Phải phân loại chất thải phát sinh từ quá trình phục hồi môi trường
Theo Thông tư số 41/2025/TT-BNNMT, chất thải phát sinh từ quá trình xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải được phân định, phân loại, thu gom, xử lý theo đúng quy định. Quá trình phục hồi môi trường sau sự cố môi trường phải bảo đảm đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh theo quy định và ưu tiên phục hồi các thành phần môi trường sau sự cố bằng các giải pháp, kỹ thuật, công nghệ thân thiện môi trường.

Sự cố môi trường tràn dầu trên biển. Ảnh: thuvienphapluat.vn.
Ngoài ra, căn cứ tính chất, đặc điểm của khu vực ô nhiễm môi trường do sự cố chất thải, việc phục hồi môi trường có thể được thực hiện theo cách tiếp cận phục hồi cho từng thành phần môi trường bị ảnh hưởng như: Phục hồi môi trường không khí; phục hồi môi trường nước mặt; phục hồi môi trường nước dưới đất; phục hồi môi trường đất.
Và, căn cứ thành phần môi trường bị ô nhiễm do sự cố chất thải để lựa chọn phương pháp, kỹ thuật như: Phương pháp vật lý, cơ học; phương pháp nhiệt; phương pháp hóa học; phương pháp sinh học (thiếu khí, hiếu khí, kỵ khí) hoặc các hương pháp khác.
Bên cạnh đó, chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố chất thải và các cơ quan liên quan lựa chọn, xác định các giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường trong kế hoạch phục hồi môi trường. Ưu tiên các giải pháp công nghệ thân thiện môi trường theo hướng kinh tế tuần hoàn nhằm tái sử dụng chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình phục hồi.
Khu vực được phục hồi môi trường phải được giám sát, quan trắc
Theo Thông tư trên, nội dung kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố môi trường bảo đảm đầy đủ các thông tin như: Mô tả, đánh giá hiện trạng môi trường sau sự cố gồm mức độ, phạm vi, tính chất ô nhiễm môi trường của từng khu vực, hiện trạng môi trường, mặt bằng, hệ sinh thái trước khi có sự cố môi trường (nếu có), yêu cầu xử lý môi trường theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng môi trường xung quanh, khôi phục mặt bằng, phục hồi một số đặc điểm chính của hệ sinh thái; các giải pháp phục hồi môi trường, phân tích, đánh giá, lựa chọn giải pháp tốt nhất để cải tạo, phục hồi môi trường; danh mục, khối lượng các hạng mục phục hồi môi trường đối với giải pháp lựa chọn; kế hoạch thực hiện, phân chia kế hoạch thực hiện theo từng giai đoạn phục hồi môi trường; chương trình quản lý, quan trắc, giám sát trong thời gian phục hồi môi trường; kế hoạch nghiệm thu kết quả phục hồi môi trường.

Diễn tập tình huống giả định cháy tàu biển. Ảnh: yeumoitruong.vn.
Ngoài ra, việc kiểm tra, giám sát, nghiệm thu hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố môi trường thực hiện theo quy định Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT và Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Khi đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường có trách nhiệm lập báo cáo kết quả hoàn thành kế hoạch phục hồi môi trường gửi cơ quan phê duyệt kế hoạch sau khi đã hoàn thành toàn bộ các nội dung, yêu cầu của kế hoạch.
Đồng thời, chủ dự án đầu tư, cơ sở gây ra sự cố chất thải có trách nhiệm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi môi trường sau sự cố môi trường trong phạm vi cơ sở theo quy định. Và khu vực được phục hồi môi trường phải được giám sát, quan trắc theo quy định.