”, ông Thành cho hay.

Nhiều bãi tập kết ở TP Huế không có cát để bán do giá cao, nguồn cung hạn chế. Ảnh: Văn Dinh.

Nhiều bãi tập kết ở TP Huế không có cát để bán do giá cao, nguồn cung hạn chế. Ảnh: Văn Dinh.

Được biết hiện nay, giải pháp lâu dài mà TP Huế hướng đến để đủ nguồn cát là sử dụng cát nhân tạo. UBND TP Huế đã chỉ đạo các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch đầu tư, triển khai sản xuất cát nhân tạo làm vật liệu xây dựng nhằm thay thế cát khai thác từ lòng sông. Hiện, một số doanh nghiệp đã thực hiện, tuy nhiên nguồn cung chưa thể đáp ứng đủ một phần nhỏ nhu cầu của thị trường.

Theo Sở Xây dựng TP Huế, đơn vị thường xuyên phối hợp với Sở Tài chính tổ chức rà soát biến động giá vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, định kỳ hàng tháng công bố giá các loại vật liệu xây dựng và hàng quý công bố chỉ số giá xây dựng. Trường hợp có biến động lớn, liên Sở sẽ tổ chức họp bất thường và xem xét công bố giá để đảm bảo giá công bố cơ bản phù hợp với thị trường.

“Thời gian tới, Sở và các ngành liên quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp xay đá thành cát xây; nghiên cứu, khảo sát đánh giá, đề xuất vị trí khai thác cát nội đồng; nghiên cứu, đề xuất việc nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo quy định; lập kế hoạch nạo vét hồ thủy lợi, thủy điện kết hợp thu hồi cát sỏi phát sinh từ hoạt động nạo vét”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết.

Xem thêm
Hà Nội quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên sông

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3675/QĐ-UBND quy định về mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các tuyến sông thuộc địa bàn thành phố Hà Nội.

San hô vịnh Nha Trang mất gần 200 ha, ảnh hưởng lớn đến du lịch biển

Theo nghiên cứu mới được công bố của Trung tâm Nhiệt đới Việt -Nga, 20 năm qua, vịnh Nha Trang đã mất khoảng 191 ha rạn san hô, tương đương 12% diện tích khảo sát.

Bình luận mới nhất