| Hotline: 0983.970.780

Thân thương làng ta…

Thứ Năm 03/02/2022 , 11:10 (GMT+7)

Từ thuở nằm nôi, tôi đã nhập tâm lời ru của mẹ: 'Ai lên Tuyên Hóa quê mình/ Chè xanh, mật ngọt, đượm tình quê hương...'.

Thượng nguồn sông Gianh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Thượng nguồn sông Gianh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dọc đất nước, như bức tường thành phên dậu của Tổ quốc ở phía Tây, khi về đến vùng tiếp giáp giữa hai huyện Hương Khê của Hà Tĩnh và Tuyên Hóa của Quảng Bình thì đột ngột trổ ngang một nhánh chạy ra biển Đông, tạo nên dãy Hoành Sơn kỳ vĩ và thơ mộng mà điểm cuối cùng là những địa danh nức tiếng Đèo Ngang, Vũng Chùa, Đảo Yến… 

Tiếp tục mạch kiến tạo hướng về Nam, hành trình về đến vùng Phong Nha, Kẻ Bàng của miền Tây đất Bố Chính cổ, như một sự luyến tiếc trước cảnh non nước hữu tình, dãy Trường Sơn lại một lần nữa trổ một nhánh ngang ra biển. Đó là dãy núi Lệ Đệ từng được sách Ô Châu cận lục của Lê Quý Đôn miêu tả là “trập trùng thế tựa hổ ngồi”. Và điểm cuối của dãy Lệ Đệ cũng có nhiều danh thắng nổi tiếng như đèo Lý Hòa, động Chùa Hang, bãi Đá Nhảy…

Kẹp giữa hai nhánh núi trổ ra biển trên đây là con sông Gianh, tên chữ là Linh Giang, tên Nôm là Rào Nậy. Hai bên bờ sông là những bãi biền trù phú, những làng mạc bình yên của hai huyện Quảng Trạch ở hạ lưu và Tuyên Hóa quê tôi ở phía thượng nguồn. Đất Quảng Bình có Bát danh hương (tám làng nổi tiếng: Sơn, Hà, Cảnh, Thổ, Văn, Võ, Cổ, Kim) thì có hai làng nằm bên bờ sông Gianh, đó là làng La Hà thuộc xã Quảng Văn của huyện Quảng Trạch và làng Lệ Sơn thuộc xã Văn Hóa của huyện Tuyên Hóa.

Từ thuở nằm nôi, tôi đã nhập tâm lời ru của mẹ: "Ai lên Tuyên Hóa quê mình/ Chè xanh, mật ngọt, đượm tình quê hương...". Nước sông Gianh bốn mùa trong vắt, nấu với chè xanh hái từ những triền đồi hai bên bờ sông thì thơm ngon sóng sánh tựa mật ong. Còn mật ong Tuyên Hóa thì còn phải nói. Nếu có dịp đi thuyền ngược sông Gianh lên vùng Thuận Hóa, du khách sẽ được gặp một ngọn núi đá vươn ra giữa dòng sông như một vòm mái khổng lồ. Dưới vòm mái trông đến ngợp mắt, thót tim ấy, lủng lẳng vô số những bọng ong tự nhiên đã bao đời nay không ai đụng đến được. Ngọn núi ấy được gọi là Lèn Ong.

Làng tôi tên chữ là Thiết Sơn, tên Nôm là làng Ống. Làng gồm hai dải đất nằm thẻo lẻo hai bên bờ sông Gianh thuộc xã Thạch Hóa. Cứ theo như các vị cao niên truyền khẩu, thì gốc gác dân làng tôi là người hạ bạn, men theo đôi bờ sông Gianh lên định cư lập nghiệp từ xa xưa. Chẳng hạn như cụ Tổ của Mai tộc chúng tôi là người làng La Hà ở xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, nay thuộc thị xã Ba Đồn. Theo gia phả thì chúng tôi là hậu duệ đời thứ chín, tức cách nay khoảng vài trăm năm… 

Thành hoàng là ai, dân làng không biết, vì chẳng thấy sổ sách, bia bảng nào ghi danh. Cũng có thể ngày xưa trong đình làng, miếu, nghè… đã có, nhưng cái đận bài trừ hủ tục, xóa bỏ tàn dư phong kiến hơn sáu chục trước, những di tích lịch sử, văn hóa trên đây đã bị đập phá, nay chẳng còn lại chút gì khả dĩ cho con cháu khôi phục.

Có điều, tôi tin trong số những tiền nhân khai sơn lập ấp ngày ấy, chắc chắn cũng có người chữ nghĩa. Bằng chứng là bên cạnh những địa danh nôm na như cầu Bượm, xóm Bàu, chợ Ống, đồng Hung, bãi Nèng… thì làng tôi lại có những cái tên chữ rất đẹp: Lèn Tang Bồng, đồng Trảo Nha, xóm Phúc Sơn, bến đò Phú Hội…

Một dạo, cũng chừng dăm sáu chục năm trước, người ta mang về làng những cái tên lạ hoắc như Quyết Tiến, Thắng Lợi, Tiền Phong, Thống Nhất… để thay thế những địa danh hoặc là nôm na mách qué, hoặc chữ nghĩa cao siêu. Nhưng những cái tên kêu như kẻng chấm công của hợp tác xã thời bao cấp, dần dần cũng bị giải thể. Và những cầu Bượm, xóm Bàu, chợ Ống, đồng Hung… vẫn neo bám vững chắc trong tâm thức dân làng, cùng những cây đa Đá Sập, cây gạo Cửa Hác, nghĩa địa Bàu Mác… làm nên hình hài và hồn vía của làng tôi...

Thượng nguồn sông Gianh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Thượng nguồn sông Gianh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Lịch sử thành văn của làng tôi, có lẽ chỉ bắt đầu từ ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chi đội vũ trang đầu tiên của huyện Tuyên Hóa mang tên vị lãnh binh Cần vương Lê Trực, được thành lập ở làng Còi, tiếp giáp với làng tôi về phía thượng nguồn, về sau phát triển thành Trung đoàn 18 Anh hùng của Đại đoàn Bình Trị Thiên nổi tiếng.

Làng Còi cũng là nơi sơ tán của cơ quan tỉnh đội Quảng Bình. Liền kề nơi sơ tán của cơ quan tỉnh đội, nên làng tôi nghiễm nhiên thuộc vào vùng An toàn khu của tỉnh. Xưởng quân giới Trần Táo được thành lập ở xóm Niệt, sản xuất lựu đạn và sửa chữa các loại súng bộ binh, nay vẫn còn dấu tích. Trường trung học kháng chiến Phan Bội Châu thành lập ở Hung Bù, là trường trung học phổ thông đầu tiên của tỉnh Quảng Bình.

Tuy chỉ tồn tại dăm năm, nhưng trường Phan Bội Châu cũng đã kịp cung cấp cho công cuộc kháng chiến của tỉnh nhà một lứa cán bộ cốt cán trung kiên; sau này nhiều người trở thành những nhà nghiên cứu, nhà văn, tướng lĩnh nổi tiếng. Có người là Trung tướng, Giáo sư, Giám đốc Học viện Kỹ thuật quân sự. Có người là Giáo sư, bác sĩ nổi tiếng ở Đại học Y Hà Nội. Có người là nhà nghiên cứu lừng danh và bản dịch bộ tiểu thuyết “Chiến tranh và hòa bình” từ tiếng Nga của ông đến nay vẫn chưa ai vượt qua…

Hơn bốn chục năm trước, nhạc sĩ Trần Hoàn đang làm Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Bình Trị Thiên cũ, được phân công về chỉ đạo Đại hội Đảng bộ huyện Tuyên Hóa, đã viết viết ca khúc "Đường về Đồng Lê" trở thành “huyện ca” nổi tiếng của Tuyên Hóa. Lần ấy ông đã kể với Đại hội rằng nhạc phẩm tiền chiến "Sơn nữ ca" của ông đã ra đời ở chợ Gát, ngay cạnh làng tôi.

Khúc sông thuở nhỏ chúng tôi vẫn bơi lội vẫy vùng, cũng là nơi ra đời tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” của Văn Linh, tác phẩm một thời bị cấm đoán vì giữa kháng chiến gian khổ mà lại kể chuyện tình yêu quá ư… lãng mạn. Một lần họp mặt anh em văn nghệ Quảng Bình ở Hà Nội, chúng tôi mời tác giả “Mùa hoa dẻ” tham dự, ông kể rằng, mỗi lần nhắc đến các địa danh chợ Gát, làng Ống, làng Còi… là ông lại thắt lòng, vì người con trai đầu lòng của ông đã mất khi theo mẹ cha sơ tán lên vùng này…

Trong những cuộc hội ngộ đồng hương “làng ta” gần đây, xen giữa những câu chuyện ấm áp của làng, là những lo âu về sự mai một hồn làng, nếp làng trong thời buổi kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Nào là cái lũy tre làng ven sông che chắn lũ lụt bao đời nay, bỗng dưng bị dàn máy ủi máy xúc bật tung hết cả lên, để giải ngân cho một cái dự án kè bao chưa làm đã biết chắc chắn là thất bại. Nào là những hàng rào dâm bụt, chè tàu phân định vườn tược, bây giờ đã được thay thế bằng những tường gạch cao lút đầu người, đêm đêm nhà nhà cửa đóng then cài bất khả xâm phạm.

Rồi chuyện anh em con cháu đôi khi phải lôi nhau ra tòa chỉ vì cái tường gạch xây lấn sang bên này bên kia chỉ nửa gang tay. Rồi chuyện pha tạp, lai căng lối sống thị thành, cả những thói hư tật xấu mang về từ các thị trường lao động nước ngoài… Cứ đà này thì nay mai còn đâu văn hóa làng ta?

Một anh bạn đồng niên thủng thẳng nhưng quả quyết: Mất thế nào được? Như cái chợ Ống làng ta đấy, bao đời nay bám vào cái mô đất theo lẻo bên cầu Ống, lũ lụt lở bên này thì bà con dịch sang bên kia; năm sau lở bên kia thì bà con dịch sang bên này, quyết không họp chợ trên khu đất mới do xã qui hoạch khá là rộng rãi, quyết không chui vào ngôi nhà xây kiên cố của dự án “Điểm bưu điện văn hóa xã” bỏ hoang từ ngày khánh thành… Vì sao các cậu có biết không? Vì chợ làng không chỉ là nơi mua bán đổi chác, mà còn là một địa chỉ văn hóa của làng, là một góc hồn làng, đố ai di dời thay đổi được! 

Chúng tôi cùng im lặng như người có lỗi. Rồi cũng chính anh bạn lúc nãy lên tiếng: Làng ta bây giờ thôn xóm nào cũng đường đi lối lại phong quang, rải bê tông đến ngõ từng nhà, các cậu có biết bao nhiêu cây vườn, bao nhiêu mét hương hỏa đã được bà con mình tự nguyện hiến cho phong trào xây dựng Nông thôn mới và Làng văn hóa không? Dân làng ta là rứa đó!

Thêm một lần chúng tôi thức ngộ hai chữ “làng ta”…

Xem thêm
U16 nữ Hà Nội bảo vệ thành công ngôi vô địch quốc gia

U16 nữ Hà Nội giành chiến thắng 2-1 trước Hà Nam, chính thức bảo vệ thành công danh hiệu vô địch giải U16 bóng đá nữ quốc gia 2025.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Ươm tạo 100 doanh nghiệp du lịch tiên phong quản lý rác hiệu quả

Mục tiêu của ‘Mạng lưới du lịch Việt Nam không rác’ là đến năm 2030 ươm tạo được ít nhất 100 hạt nhân doanh nghiệp tiên phong thực hành quản lý rác hiệu quả.

Vật liệu cũ ‘kể chuyện mới’

Vườn hoa Diên Hồng (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bất ngờ ‘kể chuyện mới’ với một không gian nghệ thuật đầy màu sắc, được tạo dựng hoàn toàn từ vật liệu cũ.

Bình luận mới nhất