
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng kiểm tra công tác vận hành chính quyền địa phương hai cấp tại phường Phan Đình Phùng, tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Quang Linh.
Sớm hoàn thiện dự toán thu - chi ngân sách năm 2025
Ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các kế hoạch, chỉ đạo cụ thể nhằm đảm bảo bộ máy vận hành thông suốt, hiệu quả.
Các đơn vị, địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án tổ chức lại bộ máy, bố trí cán bộ hợp lý, xử lý hiệu quả tài sản công, chuyển tiếp các nhiệm vụ và dự án đang triển khai; đồng bộ hóa dữ liệu dân cư, địa giới hành chính lên các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia; thực hiện nghiêm quy trình giải quyết thủ tục hành chính, việc số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả xử lý thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa; duy trì tiếp nhận 100% thủ tục hành chính theo hình thức trực tuyến.
Sở Tài chính đang phối hợp với các đơn vị hoàn thiện nội dung giao dự toán thu - chi ngân sách tỉnh Thái Nguyên mới năm 2025; tham mưu phương án sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, cơ bản các đơn vị đã thực hiện bàn giao tiếp nhận trụ sở, xe công tác và máy móc, trang thiết bị theo phương án được duyệt. Các tài sản sau tiếp nhận đã được bảo vệ, bảo quản không để thất thoát lãng phí.

Ông Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên phát biểu tại cuộc họp, ngày 11/7. Ảnh: TNGOP.
Sở Dân tộc và Tôn giáo là đầu mối tham mưu triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp về tình hình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước sau khi sáp nhập tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 11/7, ông Phạm Hoàng Sơn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đề nghị, các cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, không chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ, nhất là giai đoạn đầu sau sáp nhập.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu Sở Tài chính khẩn trương rà soát toàn bộ nhu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động của chính quyền 2 cấp; đề xuất phương án khắc phục ở những đơn vị, địa phương còn thiếu, trong đó ưu tiên đáp ứng các yêu cầu cấp thiết, cấp bách.
Các sở, ngành tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên môn ở cấp xã, phân công cán bộ hỗ trợ, hướng dẫn cơ sở trong việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đảm bảo không để xảy ra ách tắc trong công tác chuyên môn.
Sở Nội vụ phối hợp giải quyết kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình sắp xếp bộ máy; hướng dẫn hoạt động của cán bộ chuyên trách cấp xã; tham mưu tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 chu đáo, ý nghĩa; đồng thời, sớm đề xuất phương án thống nhất công tác lưu trữ về một đầu mối. Sở Xây dựng đẩy nhanh tiến độ bàn giao hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi... theo đúng quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đề xuất các đơn vị, doanh nghiệp đủ năng lực triển khai nhiệm vụ môi trường tại địa phương. Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu phương án tổng thể về quy mô trường lớp, số lượng học sinh, đội ngũ giáo viên, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đảm bảo phù hợp tình hình mới. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ động đề xuất bố trí trụ sở làm việc cho lực lượng cấp xã, đảm bảo điều kiện an ninh, quốc phòng.
Sở Dân tộc và Tôn giáo là đầu mối tham mưu triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, tiến hành rà soát lại số liệu thực tế để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng, đúng chính sách.