| Hotline: 0983.970.780

Nghị quyết 68-NQ/TW - Kiến tạo đường băng cho nông nghiệp cất cánh

[Bài 5]: Gợi mở cho kinh tế tư nhân Việt Nam

Thứ Sáu 11/07/2025 , 13:47 (GMT+7)

Bên cạnh chính sách, nền nông nghiệp của một số quốc gia đã cất cánh nhờ biết đặt doanh nghiệp tư nhân làm hạt nhân kiến tạo chuỗi giá trị.

Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác lập rõ định hướng: Phát triển kinh tế tư nhân là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, gắn với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Nhưng để tư nhân thực sự phát triển hiệu quả trong nông nghiệp, một lĩnh vực đặc thù và nhiều rủi ro, điều kiện tiên quyết không nằm ở việc “có hỗ trợ hay không”, mà ở việc “ai sẽ giữ vai trung tâm”.

Bài học kiến tạo nhìn từ thế giới

Thái Lan và Hà Lan, hai quốc gia cách xa về mặt địa lý, đã vươn mình trong lĩnh vực nông nghiệp mà không nhờ vào các cuộc can thiệp sâu rộng của chính quyền. Thay vào đó, Nhà nước rút lui đúng lúc, đóng vai trò kiến tạo để doanh nghiệp làm chủ sân khấu, trở thành trung tâm sáng tạo của hệ sinh thái nông nghiệp.

Royal FloraHolland vươn mình trở thành sàn đấu giá hoa lớn bậc nhất thế giới. Ảnh: Atlas Obscura.

Royal FloraHolland vươn mình trở thành sàn đấu giá hoa lớn bậc nhất thế giới. Ảnh: Atlas Obscura.

Tại Thái Lan, quốc gia có cùng lợi thế nông nghiệp nhiệt đới như Việt Nam, tư duy phát triển đã có sự dịch chuyển sâu sắc: Từ mô hình “nhà nước quản lý - doanh nghiệp thực thi” sang “doanh nghiệp kiến tạo - nhà nước đồng hành - thị trường dẫn dắt”.

Đầu năm 2025, khi Trung Quốc bất ngờ siết kiểm tra kỹ thuật đối với sầu riêng nhập khẩu, thay vì phản ứng thụ động, Chính phủ Thái Lan đã thành lập tổ công tác liên bộ, làm cầu nối giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng Trung Quốc. Nhưng quan trọng hơn cả, chính các doanh nghiệp đã chủ động đi trước một bước: Đầu tư vào chiếu xạ, vùng trồng, mã số truy xuất và tiêu chuẩn hóa chuỗi giá trị.

Queen Frozen Fruit chi hơn 13 triệu USD xây trung tâm chiếu xạ hiện đại tại Chanthaburi, nơi tập trung hơn 70% sản lượng sầu riêng xuất khẩu của Thái. Doanh nghiệp này còn chủ động xây dựng bộ quy chuẩn thực hành sản xuất, gửi lên Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã thẩm định, từ đó trở thành nền tảng tiêu chuẩn mới cho ngành trái cây Thái Lan. Chính sự chủ động này đã giúp sầu riêng Thái giữ vững thị phần ngay cả khi Trung Quốc thay đổi luật chơi.

Vai trò của Nhà nước trong mô hình này không phải là người chỉ đạo, mà là người “gỡ nút thắt thể chế”. Từng bước một, Chính phủ Thái Lan góp sức trong việc đưa chuyên gia kiểm dịch sang đàm phán, tạo điều kiện cho truyền thông quốc tế hiểu đúng chất lượng sản phẩm. Nhưng việc đầu tư hạ tầng, đào tạo kỹ thuật, kiểm soát chất lượng đều do doanh nghiệp đảm nhận.

Sự phân vai rạch ròi này đã tạo ra một cấu trúc minh bạch, giúp doanh nghiệp trưởng thành, còn Nhà nước tập trung làm tốt vai trò bảo vệ thị trường, chuẩn hóa thể chế, và thiết kế không gian chính sách dài hạn. Đây là bước chuyển từ tư duy hỗ trợ sang tư duy đồng kiến tạo, một chuyển động quan trọng để đưa nông nghiệp Thái Lan vượt khỏi biên giới ASEAN.

Nếu Thái Lan cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất, thì Hà Lan đi xa hơn. Doanh nghiệp tư nhân trở thành kiến trúc sư toàn bộ hệ sinh thái nông nghiệp, tích hợp logistics, khoa học và thị trường thành một chuỗi vận hành khép kín.

Dù chỉ có diện tích tương đương Đồng bằng sông Hồng, quốc gia châu Âu nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Thành công này không đến từ quy mô, mà từ một hệ sinh thái tích hợp, nơi logistics, nghiên cứu, chế biến và thương mại điện tử liên kết theo mô hình “agro-logistics”.

Tại vùng Greenport West-Holland, hàng nghìn nông hộ nhỏ liên kết với các trung tâm logistics lạnh, kho bảo quản, nhà máy chế biến và nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tất cả đều do doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt và điều phối.

Tiêu biểu là Royal FloraHolland, sàn đấu giá hoa lớn nhất thế giới. Đây là một HTX tư nhân, nơi các doanh nghiệp không chỉ buôn bán, mà còn đầu tư nghiên cứu giống, phát triển công nghệ bảo quản và chuỗi vận chuyển carbon thấp.

Chính phủ Hà Lan không can thiệp vào quản trị thị trường, thay vào đó hỗ trợ nền tảng khoa học và tài chính. Các trường đại học có chuyên ngành nông nghiệp như Wageningen kết nối với doanh nghiệp lớn như Unilever, FrieslandCampina thông qua “tam giác tri thức”: Nhà nước - nhà nghiên cứu - nhà kinh doanh.

Khi doanh nghiệp đầu tư công nghệ xanh, họ được hỗ trợ, tiếp cận tín dụng ưu đãi từ ngân hàng thương mại. Nhà nước không tài trợ trực tiếp cho các yếu tố đầu vào, mà tập trung kiến tạo hành lang chính sách, đảm bảo rằng nếu doanh nghiệp dám sáng tạo, họ sẽ không bị bỏ lại phía sau.

Doanh nghiệp dẫn đường, Nhà nước đồng hành

Bài học chung từ hai mô hình, dù địa lý khác biệt, là doanh nghiệp không chờ đợi chính sách, mà định hình chính sách bằng hành động.

Với Việt Nam, Nghị quyết 68-NQ/TW đã mở ra không gian cải cách để tư nhân đóng vai trò dẫn dắt. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở hỗ trợ đầu vào như vốn, giống, phân bón mà thiếu cấu trúc kết nối toàn chuỗi, thì nông nghiệp sẽ mãi manh mún. Còn doanh nghiệp vẫn chỉ là người thực hiện, không thể trở thành chủ nhân kiến tạo.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Phan Trọng Nhân.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Phan Trọng Nhân.

Trong thực tế, Việt Nam không thiếu các doanh nghiệp đầu tàu: Tập đoàn TH đã biến vùng đất nghèo Nghĩa Đàn thành thủ phủ sữa công nghệ cao; Tập đoàn Lộc Trời phát triển chuỗi liên kết lúa gạo bền vững và truy xuất minh bạch... Và đó là dư địa cho thế hệ doanh nghiệp tư nhân mới, những hạt nhân sáng tạo, những nhà tổ chức chuỗi giá trị có khả năng gắn sản xuất với khoa học, chế biến với thị trường và nông dân với toàn cầu. Nhưng họ vẫn đang “bơi ngược dòng” trong một hệ sinh thái chưa được tích hợp: Logistics rời rạc, tín dụng nông nghiệp chưa chuyên biệt, chính sách vùng, ngành thiếu kết nối.

Từ kinh nghiệm của các quốc gia có thế mạnh nông nghiệp có thể thấy, muốn tạo ra một thế hệ tư nhân dẫn dắt nông nghiệp, Nhà nước cần gỡ rào cản thể chế, tích hợp chính sách vùng – ngành - thị trường, và bảo vệ không gian sáng tạo khỏi rủi ro thị trường bất định. Ở đó, thay vì ưu đãi đầu tư riêng lẻ, cần quy hoạch cụm logistics - chế biến - tín dụng nông nghiệp. Thay vì kiểm soát nền sản xuất manh mún, cần có những chính sách thúc đẩy chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng và hệ thống truy xuất số hóa; thay vì xúc tiến thị trường rải rác, cần kết nối thị trường với doanh nghiệp dẫn dắt thông qua các cụm sản xuất - chế biến.

Trong một hệ sinh thái lý tưởng, chính sách không chỉ là chiếc chìa khóa mở cửa thị trường, mà còn là nền móng để doanh nghiệp xây dựng tầm nhìn dài hạn. Và để tạo ra hệ sinh thái đó, cần một Nhà nước luôn hỗ trợ phía sau, đồng hành và bảo vệ. Nghị quyết 68-NQ/TW sẽ không thể trở thành chất xúc tác nếu vẫn duy trì cách tiếp cận cũ: Coi tư nhân là người đi sau chính sách, chờ đợi định hướng từ trên xuống.

Nông nghiệp, mảnh đất được xem là dễ ươm mầm nhất cho các "hạt giống" của Nghị quyết 68-NQ/TW, hơn lúc nào hết đang ngóng từng ngày, từng giờ để tận thấy quyết tâm chính trị này đi vào cuộc sống. Bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng giám đốc PAN Group thừa nhận, nông nghiệp vẫn còn nhiều rủi ro, gieo hạt hôm nay, không chắc có ngày thu hoạch, chế biến xong chưa chắc xuất khẩu được sang cho bạn hàng nhưng vẫn cam đoan: “Khi có niềm tin, chúng tôi dám chơi cuộc chơi lớn hơn”.

Niềm tin ấy, với giới doanh nghiệp phải được vun đắp từ thể chế. Nhà nước cần thực sự kiến tạo một hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng thành công, nơi những "hạt giống" mới yên tâm đầu tư dài hạn, kiên trì đổi mới và tự tin bước ra thị trường quốc tế. Chính sách “cởi trói” cần được xem là điểm khởi đầu cho một tầm nhìn dài hạn, nơi những doanh nghiệp dám vượt ra khỏi lối mòn sẽ được tiếp sức bằng niềm tin và cơ hội thực chất.

Những ý tưởng hôm nay có thể đặt nền móng cho nhiều 'TH' trong tương lai. Ảnh: Tùng Đinh.

Những ý tưởng hôm nay có thể đặt nền móng cho nhiều "TH" trong tương lai. Ảnh: Tùng Đinh.

Những người có thể viết lại tương lai cho nông nghiệp Việt Nam sẽ không chờ được chỉ định. Họ cần được phát hiện, trao quyền và đồng hành. Khi đó, kinh tế tư nhân mới thật sự vươn mình thành động lực phát triển, đưa nông nghiệp Việt thoát khỏi giới hạn truyền thống, và từng bước ghi tên mình trên bản đồ giá trị toàn cầu. Nghị quyết 68 sẽ chỉ có ý nghĩa nếu được thực hiện bằng một tinh thần mới, để những hạt giống tư nhân vươn lên từ đồng đất Việt.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su vào EU: Cuộc đua minh bạch chuỗi cung từ hộ tiểu điền

Việt Nam đối mặt sức ép từ quy định EUDR, buộc ngành phải minh bạch chuỗi cung ứng, đặc biệt là nhóm tiểu điền vốn còn thiếu dữ liệu và pháp lý.

Bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích kép cho người lao động và doanh nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp không chỉ là ‘bệ đỡ’ an sinh cho người lao động lúc mất việc mà còn hỗ trợ doanh nghiệp khi gặp khó khăn.

Thu thuế thương mại điện tử tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ 2024

5 tháng đầu năm, thuế thu từ kinh tế số đạt gần 75.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục, phản ánh chuyển động mạnh trong giám sát dòng tiền trực tuyến.

Bình luận mới nhất