| Hotline: 0983.970.780

Tìm hướng phát triển cho nghề trồng keo nguyên liệu

Thứ Ba 01/08/2023 , 11:14 (GMT+7)

Quảng Ngãi Rừng keo nguyên liệu ở Quảng Ngãi chủ yếu phục vụ cho các cơ sở băm dăm, lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh nên hiệu quả còn rất thấp.

Những năm qua, hiện tượng keo bị nhiễm bệnh chết xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Những năm qua, hiện tượng keo bị nhiễm bệnh chết xảy ra ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Lê Khánh.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay trên địa bàn có khoảng hơn 225.000ha rừng trồng, trong đó chủ yếu là cây keo nguyên liệu. Nhiều năm qua, loại cây này đã góp phần không nhỏ trong công tác xóa đói giảm nghèo ở các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ…

Keo trồng của người dân ở tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu phục vụ làm nguyên liệu dăm gỗ của hơn 60 nhà máy chế biến dăm, gỗ trên địa bàn với sản lượng trung bình mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn. Mặc dù vậy, nghề trồng keo ở Quảng Ngãi những năm qua đang đối mặt với nhiều khó khăn do thiên tai và nấm bệnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, bệnh chết héo trên cây keo đang phát sinh gây hại gần 8.200ha rừng trồng ở hầu hết các địa phương trên địa bàn, trong đó có hơn 5.500ha bị nhiễm nặng và đang có xu hướng lan rộng. Keo bị chết thường ở độ tuổi từ 1 đến 2 năm nên người dân cũng không thể tận thu, thiệt hại nặng về kinh tế.

Qua quá trình lấy mẫu xét nghiệm, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi thông tin, nguyên nhân gây ra bệnh keo chết hàng loạt ở các địa phương trong tỉnh là do nhiễm nấm Ceratocystis sp và nấm Fusarium sp. Trước thực trạng này, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng đã khuyến cáo các hộ dân thu gom, tiêu hủy các cây bị bệnh, cũng như rắc vôi bột, dọn thực bì cũng như tránh vận chuyển, buôn bán keo bị bệnh để tránh lây lan, phát tán.

Diện tích trồng keo ở Quảng Ngãi hiện nay chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Ảnh: Lê Khánh.

Diện tích trồng keo ở Quảng Ngãi hiện nay chủ yếu phục vụ cho các nhà máy dăm gỗ. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, ngoài nấm bệnh, thì việc keo chết cũng có nguyên nhân sâu xa khác là do cách canh tác của người dân chưa đúng kỹ thuật. Hiện nay, đa số các hộ dân vẫn trồng với mật độ quá dày. Đa số các chủ rừng đều trồng với mật độ khoảng 5.000 cây/ha, thậm chí có nơi lên đến 8.000 cây/ha. Trong khi mật độ khuyến cáo chỉ từ 1.500 – 2.000 cây/ha hoặc cao nhất là 2.500 cây/ha.

Bà Đinh Thị Bình (trú xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà) chia sẻ: “Tôi thường trồng 8.000 - 10.000 cây trên rẫy keo gần 1,5ha. Trồng nhiều mới có gỗ nhiều. Thời điểm trước, cách trồng này không có vấn đề gì nhưng từ năm 2022 đến nay, trên rẫy cứ thi thoảng lại có vài cây chết, phải chặt bỏ. Vừa rồi cây chết nhiều, lan ra cả rẫy, tôi cũng chưa biết tính thế nào, giữ lại cũng không được mà chặt bỏ lại không có tiền để đầu tư trồng mới”.

Cũng cần phải nói thêm rằng, những năm qua, hiệu quả của cây keo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị suy giảm cũng còn có một phần hệ lụy từ việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch. Cứ đất trống là người dân trồng keo, không lường trước được những tác động của thiên tai. Ngoài ra, việc thoái hóa giống hoặc sử dụng giống không được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng cũng dẫn đến tình trạng keo bị bệnh, từ đó suy giảm giá trị rừng trồng.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân mua giống ở những cơ sở được cấp phép. Ảnh: Lê Khánh.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân mua giống ở những cơ sở được cấp phép. Ảnh: Lê Khánh.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, giống là yếu tố quyết định năng suất và chất lượng rừng trồng. Thực tế cho thấy, việc cải thiện chất lượng nguồn giống đã góp phần tăng năng suất trung bình của rừng trồng keo từ 10m3/ha/năm lên 17 - 19m3/ha/năm, nhất là loại keo giâm hom. Tuy nhiên, phần lớn người dân tham gia trồng rừng bằng cây keo chưa chú trọng chăm sóc nuôi dưỡng, mà chỉ quan tâm đến chu kỳ khai thác từ 3 đến 5 năm để bán nguyên liệu giấy hoặc xuất khẩu gỗ dăm. Điều này dẫn đến giá trị của rừng trồng rất thấp, bình quân chỉ đạt từ 60 - 80 triệu đồng/ha, dẫn đến thu nhập cũng chỉ từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Ông Hưng cho rằng, cách trồng keo như vậy đã là tập quán xưa nay của người dân. Cùng với đó, luật quy định các chủ rừng được giao đất rừng sản xuất thì họ có quyền để định đoạt. Trong quy luật cung - cầu, khi thị trường còn chấp nhận thì chắc chắn người dân sẽ còn sản xuất. Về phía mặt quản lý nhà nước chỉ tuyên truyền, khuyến khích người dân.

“Cái khó là bây giờ chưa xác định được loại cây gì có thể thay thế được cây keo. Do đó, giải pháp về lâu về dài là kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư cùng với chủ rừng để hình thành chuỗi liên kết trồng rừng nguyên liệu gắn với gỗ lớn, từ từ thay đổi phương thức canh tác cũ để nâng cao giá trị từ rừng”, ông Hưng nói.

Ông Nguyễn Thế Vĩnh cho hay, để nâng cao hiệu quả từ cây keo, vừa qua Sở NN-PTNT Quảng Ngãi đã làm việc với Phòng NN-PTNT và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện để thống kê, rà soát lại thực trạng rừng keo nguyên liệu trên địa bàn. Đồng thời báo cáo và xin chủ trương của UBND tỉnh để triển khai công tác tập huấn, in tờ rơi tuyền truyền đến các hộ trồng keo. Các nội dung tuyên truyền sẽ tập trung vào những biện pháp phòng trừ sâu bệnh, vấn đề trồng mới, tuân thủ đúng mật độ hướng dẫn. Đối với những diện tích trồng keo thì cần lựa chọn những giống sạch bệnh ở những cơ sở được cấp phép. 

Xem thêm
Xây dựng thương hiệu yến Việt: [Bài 3] Chinh phục thị trường tỷ dân

Là quốc gia tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang dần trở thành thị trường 'vàng' cho sản phẩm yến sào Việt Nam.

Tuyên truyền rộng rãi ‘5 không’ phòng bệnh dại trên chó mèo

VĨNH LONG Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người nuôi, đồng thời hướng đến xây dựng vùng an toàn bệnh dại trên chó, mèo.

Nghệ An đặt mục tiêu trên 400 nghìn tấn lương thực vụ hè thu - mùa

Dựa vào tình hình thực tế, ngành nông nghiệp Nghệ An phấn đấu hoàn thành mục tiêu 400.360 tấn lương thực tại vụ hè thu - mùa năm 2025.

Sản xuất cà phê sạch, bền vững

Dự án thúc đẩy sản xuất cà phê bền vững, tập trung quản lý chất thải, nâng cao nhận thức nông dân sau gần 2 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Bàn giải pháp phát triển nông nghiệp, thủy sản tuần hoàn

KIÊN GIANG Chuyển đổi luân canh lúa – thủy sản, rau màu, biến phụ phẩm thành phân bón hữu cơ, than sinh học bón lại cho đất giúp nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trà Vinh kiểm soát chặt tàu cá không đủ điều kiện hoạt động

Trà Vinh Đây là một trong những nội dung UBND tỉnh Trà Vinh vừa có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương triển khai thực hiện.