Khẩn trương hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề...
Để khắc phục tình trạng này và thiết lập trật tự, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về môi trường, hướng tới phát triển bền vững, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, kiểm điểm tiến độ, kết quả thực hiện các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng thời, đề xuất chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc đối với các nhiệm vụ chưa triển khai, chậm tiến độ, để kéo dài, đặc biệt là các nhiệm vụ trực tiếp giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, giao rõ thời hạn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, không để chậm trễ, kéo dài, lãng phí (hoàn thành trong quý III/2025).

Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ rõ một số nhiệm vụ cấp bách ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc Việt.
Tiếp tục tham mưu, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá để tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm giải quyết kịp thời, có hiệu quả các vấn đề môi trường cấp bách, nhất là ô nhiễm môi trường tại các đô thị, làng nghề, lưu vực sông và hệ thống thủy lợi; trong đó, tham mưu sửa đổi, bổ sung nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường theo hướng tăng mức phạt, bổ sung thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về môi trường cho các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phù hợp với mô hình chính quyền mới và thẩm quyền của lực lượng Công an nhân dân trong xử phạt tất cả các vi phạm hành chính về môi trường, bổ sung các biện pháp xử lý, cưỡng chế thi hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia, tích hợp, đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia. Trước mắt, tập trung hoàn thiện cơ sở dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguồn thải lớn, chất lượng môi trường tại các đô thị lớn, kết nối, chia sẻ với Bộ Công an để phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (hoàn thành trong năm 2025).
Cùng với đó, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường. Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách về thuế, phí bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật có liên quan nhằm huy động nguồn kinh phí đầu tư cho công tác phục hồi môi trường, khắc phục ô nhiễm môi trường (hoàn thành trong quý IV/2025).
Xây dựng cơ sở dữ liệu làm căn cứ xử lý tội phạm môi trường
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương liên quan tích hợp dữ liệu xử lý vi phạm hành chính thuộc phạm vi và thẩm quyền quản lý, tích hợp đồng bộ vào Trung tâm dữ liệu quốc gia và kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác để phục vụ có hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường (hoàn thành trong năm 2025).

Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính làm cơ sở xửu lý tội phạm môi trường. Ảnh: Tùng Dương.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường, bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương và địa phương.