| Hotline: 0983.970.780

Sâu bệnh lúa đông xuân giảm hơn các năm, nhưng không được chủ quan

Thứ Bảy 30/04/2022 , 15:01 (GMT+7)

Mặc dù tình hình sâu bệnh trên lúa đông xuân các tỉnh phía Bắc thời gian qua nhẹ hơn các năm, tuy nhiên tuyệt đối không được lơ là từ nay tới cuối vụ.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (phải) và Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, ông Trần Quyết Tâm kiểm tra tình hình dịch hại tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương (phải) và Giám đốc Trung tâm BVTV phía Bắc, ông Trần Quyết Tâm kiểm tra tình hình dịch hại tại các tỉnh ĐBSH. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 29/4, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Trung tâm BVTV phía Bắc tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá tình hình dịch hại và công tác phòng, chống tại một số địa phương ở ĐBSH.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương đánh giá, sinh trưởng của cây lúa trên các trà vụ đông xuân năm nay có xu hướng chậm hơn so cùng kỳ năm ngoài khoảng 5 - 7 ngày. Cụ thể, trà lúa sớm trỗ từ ngày 1 - 10/5, trà chính trỗ từ 10 - 20/5, và trà muộn vào tuần cuối tháng 5/2022.

"Công tác phòng, chống dịch hại phải ứng biến linh hoạt với thời vụ. Bên cạnh kinh nghiệm sẵn có, địa phương cần đặc biệt lưu ý đến những thay đổi của thời tiết để đưa ra chỉ đạo sát thực tiễn", Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương lưu ý.

Vụ đông xuân 2020 - 2021, lúa tại hầu hết các tỉnh phía Bắc được thời tiết ưu ái, sinh trưởng và phát triển thuận lợi. Năng suất, sản lượng, chất lượng tại một số tỉnh dự kiến đạt mức khá so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một số tỉnh thuộc Bắc Trung bộ như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế còn nguy cơ bùng phát bệnh đạo ôn cổ bông cuối vụ.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, ông Nguyễn Sinh Tiến về tình hình sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định, ông Nguyễn Sinh Tiến về tình hình sản xuất vụ đông xuân 2021 - 2022. Ảnh: Bảo Thắng.

Điểm thuận của vụ đông xuân 2021 - 2022 là các đối tượng dịch hại phát sinh muộn hơn, quy mô gây hại thấp hơn so với cùng kỳ vụ trước. 

Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Nam Định cho biết, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 sẽ nở rộ từ ngày 3 - 8/5, mật độ sâu phổ biến 20 - 30 con/m2. Đây được dự báo là lứa sâu gây hại chính trong vụ, phân bố không đồng đều giữa các trà lúa và gây hại trực tiếp tới bộ lá đòng của cây lúa.

Ngoài ra, rầy lứa 2 sẽ nở rộ trùng với thời điểm sâu cuốn lá nở rộ, dự kiến mật độ phổ biến 200 - 500 con/m2, và tập trung chủ yếu ở các huyện phía nam của tỉnh. Mức độ gây hại dự kiến thấp hơn vụ đông xuân 2020 - 2021.

Ông Vũ Khắc Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV Ninh Bình cho biết, tổng diện tích nhiễm các đối tượng sinh vật hại trên địa bàn vụ đông xuân này khoảng 2.187 ha, bằng 52,7% so với năm 2021. Đặc biệt, diện tích nhiễm nặng trên toàn tỉnh là 16,4 ha, bằng 5,2% so với vụ trước.

Các đối tượng dịch hại từ đầu vụ đến nay như: Bệnh khô vằn, ốc bươu vàng, chuột, bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng... chỉ tương đương hoặc thấp hơn vụ đông xuân 2020 - 2021.

Từ nay tới cuối vụ, các địa phương cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, đề phòng nguy cơ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, nhất là trên các giống nhiễm. Ảnh: Bảo Thắng.

Từ nay tới cuối vụ, các địa phương cần tiếp tục bám sát đồng ruộng, đề phòng nguy cơ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, nhất là trên các giống nhiễm. Ảnh: Bảo Thắng.

Qua báo cáo trên, cộng thêm nhận định lúa tại các địa phương trỗ tập trung vào trung tuần tháng 5/2022, Phó Cục trưởng Nguyễn Quý Dương phân tích: "Lúa trỗ tập trung nhiều khả năng trùng thời điểm nắng lên. Với nền nhiệt cao, bệnh đạo ôn không quá đáng ngại".

Trước mắt, lãnh đạo Cục BVTV khuyến cáo địa phương bám sát đợt cao điểm phòng trừ dịch hại, dự kiến diễn ra từ ngày 3 - 8/5. Nếu ra quân đồng bộ, quyết liệt, bà con nông dân sẽ kiểm soát được lứa sâu gây hại chính vụ này.

Bên cạnh năng suất, chất lượng vụ đông xuân năm nay ở phía Bắc ở mức khá, nhưng ông Dương, chi phí cho phun thuốc BVTV vụ đông xuân năm nay cũng thấp hơn do mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại ít hơn năm ngoái. Nông dân cũng đã được tập huấn, nâng cao nhận thức về những phương pháp canh tác tốt như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng"...

Sau đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Cục BVTV sẽ tiếp tục kiểm tra công tác phòng, trừ dịch hại tại các địa phương. 

Phó Cục trưởng Cục BVTV Nguyễn Quý Dương đề nghị người dân và các địa phương lên sẵn nhiều kịch bản ứng phó với nguy cơ sâu bệnh hại lúa đông xuân từ nay đến cuối vụ.

Với bệnh đạo ôn cổ bông, cần chủ động chỉ đạo phun phòng bệnh; đặc biệt quan tâm đến những diện tích lúa trỗ cuối tháng 4, nhất là trên những giống nhiễm.

Với sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân, các tỉnh, thành phố phải tổ chức điều tra, bám sát diễn biến để chọn thời gian thích hợp tổ chức phòng trừ phù hợp, hiệu quả. Tránh chủ quan, lơ là vì nguồn sâu bệnh đầu vụ thấp, thời gian phát sinh muộn hơn so cùng kỳ năm trước.

Với rầy nâu, rầy lưng trắng, bà con bám sát đồng ruộng, tổ chức phòng trừ tốt rầy lứa 2 để giảm áp lực rầy lứa 3. Tiếp tục giám sát chặt chẽ virus lùn sọc đen trên rầy và trên lúa đông xuân để chủ động quản lý bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa ngay từ đầu vụ.

Xem thêm
Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị

Sáng 19/4, đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Môi trường do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại tỉnh Bình Phước.

Hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó và 50% bệnh viêm da nổi cục

QUẢNG BÌNH Trong 2025, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) tiếp tục bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 100% kinh phí tiêm vacxin dại chó, 50% vacxin viêm da nổi cục và tụ huyết trùng trâu, bò.

Tổ khuyến nông cộng đồng 'gần dân, sát ruộng, am hiểu thực tiễn'

TRÀ VINH Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, khuyến nông cộng đồng, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ruộng đồng nứt nẻ, nguy cơ hạn hán diện rộng tại Bắc Kạn

Bắc Kạn Nhiều cánh đồng tại tỉnh Bắc Kạn không có nước, mặt đất nứt nẻ, người nông dân không thể trồng cấy, nếu không có mưa sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất.

Lúa khỏe, người khỏe, chi phí giảm nhờ drone

Nông dân ngày nay có thể kiểm soát dịch hại từ xa bằng drone, vừa giảm công lao động, tăng hiệu quả, hạn chế rủi ro về sức khỏe và ô nhiễm môi trường.

Nửa tấn cá thả xuống sông Cầu Phủ tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hà Tĩnh Các loài cá truyền thống như trắm, trôi, mè, chép, cá lóc, cá trê… vừa được thả xuống sông Cầu Phủ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Uông Bí tăng cường quản lý, bảo vệ rừng, phát triển lâm nghiệp bền vững

QUẢNG NINH Năm 2025, TP Uông Bí đặt mục tiêu trồng mới 2.000 ha rừng, trong đó 101 ha là rừng cây gỗ lớn, bản địa.