| Hotline: 0983.970.780

Thu hoạch sắn non... chạy mưa

Thứ Hai 28/07/2025 , 22:09 (GMT+7)

Tây Ninh Những cơn mưa kéo dài trên diện rộng đã khiến người trồng sắn (mì) tại Tây Ninh buộc phải thu hoạch sớm để tránh thiệt hại kép do ngập.

Sắn chưa đủ tuổi phải thu hoạch

Tây Ninh hiện có hơn 62.000 ha trồng sắn, đứng thứ hai cả nước về diện tích cây trồng này. Là cây nông nghiệp có khả năng chịu hạn tốt, sắn thường được trồng ở những vùng đất gò, ít nước. Nhưng khi gặp mưa lớn kéo dài, đặc biệt ở những vùng trũng không thoát nước kịp, rễ sắn bị ngập úng sẽ nhanh chóng thối củ, làm giảm lượng tinh bột - yếu tố then chốt để xác định giá bán và chất lượng đầu ra.

Nông dân Tây Ninh chủ động thu hoạch sắn sớm ‘chạy mưa’. Ảnh: Trần Trung.

Nông dân Tây Ninh chủ động thu hoạch sắn sớm ‘chạy mưa’. Ảnh: Trần Trung.

Những ngày gần đây, nhiều địa phương tại Tây Ninh liên tục ghi nhận mưa lớn kéo dài 4-5 tiếng, khiến nông dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thu hoạch sớm.

Trên các tuyến đường liên xã ở Phước Ninh, Phước Minh, Châu Thành… xe ba gác nối đuôi nhau chở sắn về các điểm thu mua. Người trồng sắn bước vào thu hoạch đồng loạt để chạy đua với mưa, bất chấp tình trạng củ sắn còn non, chưa đạt hàm lượng chữ bột..

Bà Trần Thị Thánh, một hộ trồng sắn lâu năm ở địa phương, chia sẻ với giọng đầy ngao ngán: “Ảnh hưởng nhiều lắm. Sắn chưa đủ tuổi, củ còn nhỏ, lại chưa chắc bột. Mưa xuống sớm quá làm thối củ, bị thương lái trừ điểm. Đào lên toàn là cùi không à, bán chẳng được bao nhiêu. Không chỉ thất thu về sản lượng, người trồng sắn còn đang phải đối mặt với giá thu mua lao dốc. Giá thương lái chào mua giờ chỉ còn 2.000 đến 2.200 đồng/kg, trong khi năm ngoái là 3.300-3.600 đồng/kg. Với mức giá này thì coi như lỗ rồi”, bà Thánh thở dài.

Bà con buộc phải thu hoạch sớm để bán giá thấp, hơn là mất trắng. Ảnh: Trần Trung.

Bà con buộc phải thu hoạch sớm để bán giá thấp, hơn là mất trắng. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trà Nghiệp An, nông dân trồng hơn 2 ha sắn tại xã Châu Thành, năm nay mưa đến sớm hơn bình thường khoảng 1-2 tháng. Những năm trước, người dân trở tay không kịp, để sắn ngập nước dài ngày dẫn đến thối củ, mất trắng toàn bộ. "Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay tôi chủ động thu hoạch sớm, biết là củ chưa đủ tuổi nhưng còn hơn là để ngập vài hôm là hư hết, chẳng còn gì để nhổ”, ông An nói.

Theo ông An, nếu để đến giữa tháng 9 mới thu hoạch, ruộng sắn sẽ đạt chữ bột cao, sản lượng ổn định, bình quân đạt 40 tấn/ha, đất gò có thể đạt 50-60 tấn/ha. Nhưng năm nay do nhổ sớm để chạy mưa, năng suất chỉ còn khoảng 25 tấn/ha. Giá bán cũng giảm mạnh.

Thương lái cũng… "chạy lỗ"

Không chỉ nông dân chịu thiệt, mà thương lái, những người thu mua, gom hàng đưa về nhà máy cũng rơi vào thế khó.

Một thương lái cho biết, sắn thu hoạch non thường cho hàm lượng chữ bột 25%, lại dính nhiều bùn đất khiến nhà máy trừ mạnh tạp chất, giá mua không cao. “1 ha sắn nếu để đến giữa tháng 9 thu hoạch có thể bán được khoảng 80 triệu đồng. Nhưng nếu thu hoạch sớm để chạy mưa thì chỉ bán được tối đa khoảng 60 triệu đồng/ha, trong khi chi phí đầu tư đã gần 60 triệu rồi. Chưa kể công thu hoạch, vận chuyển, hao hụt do ngập úng khoảng 20%, năm nay cầm chắc là lỗ”, thương lái này chia sẻ.

Sắn thu hoạch sớm đưa về nhà máy thường có tỷ lệ tạp chất khoảng 20%, khiến thương lái và nhà máy cũng gặp khó. Ảnh: Trần Trung.

Sắn thu hoạch sớm đưa về nhà máy thường có tỷ lệ tạp chất khoảng 20%, khiến thương lái và nhà máy cũng gặp khó. Ảnh: Trần Trung.

Chủ một nhà máy chế biến sắn trên địa bàn Tân Châu nhận định: “Trồng sắn ruộng có phần là đánh cược với thời tiết. Nếu không mưa thì năm nay dân sẽ có lãi vì giá ổn định. Nhưng chỉ cần vài trận mưa lớn kéo dài, buộc phải thu hoạch sớm, thì thua là chuyện chắc chắn”.

Không ít người dân bày tỏ mong muốn được hỗ trợ để vượt qua khó khăn lần này. “Tôi tha thiết mong Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ bà con nông dân khắc phục hậu quả do thiên tai. Cụ thể là cần có kinh phí hỗ trợ thiệt hại do ngập úng, giúp người dân gỡ gạc lại phần nào vốn liếng, có động lực tiếp tục sản xuất”, bà Đoàn Thị Kim Cúc, người trồng sắn tại Tân Biên nói.

Trước những bất ổn của thời tiết, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hạ tầng thoát nước tại các vùng chuyên canh sắn, chuyển đổi lịch thời vụ để giữ vững vùng nguyên liệu sắn. Ảnh: Trần Trung.

Trước những bất ổn của thời tiết, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư hạ tầng thoát nước tại các vùng chuyên canh sắn, chuyển đổi lịch thời vụ để giữ vững vùng nguyên liệu sắn. Ảnh: Trần Trung.

Tỉnh Tây Ninh cũng đã sớm tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động thu mua sắn tại các nhà máy để làm rõ cách đánh giá tạp chất, hàm lượng chữ bột và minh bạch về giá mua. Hiện nay, theo phản ánh của thương lái và người dân, sắn thu hoạch sớm đưa về nhà máy thường có tỷ lệ tạp chất khoảng 20%, chủ yếu do dính bùn đất sau mưa.

Trước những bất ổn của thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh khuyến cáo người dân cần chủ động theo dõi diễn biến mưa bão, sẵn sàng các phương án ứng phó, tiêu úng kịp thời. Về lâu dài, việc đầu tư hạ tầng thoát nước tại các vùng chuyên canh sắn, chuyển đổi lịch thời vụ, và dự báo thời tiết sát hơn sẽ là những giải pháp cần thiết để giảm rủi ro do thiên tai.

Xem thêm

Bình luận mới nhất