| Hotline: 0983.970.780

Thủy lợi vùng chân ruộng: [Bài 1] HTX thủy nông ‘gần dân, sát ruộng’

Thứ Sáu 25/07/2025 , 11:25 (GMT+7)

Không phải công chức hay kỹ sư, nhưng các thành viên HTX thủy nông đang âm thầm gánh vác trách nhiệm giữ mạch nước tưới cho đồng ruộng, cánh tay nối dài ngành thủy lợi.

Vai trò then chốt trong phân phối nguồn nước

Trong hệ thống thủy lợi phân cấp từ tuyến kênh chính (cấp II) đến nội đồng (cấp III), HTX dịch vụ thủy lợi là lực lượng giữ vai trò trung tâm tại “vùng chân ruộng”. Họ là những người trực tiếp tiếp nhận, phân phối và điều tiết nguồn nước đến từng thửa ruộng của bà con nông dân.

Cánh đồng lúa xanh mướt tại xã Hảo Đước. Ảnh: Trần Trung.

Cánh đồng lúa xanh mướt tại xã Hảo Đước. Ảnh: Trần Trung.

Giữa những cánh đồng xanh mướt trải dài của xã Hảo Đước (Tây Ninh), hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng uốn lượn dẫn nước tới tận chân ruộng đang được vận hành nhịp nhàng bởi Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ thủy lợi An Cơ. Ẩn sau vẻ bình yên ấy là cả một bộ máy tổ chức chi tiết, linh hoạt, nơi “mạch nước sống” của nông nghiệp được tính toán đến từng mét khối/giờ và thời điểm tưới chính xác theo từng đợt sản xuất.

Ông Lê Văn Tranh, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy nông An Cơ cho biết, trước năm 2013, địa phương chỉ có tổ thủy nông, việc điều phối nước do Xí nghiệp thủy lợi Châu Thành đảm nhiệm, nhưng không có người phụ trách cụ thể tại chỗ. Khi thành lập HTX vào năm 2013, chúng tôi bắt đầu quản lý toàn bộ hệ thống kênh cấp II, III với quy mô phục vụ hơn 1.200 ha, cao điểm có thể lên đến 1.600 ha mỗi vụ.

HTX phối hợp với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tây Ninh, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương để xây dựng lịch cấp nước theo từng thời vụ, từng vùng sản xuất cụ thể: ai lấy nước trước, ai lấy sau, bao nhiêu mét khối/giờ, thời gian kéo dài bao lâu, tất cả đều rõ ràng.

“Trước kia, khi cần nước, nông dân phải chờ đợi, báo lên nhiều cấp. Nay chỉ cần báo cho HTX là có người xuống kiểm tra và điều tiết nước ngay. Từ chỗ bị động, nay hệ thống thủy lợi được vận hành bài bản, chủ động theo kế hoạch. Nhờ đó, bà con rất yên tâm sản xuất”, ông Tranh nói.

Anh Dương (áo xanh) cùng ông Tranh - Giám đốc HTX An Cơ thăm đồng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Dương (áo xanh) cùng ông Tranh - Giám đốc HTX An Cơ thăm đồng. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trần Thanh Dương, nông dân trồng bắp (ngô) và lúa tại xã Hảo Đước chia sẻ: “Trước kia, chưa có nước thì trồng trọt như đánh bạc, năng suất chỉ được 4-5 tấn/ha. Giờ có kênh mương dẫn nước ổn định, năng suất lên đến 10 tấn/ha. Với cây lúa xen canh, năng suất bình quân 5-6 tấn/ha, có hộ đạt 7 tấn. Quan trọng hơn, nhờ chủ động nước, bà con an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, từng bước chuyển đổi sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Nông dân như tụi tui không còn phải ngóng mưa, nhìn trời nữa”.

Góp phần bảo vệ công trình và môi trường

Không chỉ vận hành, HTX An Cơ còn thường xuyên tuyên truyền người dân không xả rác, chăn thả gia súc trên mặt kênh để tránh tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường và hư hại công trình. Mỗi mùa vụ, HTX đều có kế hoạch nạo vét, phát dọn kênh, đảm bảo dòng chảy thông thoáng. Đó không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là cam kết bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp bền vững.

Thành viên HTX An Cơ dọn vệ sinh tuyến kênh HTX quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Thành viên HTX An Cơ dọn vệ sinh tuyến kênh HTX quản lý. Ảnh: Trần Trung.

Về sản xuất, nước tưới được cung cấp kịp thời giúp cây trồng phát triển tốt, tăng năng suất rõ rệt. Mỗi năm, bà con tại Hảo Đước có thể luân canh 2-3 vụ, gồm mì (sắn), bắp, thuốc lá và lúa.

Theo UBND xã Hảo Đước (sáp nhập từ xã An Cơ), HTX Dịch vụ thủy nông An Cơ đã tạo bước ngoặt lớn trong tổ chức sản xuất tại địa phương. “Trước đây, việc phân phối nước thiếu đồng bộ, tranh chấp xảy ra thường xuyên. Từ khi HTX hoạt động, tình trạng này giảm hẳn. Nước được phân phối hợp lý, tiết kiệm, giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn. Đặc biệt, trong các đợt cao điểm, HTX phối hợp rất tốt với xã để bảo đảm nguồn nước cho dân”, ông Nguyễn Thành Đại, Chủ tịch UBND xã Hảo Đước chia sẻ.

Bà con nông dân xã Hảo Đước an tâm sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Bà con nông dân xã Hảo Đước an tâm sản xuất. Ảnh: Trần Trung.

Không chỉ dừng ở việc dẫn nước, HTX An Cơ còn hỗ trợ bà con tiếp cận kỹ thuật tưới tiết kiệm, mô hình tưới nhỏ giọt, tưới luân phiên. Điều đó vừa giúp tiết kiệm chi phí, vừa nâng cao hiệu quả canh tác. HTX thủy lợi ngày nay không chỉ là tổ chức dịch vụ, mà còn là “cánh tay nối dài” của nhà nước, bảo đảm chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn đến tận từng thửa ruộng, từng hộ nông dân.

Ông Nguyễn Thành Đại, Chủ tịch UBND xã Hảo Đước, khẳng định: “HTX An Cơ là một mô hình kiểu mẫu: gần dân, sát ruộng, phản ứng nhanh khi có bất thường. Chính quyền luôn xem đây là đối tác quan trọng trong xây dựng nông nghiệp bền vững tại địa phương”.

Việc tổ chức vận hành thủy lợi không chỉ là “mở nước” mà là cả một hệ thống vận hành theo kế hoạch, có sự phối hợp giữa các cấp, đặc biệt là vai trò trung tâm của HTX thủy lợi. Mô hình này không chỉ giúp đảm bảo nguồn nước tưới mà còn là nền tảng cho sản xuất nông nghiệp ổn định, tiết kiệm và bền vững.

Xem thêm

Bình luận mới nhất