| Hotline: 0983.970.780

Sau tinh gọn bộ máy, ứng dụng công nghệ là giải pháp bắt buộc

Thứ Sáu 21/03/2025 , 06:53 (GMT+7)

HÀ NỘI Khi số lượng giảm do tinh gọn, địa bàn quản lý rộng hơn, ứng dụng công nghệ trở thành giải pháp bắt buộc đối với đội ngũ cán bộ chăn nuôi, thú y địa phương.

Tại Hội thảo tham vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý chăn nuôi và giám sát dịch bệnh dịch bệnh động vật diễn ra ngày 20/3 tại Hà Nội do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) phối hợp Viện Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) tổ chức, đại diện các tỉnh Lào Cai và Hòa Bình đã chia sẻ rất thẳng thắn và cởi mở về nhu cầu chuyển đổi số của mỗi địa phương. 

Chăn nuôi ở miền núi thường là nhỏ lẻ và phân tán nên cán bộ thú y cơ sở gặp không ít khó khăn để tiếp cận. Ảnh: HĐ.

Chăn nuôi ở miền núi thường là nhỏ lẻ và phân tán nên cán bộ thú y cơ sở gặp không ít khó khăn để tiếp cận. Ảnh: HĐ.

Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai quan tâm về khả năng nhân rộng các ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý ở địa phương. Bà chia sẻ, các hộ chăn nuôi ở miền núi thường nhỏ lẻ và phân tán, nên cán bộ thú y cơ sở gặp không ít khó khăn để tiếp cận họ. 

Theo bà Bình, với chủ trương giảm cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tỉnh Lào Cai dự kiến sẽ tinh giản từ 151 huyện, xã, thị trấn. Đây là cơ hội lớn cho địa phương phân bổ nguồn lực, chuẩn hóa đội ngũ thú y cơ sở từ 149 cán bộ địa phương. Bà Bình cũng đề cập đến Nghị quyết 57/NQ-TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, trong đó xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những đột phá quan trọng.

“Khi hệ thống tinh gọn, số lượng cán bộ giảm trong khi phạm vi quản lý ngày càng rộng, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ chính là giải pháp duy nhất để đảm bảo hiệu quả tổ chức và quản lý của ngành nông nghiệp”, bà Bình khẳng định.

Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai tham vấn tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Bà Cao Thị Hòa Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai tham vấn tại Hội nghị. Ảnh: Quỳnh Chi. 

Bà Bình cho rằng, trong khi ứng dụng FarmVetCare hỗ trợ giám sát dịch bệnh động vật ở cấp trang trại và cấp xã thì Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) phục vụ quản lý từ Trung ương đến địa phương. 

Do đó, vị Chi cục trưởng này đề xuất: “Từ hai nền tảng trên, mong rằng các nhà quản lý và nhà khoa học hãy thảo luận để đưa ra một hệ thống hoàn thiện, trải dài từ Trung ương đến cơ sở.”

Bà Bình cam kết, Lào Cai sẵn sàng đồng hành trong việc triển khai các giải pháp công nghệ. Nhưng để hệ thống vận hành tốt, cần tổ chức tập huấn, nâng cấp trang thiết bị và hoàn thiện hạ tầng thông tin, đảm bảo khả năng hoạt động đồng bộ trên toàn địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hòa Bình nhấn mạnh, bất kỳ ứng dụng nào cũng cần đáp ứng tối đa nhu cầu thực tế của bà con, đơn giản, dễ sử dụng và dễ thực hiện.

Đồng tình với đại diện Lào Cai, ông Tuấn phân tích: Ở cấp cơ sở, dù mô hình quản lý có thay đổi vẫn cần có hệ thống giám sát dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, bác sĩ thú y ở nhiều địa phương còn rất hạn chế.

Theo đó, đại diện Hòa Bình đề xuất các nền tảng số cập nhật danh sách bác sĩ thú y theo địa bàn, để người chăn nuôi có thể dễ dàng liên hệ, đặt câu hỏi và nhận hỗ trợ khi cần. 

Bước tiếp theo của dự án ICT4Health là chuyển giao toàn bộ dữ liệu ứng dụng về Việt Nam. Ảnh: KC. 

Bước tiếp theo của dự án ICT4Health là chuyển giao toàn bộ dữ liệu ứng dụng về Việt Nam. Ảnh: KC. 

“Khi các xã được sáp nhập, nhiệm vụ của cán bộ thú y sẽ ngày càng nặng nề hơn. Trong bối cảnh đó, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ bà con chăn nuôi tiếp cận nguồn lực nhanh hơn”, ông cho hay.

Đồng thời, cần có biên chế thú y đến cấp xã, đảm bảo đội ngũ này không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn có khả năng chẩn đoán chính xác. Nếu có một đội ngũ thú y có tay nghề cao, họ sẽ được tín nhiệm làm đầu mối quan trọng trong hệ thống dữ liệu chăn nuôi. Dữ liệu dịch bệnh thu thập được cũng sẽ đảm bảo tính chính xác, “sạch” và chất lượng cao hơn.

Lào Cai và Hòa Bình là hai địa phương thí điểm dự án “Cải thiện sức khỏe con người thông qua chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững trong mối liên hệ con người - động vật - môi trường sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông tại Việt Nam” (ICT4Health).

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Chăn nuôi quốc tế (ILRI) cho biết, dự án ICT4Health đã tổ chức tập huấn sử dụng ứng dụng FarmVetCare cho 35 bác sĩ thú y và 266 hộ chăn nuôi tại hai tỉnh. Tổng cộng, 337 tài khoản đã được đăng ký trên nền tảng, bước đầu giúp cải thiện khả năng giám sát và hỗ trợ thú y từ xa.

Theo đại diện ILRI, bước tiếp theo của dự án là chuyển giao toàn bộ dữ liệu ứng dụng về Việt Nam, đồng thời đảm bảo nền tảng hoạt động hiệu quả hơn trong hệ thống quản lý thú y và giám sát dịch bệnh.

Xem thêm
Trăn trở công tác thú y cơ sở sau khi sát nhập đơn vị hành chính

Nhiều địa phương lo lắng sau sát nhập, cán bộ bán chuyên trách nghỉ việc khiến công tác thú y cơ sở gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, địa bàn quản lý rộng.

Sơn La tìm giải pháp xây dựng vùng cà phê chè hữu cơ

Phó Chủ tịch tỉnh Sơn La làm việc với Viện Bảo vệ thực vật nhằm tìm ra những giải pháp xây dựng vùng cà phê chè hữu cơ.

Xã vùng biên mỗi năm 200 hộ thoát nghèo: Người trẻ nghĩ khác ở Lao Khô

SƠN LA Giữa đại ngàn Tây Bắc, nơi núi rừng Phiêng Khoài (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) tiếp giáp với nước bạn Lào có một bản nhỏ mang tên là Lao Khô.

Cơ hội việc làm ngành nông nghiệp rộng mở với sinh viên

THÁI NGUYÊN Tại ngày hội việc làm của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên, trong khi chỉ có 300 sinh viên ra trường thì nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp lên tới 4.000 vị trí.

Trồng nấm linh chi cho lợi nhuận như mơ nhờ làm chủ công nghệ

HẢI PHÒNG Bằng công nghệ tự động và sản xuất theo quy trình VietGAP, một mô hình trồng nấm linh chi tại quận An Dương đã cho lợi nhuận ngoài mong đợi.

16 cán bộ kiểm ngư 'gánh' 6.000km² mặt biển

Quảng Ninh Lực lượng kiểm ngư Quảng Ninh chỉ có 16 cán bộ nhưng quản lý tới 6.000km² mặt biển, dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trên biển.

Tăng tốc hoàn thiện dữ liệu phục vụ EUDR, bảo đảm xuất khẩu không gián đoạn

Hệ thống dữ liệu phục vụ cho việc khai báo truy xuất nguồn gốc theo quy định EUDR vẫn cần hoàn thiện để đảm bảo việc xuất khẩu duy trì khi EUDR có hiệu lực.

Bình luận mới nhất