| Hotline: 0983.970.780

Dự án khu nhà ở CIRI 'biến' thành kho xưởng cho thuê

Thứ Sáu 18/07/2025 , 06:38 (GMT+7)

Gần 2,8 ha đất Dự án khu nhà ở CIRI đã được Chủ đầu tư ‘biến’ thành dãy kho xưởng trái phép, không đảm bảo an toàn cháy nổ.

Biến tướng đất dự án

Công ty cổ phần Quan hệ quốc tế - đầu tư sản xuất (Công ty CiRi) được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường TP Hà Nội) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng 27.739 m2 đất tại xã Lại Yên, huyện Hoài Đức (nay là xã Sơn Đồng, TP Hà Nội) để xây dựng nhà máy sản xuất động cơ xe mô tô hai bánh vào năm 2005. Thời hạn sử dụng đất đến ngày 5/11/2031

Đến năm 2006, lô đất này được chuyển đổi mục đích thành Xây dựng trung tâm đào tạo lái xe cơ giới, đường bộ. Thời hạn sử dụng được tăng lên đến năm 2051.

Hàng nghìn m2 nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất dự án. Ảnh: Sơn Dũng.

Hàng nghìn m2 nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất dự án. Ảnh: Sơn Dũng.

Tiếp đó, đến năm 2008, lô đất 27.739 m2 của Công ty CIRI lại một lần nữa được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) chuyển đổi, phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 là xây dựng Khu nhà ở CIRI. Nhưng tận 7 năm sau (ngày 10/4/2015), Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội mới chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho Dự án Khu nhà ở CIRI.

Cũng kể từ đó đến nay, Dự án Khu nhà ở CIRI dậm chân tại chỗ, không có dấu hiệu hoạt động triển khai xây dựng. Thay vào đó, dãy kho xưởng có quy mô lớn được mọc lên.

Vào thời điểm ngày 3/5/2024, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức (cũ) đã phát hiện Công ty CIRI tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép, với quy mô vi phạm: 1 nhà xưởng với diện tích khoảng 1.200m2; xây dựng 2 khu (khu 1: đã dựng 40 cột sắt, đổ nền bê tông xây tường gạch xung quanh cao 0,6m, diện tích khoảng 2.500m2; khu 2: đã dựng 36 cột sắt chưa đổ nền bê tông, với diện tích khoảng 2.300m2); dựng 01 lán tạm cho công nhân với diện tích khoảng 143m2; đổ 1 đường bê tông với chiều rộng 4m, chiều dài khoảng 180m.

Ngay sau đó, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức cũng lập Biên bản vi phạm hành chính về xây dựng số 12-01/BB-VPHC đối với Công ty CIRI.

Kho xưởng được cho thuê, vân hành không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Ảnh: Sơn Dũng.

Kho xưởng được cho thuê, vân hành không đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ. Ảnh: Sơn Dũng.

Với những vi phạm này, ngày 20/5/2024 UBND huyện Hoài Đức đã ban hành Quyết định số 2012/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CIRI 130 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Công ty CIRI phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời gian này, nếu công ty không xuất trình được giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm theo quy định.

Nhưng sau khi bị xử phạt, Công ty CIRI đã không chấp hành, mà tiếp tục cho xây dựng công trình nhà xưởng trái phép.

Theo báo cáo số 109/BC-UBND ngày 15/6/2024 của UBND xã Lại Yên, ngày 5/6/2024 cán bộ chuyên môn xã phối hợp với cán bộ Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện, Công an huyện, Phòng Quản lý đô thị Hoài Đức… kiểm tra thì phát hiện Công ty CIRI vẫn đang tiếp tục thi công xây dựng công trình không phép. Tại thời điểm kiểm tra, chủ đầu tư không chấp hành theo Quyết định xử phạt số 2012, quy mô thay đổi so với thời điểm lập hồ sơ vi phạm.

Cụ thể: Khu số 1 đang tiến hành cho các đơn vị vào thuê xưởng; Khu số 2 xây dựng gạch xung quanh cao khoảng 1m, dựng vách tôn, lợp mái tôn vì kèo sắt, diện tích khoảng 2.300 m2, đã đổ nền bê tông; Khu số 3 đã dựng cột sắt, bắn vách tôn, đổ nền bê tông với diện tích 2.300m2; Khu số 4 dựng cột sắt, đổ nền bê tông, diện tích khoảng 1.600 m2; Khu số 5 dựng cột sắt, chưa đổ nền bê tông, diện tích khoảng 1.300 m2

Đến ngày 20/9/2024, sau khi hết thời hạn 90 ngày, Công ty CIRI vẫn không xuất trình được giấy phép xây dựng. Thay vào đó, Công ty CIRI vẫn “bất chấp”, không thực hiện tự giác tháo dỡ, tiếp tục xây dựng thêm kho xưởng tại Khu số 6 (theo Biên bản kiểm tra số 12-52 của Đội Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức).

Như vậy, ngay từ khi dãy kho xưởng này bắt đầu xây dựng, chính quyền UBND huyện Hoài Đức và xã Lại Yên đều nắm rõ. Nhưng, thay vì có biện pháp ngăn chặn cụ thể, UBND huyện Hoài Đức chỉ xử lý vi phạm trên giấy, không quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm. Để dẫn đến dãy nhà xưởng này càng ngày càng biến tướng, mở rộng quy mô.

Tiền vào túi ai?

Ghi nhận nhận của phóng viên vào những ngày đầu tháng 7/2025 tại Dự án Khu nhà ở CIRI cho thấy, gần như toàn bộ diện tích đất xây dựng Khu nhà ở CIRI đã được xây dựng với hệ thống dãy nhà xưởng kiên cố và đưa vào hoạt động. Tại đây, đang được sử dụng làm kho đá, xưởng sản xuất đá xây dựng và kho chứa hàng… Đặc biệt, hệ thống kho xưởng này đều không có biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ theo quy định.

Ai tiếp tay cho loạt kho xưởng trái phép mọc trên đất dự án. Ảnh: Sơn Dũng.

Ai tiếp tay cho loạt kho xưởng trái phép mọc trên đất dự án. Ảnh: Sơn Dũng.

Trong vai người đi thuê kho xưởng, phóng viên được một người tên Tâm, được cho là quản lý kho xưởng tại Khu nhà ở CIRI cho biết tại đây diện tích kho xưởng cho thuê từ 500 đến hơn 1.000m2 với giá 60 nghìn đồng/m2, đóng tiền thuê từ 3 đến 6 tháng một lần và Hợp đồng cho thuê có thời hạn ít nhất là 1 năm. Bên cạnh đó người này khuyến khích nên thuê diện tích lớn, thời gian thuê lâu dài hơn thì có thể thương lượng với giá rẻ hơn.

Việc Công ty CIRI đang cố tình coi thường pháp luật khi không chấp hành theo Quyết định xử phạt số 2012 của UBND huyện Hoài Đức. Mặt khác Công ty này ngang nhiên thách thức pháp luật  khi vẫn xây dựng, mở rộng quy mô kho xưởng trái phép mặc cho chính quyền liên tục ra thông báo yêu cầu tháo dỡ công trình vi phạm.

Đáng nói, dãy kho xưởng quy mô lớn này vẫn hiện hữu gần 1 năm qua, nhưng chính quyền cơ sở vẫn ‘ngó lơ’ để cho vi phạm tiếp diễn. Phải chăng có sự “tiếp tay” cho vi phạm này tồn tại? Câu hỏi này xin gửi lại UBND TP Hà Nội.

Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản xuất (Ciri) tiền thân là Tập đoàn GFS do ông Phạm Thành Công làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành lập năm 1997, trước đó Tập đoàn GFS là đơn vị thành viên của Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8). Năm 2005, khi thực hiện cổ phần hóa, doanh nghiệp lấy tên là Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế - Đầu tư Sản xuất (Công ty Ciri).

Ở thời điểm mới thành lập, Công ty tập trung phát triển lĩnh vực lắp ráp, sản xuất xe máy. Đến năm 2014, khi thị trường bất động sản sôi động Công ty Ciri đầu tư vào một số dự án và từ đó phát triển thành Tập đoàn GFS, trở thành nhà đầu tư bất động sản có tiếng tại Hà Nội.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Ai tiếp tay phá nát quy hoạch Khu đấu giá Tứ Hiệp?

HÀ NỘI Khu đấu giá được quy hoạch gọn gàng nhưng bị điều chỉnh vô tội vạ, xây dựng vượt tầng, sử dụng đất sai mục đích… khiến bộ mặt đô thị nhếch nhác, xộc xệch.

Triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán cồn y tế giả quy mô lớn

Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa liên tiếp triệt phá các đường dây sản xuất, buôn bán cồn y tế giả, kém chất lượng, được tổ chức tiêu thụ ở nhiều địa phương.

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Đọc nhiều nhất

Bình luận mới nhất