| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi vùng chân ruộng: [Bài 2] Những người dẫn nước nội đồng

Thứ Hai 28/07/2025 , 15:03 (GMT+7)

Từ việc điều tiết nước đến tổ chức sản xuất tập trung, HTX nông nghiệp đang trở thành 'mắt xích' kết nối chính quyền, ngành thủy lợi và người dân trên đồng ruộng.

Làm chủ kênh mương nội đồng

Những ngày giữa vụ hè thu, nắng như đổ lửa trên các cánh đồng tại tỉnh Tây Ninh. Dưới những tán cỏ ven bờ kênh, ông Trần Văn Khiêm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Khởi cùng các thành viên trong HTX vẫn miệt mài lội từng con mương, kiểm tra từng cửa lấy nước.

Dù không phải là người trong ngành thủy lợi, nhưng hơn hai thập niên qua, ông và tập thể HTX Nông nghiệp Đồng Khởi vẫn âm thầm gánh một phần việc không nhỏ: giữ cho dòng nước được dẫn đủ - đúng - đều về từng thửa ruộng.

Ông Trần Văn Khiêm (bìa phải) cùng thủy nông viên kiểm tra tuyến kênh HTX quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Khiêm (bìa phải) cùng thủy nông viên kiểm tra tuyến kênh HTX quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Văn Khiêm cho biết, HTX có 16 thành viên, trước đây, thành viên HTX sản xuất phân tán, mỗi người làm một kiểu khiến việc điều tiết nước khó khăn.

“Trên một cánh đồng, người thì trồng lúa, người trồng bắp, người trồng rau màu... mỗi cây đều cần lượng nước khác nhau. Muốn mở nước phải canh từng hộ, điều tiết theo giờ, theo loại cây trồng. Việc phân phối nước không kịp thời người dân sẽ bức xúc, ngoài ra còn gây ảnh hưởng cây trồng”, ông Khiêm chia sẻ.

Về sau, HTX liên kết với các công ty trong ngành nông nghiệp để xuất tập trung, xuống giống đồng loạt. Điều này không chỉ giúp HTX giảm tải áp lực điều hành, mà còn giúp bà con tiết kiệm nước, tăng hiệu quả canh tác, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm.

“Khi cây trồng tập trung giúp thuận tiện hơn trong phân bổ nước. Bên cạnh đó, mỗi hộ sử dụng nước đều phải ký hợp đồng cụ thể, ghi rõ vị trí, diện tích, loại cây trồng. Việc này vừa giúp HTX quản lý khoa học, vừa là cơ sở pháp lý rõ ràng trong phân bổ và tính toán chi phí thủy lợi”, ông Khiêm phấn khởi nói.

Nhờ hưởng lợi từ nguồn nước nên ý thức bảo vệ công trình thủy lợi được nâng lên, dòng kênh lúc nào cũng sạch sẽ, thông thoáng. Ảnh: Trần Trung.

Nhờ hưởng lợi từ nguồn nước nên ý thức bảo vệ công trình thủy lợi được nâng lên, dòng kênh lúc nào cũng sạch sẽ, thông thoáng. Ảnh: Trần Trung.

“Mỗi đợt mở nước đều được tổ trưởng khu vực thông báo rõ qua Zalo nhóm, lịch tưới được lập căn cứ theo đăng ký cây trồng, diện tích từng hộ và điều kiện dòng chảy thực tế được công khai trên nhóm. Sau mỗi mùa vụ, bà con chủ động phát tuyến, dọn mương giữ cho dòng chảy luôn thông thoáng giúp sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả”, ông Khiêm chia sẻ.

Mắt xích cuối cùng của hệ thống thuỷ lợi

Xí nghiệp Thủy lợi Châu Thành hiện quản lý 8 tuyến kênh cấp I, 13 tuyến cấp II và 14 tuyến cấp III, với tổng chiều dài hơn 43 km; trong đó hơn 26 km đã được bê tông hóa. Hệ thống thủy nông cơ sở gồm 10 tổ thủy nông và 9 hợp tác xã (HTX) phân bố rải rác tại các xã, đảm nhiệm việc mở nước phục vụ tưới tiêu cho người dân.

Ông Trương Đạt Tấn Lợi (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra sử dụng nước và công tác bảo vệ công trình thủy lợi của các thủy nông cơ sở. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trương Đạt Tấn Lợi (thứ 3 từ trái sang) kiểm tra sử dụng nước và công tác bảo vệ công trình thủy lợi của các thủy nông cơ sở. Ảnh: Trần Trung.

Theo ông Trương Đạt Tấn Lợi, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Châu Thành, công tác tưới tiêu hiện nay là một chuỗi phối hợp chặt chẽ giữa Xí nghiệp cùng HTX nông nghiệp, HTX thủy nông, tổ thủy nông và chính quyền địa phương.

“Khi có kế hoạch mở nước, Xí nghiệp Thủy lợi sẽ gửi thông báo về chính quyền cơ sở và các HTX, tổ thủy nông để triển khai đến từng hộ dân. Lúc này, vai trò của HTX, tổ thủy nông là cực kỳ quan trọng: không chỉ là trung gian truyền tin, mà còn là đơn vị chịu trách nhiệm điều phối thực tế nhằm đảm bảo nước đến đúng nơi, đúng lúc”, ông Lợi chia sẻ.

Kết quả dẫn nước phục vụ sản xuất có sự đóng góp không nhỏ của các HTX và tổ thủy nông. Ảnh: Trần Trung.

Kết quả dẫn nước phục vụ sản xuất có sự đóng góp không nhỏ của các HTX và tổ thủy nông. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trần Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tây Ninh đánh giá: “Công tác thủy lợi có sự đóng góp không nhỏ của các HTX và tổ thủy nông. Họ quản lý các tuyến kênh nhánh dẫn nước trực tiếp vào từng thửa ruộng.

Thực tế cho thấy, dù là lực lượng phi chuyên trách, các HTX thủy lợi, tổ thủy nông đang đảm nhận vai trò then chốt ở “mắt xích cuối” của hệ thống: đưa nước từ kênh mương nội đồng đến tận chân ruộng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài, việc điều tiết hợp lý, tiết kiệm nguồn nước từ các HTX càng trở nên quan trọng và đáng ghi nhận.

Không phải công chức hay kỹ sư, các hợp tác xã thủy lợi âm thầm giữ mạch nước cho đồng ruộng. Họ được xem là những “người gác nước” tận tụy, góp phần giữ vững mùa vàng cho ngành nông nghiệp”, ông Trần Quang Vinh nhấn mạnh.

Xem thêm

Bình luận mới nhất