
Hố sụt lún tại xã Kim Lư, huyện Na Rì. Ảnh: Ngọc Tú.
Thôn Hiệp Lực (xã Kim Lư) vốn là vùng quê thanh bình, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Cuối tháng 3/2025, trong thôn bất ngờ xuất hiện những hố sụt lún gần khu vực dân cư, khiến cuộc sống người dân đảo lộn.
Hai hố sụt lún đầu tiên xuất hiện ở cánh đồng trồng lúa gần nhà người dân. Ngày 29/3, một hố sụt lún lớn tiếp tục xuất hiện giữa đường quốc lộ, hố sụt lún này rộng khoảng 7m, sâu hơn 5m, dưới đáy hố có nước ngầm.
Từ tháng 3 đến nay, hiện tượng sụt lún liên tục xảy ra ở ruộng lúa, vườn rau và trên đường giao thông. Tính đến ngày 6/5, ở thôn Hiệp Lực đã có 7 hố sụt lún gây nứt sân, ruộng lúa bị rút hết nước mặt.
Khu vực xảy ra sụt lún hiện có 21 hộ, 92 nhân khẩu sinh sống, đất sản xuất nông nghiệp khoảng 12 ha. Do sụt lún ngày càng nghiêm trọng, chính quyền địa phương đã di dời 2 hộ đến nơi an toàn.
Ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Na Rì cho biết, diễn biến các hố sụt lún có chiều hướng gia tăng gây mất an toàn cho người dân. Huyện đã yêu cầu xã Kim Lư huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ hộ bà Đàm Thị Hiền và hộ ông Đàm Văn Yêu di dời đến nơi ở khác an toàn hơn.
“Huyện cũng đã báo cáo UBND tỉnh đề nghị hỗ trợ địa phương các giải pháp khắc phục tạm thời. Về lâu dài chính quyền và người dân mong sớm tìm ra nguyên nhân căn cơ để có giải pháp khắc phục triệt để giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất nông nghiệp. Hiện nay nguy cơ tiếp tục xảy ra các hố sụt lún khác vẫn ở mức cao, địa phương đang tiếp tục theo dõi”, ông Lộc cho biết thêm.

Ruộng nứt nẻ, sụt lún khiến người dân lo lắng. Ảnh: Ngọc Tú.
Vừa qua, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với địa phương đã kiểm tra, khảo sát tình hình sụt lún tại xã Kim Lư.
Theo kết quả khảo sát ban đầu, nguyên nhân sụt lún do khu vực này có sự phân bố đá trầm tích lục nguyên xen đá vôi bị phong hóa, nhiều hang động karst chứa nước. Ngoài nguyên nhân do cấu tạo địa chất, hoạt động bơm hút nước ngầm quá mức để phục vụ canh tác cũng dẫn đến hiện tượng sụt lún xảy ra thường xuyên hơn.
Trên cơ sở này, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đề xuất dựng hàng rào, biển báo quanh hố sụt lún để cảnh báo. Tạm thời di dời người dân, công trình gần đó nếu có dấu hiệu bất thường như lún bề mặt, nứt bề mặt đất, nứt các công trình nhà ở, công trình xây dựng khác.
Đối với các hố sụt lún dùng vật liệu cứng như đất đá, xi măng, bê tông để lấp đầy khoảng rỗng, gia cố bề mặt bằng bê tông cốt thép, cọc nhồi hoặc dựng rào chắn cứng để tránh lan rộng.
Về lâu dài cần hạn chế khai thác nước ngầm, tạm dừng hoặc giảm đến mức tối đa hoạt động khai thác nước ngầm, nhất là những khu vực đông dân cư sinh sống.
Để có cơ sở khẳng định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục bền vững cần điều tra, khảo sát nghiên cứu chi tiết về địa chất khu vực đang xảy ra sụt lún.

Cần sớm làm rõ nguyên nhân để có giải pháp khắc phục phù hợp. Ảnh: Ngọc Tú.
Ông Triệu Đức Văn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bắc Kạn cho biết, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tiếp tục điều tra, khảo sát, nghiên cứu chi tiết địa chất khu vực xảy ra sụt lún để sớm đưa ra giải pháp phù hợp. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, chăn thả gia súc xung quanh khu vực đang xảy ra sụt lún.
“Tại Bắc Kạn, những năm gần đây xảy ra sụt lún ở nhiều nơi như thị trấn Bằng Lũng, xã Ngọc Phái (huyện Chợ Đồn); xã Thanh Thịnh (huyện Chợ Mới) và xã Kim Lư (huyện Na Rì). Để có cơ sở khẳng định rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cần có đề án, công trình nghiên cứu cụ thể”, ông Văn cho biết thêm.