Theo đó, khu vực tại tỉnh Đồng Tháp cũ có các bến cảng trên sông Tiền gồm: Sa Đéc, Cao Lãnh, Xăng dầu Đồng Tháp, Thường Phước; Lấp Vò (trên sông Hậu) và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Mục tiêu đến năm 2030 có sản lượng hàng hóa từ 2-2,4 triệu tấn và từ 54,2 nghìn đến 58,1 nghìn lượt khách.
Về kết cầu hạ tầng, có tổng số từ 6 bến cảng bao gồm từ 8-9 cầu cảng với tổng chiều dài từ 766-916 m. Tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục phát triển các bến cảng mới đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,5-6,1 %/năm.

Khu vực bờ biển Gò Công, tỉnh Đồng Tháp có tổng số 5 bến cảng. Ảnh: Thanh Bạch.
Riêng đối với khu vực tỉnh Tiền Giang cũ có các khu bến Gò Công, Mỹ Tho; các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.
Trong đó, khu bến Gò Công có sản lượng hàng hóa từ 4,5-5,9 triệu tấn; hành khách từ 49,6-56,3 nghìn lượt khách. Có tổng số 5 bến cảng gồm từ 12-13 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.945-2.245 m.
Khu bến Mỹ Tho hàng hóa thông qua từ 0,58-0,65 triệu tấn. Bến cảng Mỹ Tho có 3 cầu cảng tổng hợp, container, hàng rời, lỏng/khí với tổng chiều dài 220 m, tiếp nhận tàu trọng tải đến 5 nghìn tấn, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa từ 0,58-0,65 triệu tấn.
Đồng thời, các bến phao khu chuyển tải tại khu vực sông Soài Rạp là kết cấu hạ tầng cảng biển tạm thời khai thác với quy mô đã được chấp thuận thiết lập. Từng bước di dời, giải tỏa phù hợp với lộ trình đầu tư xây dựng các bến cảng thay thế và các quy hoạch có liên quan.
Ngoài ra, còn có các khu neo chờ, tránh, trú bão tại sông Tiền tiếp nhận tàu trọng tải đến 5 nghìn tấn, thiết lập các khu neo chờ, tránh, trú bão khu vực khác khi có đủ điều kiện.
Đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch khoảng 610 ha, nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 32.872 ha, nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển là khoảng hơn 5 nghìn tỷ đồng gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng.