Đây là dịp quan trọng nhằm trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động thực tế, lắng nghe đề xuất từ cơ sở, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị với cơ quan Bộ.
Tại buổi làm việc, đại diện Văn phòng Bộ tại phía Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp tình hình tổ chức và hoạt động chuyên môn, trong đó nêu bật vai trò kết nối khoa học, đào tạo, ứng dụng thực tiễn và những khó khăn trong cơ chế phối hợp, nguồn lực nhân lực, tài chính.

Quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng chủ trì buổi làm việc với đại diện các đơn vị ngành Nông nghiệp và Môi trường phía Nam, ngày 23/7. Ảnh: Trần Phi.
Theo PGS.TS. Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: “Với vai trò là cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành nông nghiệp và môi trường tại phía Nam, nhà trường đã và đang đẩy mạnh liên kết với các viện, trung tâm và địa phương trong công tác nghiên cứu ứng dụng, đào tạo thực hành và chuyển giao công nghệ.
Tuy nhiên, để bắt kịp yêu cầu thực tiễn, chúng tôi mong muốn được Bộ tạo điều kiện nhiều hơn trong việc tham gia các đề án lớn, mở rộng cơ hội hợp tác quốc tế và hỗ trợ nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất phục vụ đào tạo công nghệ cao”.
Cũng báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng: “Các đơn vị phía Nam hiện đang đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu rau quả tươi, tuy nhiên còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương. Chúng tôi mong Bộ sẽ có thêm cơ chế linh hoạt để hỗ trợ nông sản đạt tiêu chuẩn cao, đẩy nhanh tiến độ cấp mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và mở rộng thị trường".
Phát biểu chỉ đạo, quyền Bộ trưởng Trần Đức Thắng ghi nhận tinh thần nỗ lực, trách nhiệm và đóng góp quan trọng của các đơn vị phía Nam. Ông nhấn mạnh, khu vực này có tiềm năng lớn, cần phát huy vai trò tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng biến đổi khí hậu và thúc đẩy liên kết vùng trong sản xuất nông nghiệp bền vững.

Quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Phi.
“Phía Nam là trung tâm sản xuất nông nghiệp chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực thủy sản, trái cây, lúa gạo và chế biến. Bộ xác định rõ vai trò của các đơn vị tại đây không chỉ là ‘cánh tay nối dài’ mà là trung tâm điều phối sáng kiến, mô hình phát triển tiên tiến. Tôi mong muốn các đơn vị mạnh dạn đề xuất thí điểm, ứng dụng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và gắn kết chặt hơn với chính quyền địa phương và doanh nghiệp”, quyền Bộ trưởng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng lưu ý việc cần thiết đổi mới tư duy quản trị, cải cách thủ tục hành chính và tạo sự chủ động hơn cho các đơn vị trong việc đề xuất chính sách, triển khai dự án tại địa phương.
Sau phần phát biểu, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về định hướng hoạt động trong thời gian tới, tập trung vào nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đào tạo, đồng bộ hóa quy trình phối hợp, cũng như mở rộng hợp tác với địa phương và doanh nghiệp.
Buổi làm việc là minh chứng cho sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Bộ, đồng thời khẳng định tầm quan trọng chiến lược của khu vực phía Nam trong việc hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp và Môi trường bền vững, hiện đại, thích ứng tương lai.