Chiều 28/7, Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” đã có cuộc làm việc với UBND TP. Hà Nội. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan - Trưởng đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Thắng.
Tham gia đoàn có Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát cùng các thành viên Đoàn giám sát, đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Về phía TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan của TP.
Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 95-100%
Báo cáo với Đoàn giám sát, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm, bảo vệ môi trường và bước đầu đạt kết quả tích cực.
Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt tại các quận nội thành đạt 100%, khu vực ngoại thành đạt 95-100%. Chất thải y tế nguy hại được xử lý hoàn toàn; chất thải nguy hại từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thống kê được xử lý khoảng 99%.
Hiện thành phố vận hành 6 nhà máy, trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất hơn 414.000 m³/ngày đêm, nâng tỷ lệ nước thải xử lý đạt chuẩn lên 40,8%. Mục tiêu đến năm 2025 là tăng tỷ lệ này lên 50-55% khi hệ thống thu gom hoàn thiện và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000 m³/ngày đêm) đi vào hoạt động.

Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giảm ô nhiễm và bảo vệ môi trường. Ảnh: Phạm Thắng.
Về xử lý nước thải công nghiệp, hiện có 9/10 khu công nghiệp và Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã có trạm xử lý nước thải tập trung vận hành ổn định. Hai khu công nghiệp Sài Đồng B và Khu công viên Công nghệ thông tin sử dụng chung nhà máy xử lý đặt tại Khu công viên Công nghệ thông tin. Cụm công nghiệp Hỗ trợ Nam Hà Nội chưa vận hành chính thức, các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng. Tính đến nay, 97,5% các cụm công nghiệp trên địa bàn có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đối với môi trường không khí, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng không khí đến năm 2030, định hướng 2035; đồng thời phát động phong trào thi đua "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp". Thành phố cũng đã trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về vùng phát thải thấp nhằm kiểm soát ô nhiễm hiệu quả hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát. Ảnh: Phạm Thắng.
Trong quản lý chất thải rắn, Hà Nội đẩy mạnh xã hội hóa thu gom, xử lý theo quy hoạch. Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã đi vào hoạt động, xử lý khoảng 55% tổng lượng rác phát sinh mỗi ngày (7.300 tấn), với công suất 4.000 tấn/ngày. Nhà máy điện rác Seraphin tại Xuân Sơn (công suất 2.250 tấn/ngày) đã hoàn thành và bắt đầu vận hành thử từ tháng 4/2025.
“Dự kiến đến cuối năm 2025, hơn 90% lượng rác sinh hoạt thu gom sẽ được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Mô hình phân loại rác tại nguồn cũng đang được thí điểm tại 5 quận từ tháng 6/2024”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố cho biết.
Tuy vậy, đại diện Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố cũng thừa nhận, công tác bảo vệ môi trường của Hà Nội vẫn còn nhiều tồn tại. Tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn và nước thải sinh hoạt khu vực nội đô còn chậm. Việc đầu tư hệ thống xử lý tại một số cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Nỗ lực xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường các dòng sông như Tô Lịch, Tích, Nhuệ, Đáy còn chưa đạt kỳ vọng.
Chưa có quy định cụ thể kiểm soát khí thải xe mô tô, xe máy lưu hành
Theo Đoàn giám sát, đến nay, Hà Nội vẫn chưa ban hành 19/22 nội dung thuộc thẩm quyền hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường và toàn bộ 12/12 nội dung theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Thành phố cũng chưa có chính sách môi trường đặc thù theo Luật Thủ đô như hạn chế rác thải nhựa, khuyến khích tái chế…
Đặc biệt, Hà Nội thường xuyên nằm trong nhóm các thành phố ô nhiễm không khí cao nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là khí thải giao thông, xây dựng, công nghiệp và đốt phụ phẩm nông nghiệp. Trong khi đó, hệ thống pháp lý còn thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp liên vùng, thiếu quy định kiểm soát khí thải xe máy và mạng lưới quan trắc chưa hoàn chỉnh...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thái.
Tại cuộc giám sát, nhiều kiến nghị của TP liên quan đến quản lý môi trường không khí; quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân cấp quản lý trong công tác bảo vệ môi trường đã được Đoàn giám sát ghi nhận, các bộ ngành báo cáo, làm rõ trên tinh thần tháo gỡ vướng mắc thực tế, phù hợp với quy định pháp luật và yêu cầu quản lý thống nhất.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy đề nghị UBND TP tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát, các đại biểu để hoàn thiện Báo cáo của thành phố và gửi lại cho Đoàn qua Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trước ngày 5/8/2025. Báo cáo này sẽ được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 sắp tới.
Hà Nội cần đi đầu trong thúc đẩy cơ chế tài chính xanh
Phát biểu chỉ đạo buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đồng thời là đầu tàu về kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Với tốc độ đô thị hóa nhanh và mật độ dân cư cao nhất cả nước tại nhiều khu vực nội thành, thành phố vừa có lợi thế, vừa đối mặt thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Hà Nội có điều kiện áp dụng nhiều cơ chế, chính sách vượt trội dành riêng cho Thủ đô, có tiềm lực về tài chính, nhân lực, quản lý và khả năng tiếp cận công nghệ xử lý chất thải hiện đại. Tuy nhiên, áp lực từ lượng chất thải sinh hoạt, ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về giải pháp tổng thể và đồng bộ trong bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và pháp luật về môi trường. Ảnh: Phạm Thắng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các văn bản của Đảng và pháp luật về môi trường, nhất là Kết luận số 81-KL/TW năm 2024 của Bộ Chính trị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành. Đồng thời, quán triệt nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về bảo đảm Thủ đô phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa kinh tế, văn hóa và môi trường.
Hà Nội cần có giải pháp quyết liệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị về vai trò trung tâm của môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, rà soát, hoàn thiện pháp luật, đề xuất sửa đổi các quy định chưa đồng bộ, nhất là về phân cấp, phân quyền và trách nhiệm quản lý. Ưu tiên xử lý các vấn đề môi trường cấp bách như: kiểm soát ô nhiễm không khí, khắc phục ô nhiễm sông nội đô và sông Nhuệ - Đáy, đẩy nhanh đầu tư trạm xử lý nước thải cho cụm công nghiệp, làng nghề; triển khai kinh tế tuần hoàn, phân loại và tái chế chất thải rắn tại nguồn.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội xây dựng lộ trình thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025 về các nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn ô nhiễm, đồng thời chủ động báo cáo những khó khăn vượt thẩm quyền để được hỗ trợ.
Đặc biệt, Hà Nội cũng cần tiên phong thí điểm các cơ chế mới theo Luật Thủ đô như phát triển vùng phát thải thấp, tài chính xanh, đấu giá quyền phát thải, chi trả dịch vụ môi trường. Để các chính sách khả thi, hạ tầng phải được chuẩn bị đồng bộ, tạo sự đồng thuận xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh vai trò giám sát của HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, coi đây là trụ cột của mô hình quản trị đô thị hiện đại dựa trên minh bạch và chia sẻ trách nhiệm.