Theo đó, nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Huế gồm 88 đoạn sông, suối; 17 đập, hồ chứa thủy lợi; 12 đập, hồ chứa thủy điện; 7 hồ chứa khác; 4 đầm phá và 47 ao, hồ không được san lấp có diện tích nước mặt từ 2ha trở lên.

Cơ quan chức năng TP Huế đo đạc, xác định hành lang bảo vệ nguồn nước. Ảnh: Văn Dinh.
Hằng năm, căn cứ vào danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ, Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng dự toán kinh phí cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước trình Sở Tài chính thẩm định (nếu có).
Các đơn vị cần tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định về quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn thành phố; kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước trên địa bàn theo quy định. Cập nhật cơ sở dữ liệu về hành lang bảo vệ nguồn nước vào hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia…
UBND các xã, phường tổ chức quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước theo chỉ đạo của UBND thành phố; giám sát các hoạt động trong hành lang bảo vệ nguồn nước; phối hợp với tổ chức, cá nhân vận hành hồ chứa thủy điện trong việc xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa thủy điện trên địa bàn và thực hiện việc cắm mốc giới trên thực địa sau khi phương án cắm mốc giới được phê duyệt.

Việc xây dựng danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP Huế có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Ảnh: Văn Dinh.
Tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sinh sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước không được gây sạt lở bờ sông, suối, hồ, ao, đầm, phá hoặc gây ảnh hưởng đến sự ổn định, an toàn của sông, suối, hồ, ao, đầm, phá và các nguồn nước khác; không làm ảnh hưởng đến hành lang bảo vệ nguồn nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Huế, việc xây dựng danh mục nguồn nước cần lập hành lang bảo vệ trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Đây không chỉ là cơ sở để khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước, mà còn góp phần đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái. Do đó, UBND cấp xã cần đặc biệt quan tâm và chủ động trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với vấn đề này, nhằm đảm bảo công tác bảo vệ hành lang nguồn nước được triển khai đồng bộ, hiệu quả và lâu dài.