| Hotline: 0983.970.780

Rùng mình từ thủ phủ dược liệu

Thứ Tư 30/06/2010 , 08:57 (GMT+7)

Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) là nơi cung cấp nguồn thuốc bắc, thuốc nam lớn nhất cho thị trường nội địa và cả xuất khẩu... Nhưng cách thức mà người dân dùng để sấy dược liệu ở đây khiến người ta rùng mình..

Được mệnh danh là thủ phủ của dược liệu với số lượng ước cả vài ngàn tấn/năm, Bình Minh (Khoái Châu, Hưng Yên) cung cấp nguồn thuốc bắc, thuốc nam lớn nhất cho thị trường nội địa và cả xuất khẩu với đủ các mặt hàng tinh dầu bạc hà, ngưu tất, địa liền đến hoài sơn, bạch chỉ... Nhưng cách thức mà người dân dùng để sấy dược liệu ở đây khiến người ta rùng mình..

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng thôn Thiết Trụ, cho hay: “Khi tôi lớn lên nghề chế biến dược liệu đã có rồi. Trước ông cha chúng tôi sấy với quy mô nhỏ lắm, xuất cho các ông lang mỗi lần chừng 5-10kg. Giờ dân làng toàn đánh hàng tấn đưa đi Trung Quốc, đưa xuống phố Thuốc Bắc ở Hà Nội đưa cả vào trong Nam”.

Ước tính thôn Thiết Trụ chừng vài chục hộ sấy hoài sơn và các loại dược liệu khác với công suất rất lớn, mỗi ngày 1-3 tấn/hộ. Mấy năm trước những hộ này thường quây cót sấy ở trong vườn. Mỗi cót khoảng 4 tạ sản phẩm tươi cần dùng 6 kg lưu huỳnh để sấy, sau ô nhiễm quá, dân làng phản đối rầm rầm giờ phải chuyển ra ngoài đê và rìa làng. Quy mô sản xuất giờ cũng rất lớn, họ ít còn quây cót mà đổ cả ô tô xuống nền vải bạt, làm lò gạch xông lưu huỳnh ở giữa, trên cùng phủ bạt để sấy.

Cả một triền đê toàn lò dược liệu

Sinh nghề tử nghiệp. Hậu quả của việc xông lưu huỳnh, tích tụ từng ngày. Thôn có ít nhất 3-4 trường hợp bị nghi liên quan đến sấy dược liệu sinh ung thư, còn những bệnh ho hen, hô hấp thường xuyên như cơm bữa. Lượng lưu huỳnh rửa trôi xuống ao hồ, ngấm xuống nước ngầm theo năm tháng cũng không thể đong đếm nổi. “Trừ mỗi cây bạc hà tinh dầu chưng cất là sạch, còn lại đều phải dùng lưu huỳnh để xông hết. Ông Phụ xóm 1, ông Tuynh, ông Hiền xóm 2, xóm 3 có ông Chiến, ông Thọ… lén lút đốt sấy ở trong khu dân cư, mỗi lần thôn phạt 300.000đ họ dạt đốt ra ngoài, một thời gian sau lại chạy vào đốt trong ngõ xóm, đất lưu không”, trưởng thôn Kiên bộc bạch.

"Diện tích trồng lúa ở thôn cơ bản đã xóa sạch 7 năm qua, tất cả hầu như sống bằng nghề dược liệu dù họ biết làm nghề sử dụng nhiều hóa chất là độc hại, cũng muốn tìm một nghề bền vững với môi trường, có thị trường và có hàm lượng chất xám nhưng chưa thể có được", lời trưởng thôn Thiết Trụ.

Hàng tháng, những chiếc ô tô chở lưu huỳnh về chạy rầm rầm trên đường đê Bình Minh. Có hai loại lưu huỳnh được dân Bình Minh ưa chuộng là loại cục và loại “trứng nhện” (bé, tròn như cái trứng nhện - PV). Nhà ông trưởng thôn làm địa liền, hoài sơn nhiều nên nắm rất rõ từng ngóc ngách của nghề. Ông Kiên bảo, đất làng chật nên phải thuê 5 mẫu bãi ở Văn Giang để trồng dược liệu và chế biến luôn dược liệu ở đó.

Ở Thiết Trụ cũng có khoảng 120 hộ thuê đất nơi khác để trồng và chế biến dược liệu giống như nhà ông trưởng thôn. Công thức sấy phổ biến là hoài sơn 1 tạ tươi dùng 3-3,5 kg lưu huỳnh. Địa liền 1 tạ dùng 2 kg lưu huỳnh. Ngưu tất 1 tạ tươi dùng 1-1,5 kg lưu huỳnh. Cũng tuỳ từng loại dược liệu củ nhỏ, to mà đốt tốn nhiều hay ít lưu huỳnh vì độ thẩm thấu của chúng khác nhau.

Ông Đỗ Thanh Hùng - một hộ sản xuất dạng trung bình trong thôn Thiết Trụ chuyên trồng dược liệu kiêm thu gom để chế biến. Mùa đông, mặt hàng chủ lực nhà ông là địa liền, mùa hè sơ chế hàng rừng - tức hàng dược liệu có nguồn gốc trên miền núi phía Bắc như thảo quả, xuyên khung, hà thủ ô...

Xưởng nhà ông Hùng có 10 lao động, mỗi tháng trung bình chế biến 30 tấn hàng tươi. Ông mô tả chi tiết quy trình “bắn diêm vàng” (lưu huỳnh) như sau: “Cứ 4 lạng diêm vàng làm một mồi, bỏ vào chậu nhôm hoặc bát to, đem đốt. Cứ cháy âm ỉ, hết lại thay một mồi khác, liên lục trong 1 đêm thì xông xong, đem rửa, thái rồi cho vào sấy than trong 1 ngày 1 đêm là được. Một mẻ ra lò cỡ 1 tấn thành phẩm. Một tháng lại phải bắn diêm một lần nhưng nếu trời ẩm có khi chỉ nửa tháng hoặc 10 ngày là phải bắn diêm không mốc xì mốc xịt ngay”. Theo ông Hùng tiết lộ, những dược liệu hàng rừng như thảo quả, xuyên khung, hà thủ ô được đồng bào dân tộc bảo quản bằng cách gác bếp, xông khói nhưng khi “hạ sơn”, không có điều kiện gác bếp đã đành cộng với khí hậu ẩm ướt nên rất dễ mốc, đều phải bắn diêm vàng hết lượt.

"Diêm trứng"

Khác với mức độ thường thường bậc trung như của trưởng thôn Kiên, của ông Hùng, quy mô của xưởng chế biến dược của chị Nguyễn Thị Thịnh xứng vào trùm của mọi bà trùm. Hàng chục năm qua, bà trùm Thịnh nổi danh là một đại lý dược liệu cỡ bự, chuyên thầu mua hàng khô của các đại lý trong làng rồi bán lại cho những đầu mối lớn ở trong, ngoài nước. Đã quen đường đi, nước bước, muốn mua tận gốc, bán tận ngọn, năm nay, bà Trùm Thịnh trực tiếp mua gom hàng dược liệu ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Ninh Bình về để chế biến.

Hàng hoài sơn tươi (củ mài - PV) giá nhập vào từ 7-10.000đ/kg tùy kích thước to nhỏ, về cạo vỏ, đốt diêm trong 3 ngày rồi bỏ ra phơi. “Mỗi quây 1 tấn củ tươi mỗi ngày tiếp 2 lần diêm, mỗi lần 1,5kg, vị chi là cỡ 9 -10kg diêm cho cả quá trình. Mồi diêm được làm từ cả diêm cục lẫn diêm hạt để cho vừa dễ cháy vừa có hiệu quả kinh tế. Anh cứ hình dung mồi diêm như một chiếc đèn dầu, diêm hạt là cái bấc còn diêm cục là dầu thì hiểu ngay thôi. Xong công đoạn xông diêm, dược liệu được bỏ ra phơi trong 5-6 ngày cho thật khô rồi cất đi. Từ tháng 8 đến giờ, xưởng nhà tôi chế biến hàng trăm tấn tươi”.

Tãi dược liệu ra phơi

Tôi theo ông trưởng thôn và chị Thịnh ra triền đê, nơi có hàng chục lò sấy của chị cùng hàng trăm lò sấy của dân làng đang ngùn ngụt tỏa khói. Người xúm lại quây cót sấy, kẻ lại tíu tít đánh đống củ trên vải bạt sấy. Những cái cót khổng lồ chứa tới một tấn dược liệu tươi được khoét một lỗ hình vuông để nhét khay mồi lưu huỳnh vào rồi trùm nilon kín mít bên trên để loại khí độc đó ám thật sâu vào thuốc. Cạnh đó, những khay nhôm to méo xệch, méo xoạc, đen nhẻm nằm lăn lông lốc. Đó là các khay mồi diêm sinh, khi đốt hết, diêm bám chặt vào đặc quánh như lớp nhựa đường khiến người ta phải gõ cho ra hết, gõ đến khi không còn chiếc khay nào lành lặn mới thôi. Mở một bao tải lớn dựng gần đó, bốc lên một nắm cục vàng tươi, to như hạt đậu tương, có mùi hăng hắc, ông Kiên bảo với tôi đó chính là loại “diêm trứng”.

Càng tới gần dãy lò, cổ họng tôi như bị ai đó bịt kín. Khó thở đến ho sặc sụa. Nước mắt, nước mũi nhỏ ròng ròng. Cố gắng bịt mũi, tôi loạng choạng tiến lên nhờ ông Kiên mở một tấm trùm nilon trên cót ra để quan sát cho thật kỹ, nhưng ông lắc đầu quầy quậy: “Mở ra, không chịu nổi mùi đâu, mới tới gần mà đã phát ho, phát hen rồi”. Sát bên những cái lò vẫn đang nghi ngút hơi, đám người làm của chị Thịnh miệt mài tãi những củ hoài sơn vừa ra khỏi lò đem phơi trên những tấm vải bạt lớn ngay vệ đê. Những củ hoài sơn mềm nhũn, trơn tuột trên tay.

Xem thêm
Tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng'

Việc tăng thuế thuốc lá cao và tăng thường xuyên là 'chính sách cùng thắng', trong bảo vệ sức khỏe người dân và trong tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Đọc nhiều nhất