Tiêu dùng xanh đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược phát triển bền vững của các đô thị hiện đại. Trong xu thế đó, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đô thị được nhìn nhận như những “người giữ lửa” cho hành vi tiêu dùng có trách nhiệm.
Tại hội thảo “Tiêu dùng xanh và dán nhãn sản phẩm trong lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Hội Nữ trí thức Hà Nội tổ chức sáng ngày 22/4, PGS.TS. Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ Trí thức Hà Nội, nhận định rằng: "Phụ nữ không chỉ là người tiêu dùng chủ yếu mà còn là những người có ảnh hưởng sâu rộng đến quyết định tiêu dùng trong gia đình. Họ có khả năng dẫn dắt xu hướng tiêu dùng, nhất là khi đối mặt với những vấn đề môi trường như ô nhiễm, rác thải nhựa".

PGS.TS. Bùi Thị An cho rằng, phụ nữ không chỉ quyết định phần lớn chi tiêu gia đình mà còn định hướng thói quen tiêu dùng của các thành viên. Ảnh: Hoài Thơ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2024 cho thấy, 63% phụ nữ Việt Nam đang tham gia lực lượng lao động, một tỷ lệ ấn tượng so với mức trung bình thế giới, theo Ngân hàng thế giới (World Bank).
Phụ nữ là những người đóng vai trò quan trọng trong quyết định tiêu dùng của gia đình. Theo nghiên cứu "Gender-Related Beliefs, Norms, and the Link with Green Consumption" (tạm dịch: Niềm tin, chuẩn mực liên quan đến giới và mối liên hệ với tiêu dùng xanh) được công bố vào năm 2021, hành vi tiêu dùng xanh có sự liên quan mật thiết với tính nữ, thể hiện qua các hành động như tiết kiệm năng lượng và giảm lượng carbon.
Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, phụ nữ hiện chi phối 70 - 80% quyết định tiêu dùng toàn cầu. Họ không chỉ là người trực tiếp mua sắm mà còn có ảnh hưởng sâu sắc tới lựa chọn tiêu dùng của cả gia đình. Các khoản chi tiêu lớn của phụ nữ thường tập trung vào nhóm thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, giáo dục, y tế và tiêu dùng hàng ngày.
Thống kê từ năm 2010 - 2020 cho thấy, các hộ có chủ hộ là nữ chi tiêu cao hơn khoảng 18% so với các hộ do nam giới làm chủ, cho thấy vai trò “đầu tàu” của phụ nữ trong chi tiêu và quản lý chất lượng sống.
Điều đáng nói là phụ nữ cũng là người nhạy cảm hơn với các vấn đề sức khỏe và môi trường. Vì vậy, khi phụ nữ lựa chọn sản phẩm xanh, an toàn và có nguồn gốc rõ ràng, họ không chỉ bảo vệ bản thân mà còn định hình thói quen cho người thân, đặc biệt là thế hệ trẻ trong gia đình. Do đó, phụ nữ vừa là người tiêu dùng, vừa là người truyền cảm hứng cho cộng đồng tiêu dùng xanh.

Tiêu dùng xanh không còn là lựa chọn mà là xu hướng tất yếu. Ảnh minh hoạ.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy sự nhầm lẫn phổ biến giữa các loại nhãn xanh. Hàng loạt sản phẩm gắn mác “tự nhiên”, “thân thiện môi trường” nhưng lại thiếu chứng nhận rõ ràng, gây nhiễu loạn thông tin. Tình trạng "greenwashing" (tô vẽ xanh) ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý người tiêu dùng thiếu thông tin, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ mang thai, người cao tuổi hay người tiêu dùng thu nhập thấp.
Trước thực trạng đó, hội thảo đã đưa ra nhiều đề xuất cụ thể nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong tiêu dùng xanh. Một trong những giải pháp trọng tâm là đẩy mạnh truyền thông và giáo dục về kỹ năng nhận diện sản phẩm xanh, phân biệt hàng hóa đạt chuẩn, thông qua các kênh tổ chức như hội phụ nữ, hội tiêu dùng nữ và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
PGS-TS Bùi Thị An nhấn mạnh rằng, truyền thông chỉ thực sự hiệu quả khi đi đôi với trải nghiệm thực tế. "Nói suông thì chưa đủ sức thuyết phục, đồng thời phải tạo cơ hội để phụ nữ trực tiếp tiếp xúc, tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm xanh", bà chia sẻ.
Theo đó, cần thúc đẩy kết nối giữa các hội nhóm phụ nữ với doanh nghiệp sản xuất xanh thông qua các hoạt động như tọa đàm, tham quan, hợp tác, từ đó hình thành chuỗi liên kết “sản xuất – tiêu dùng – lan tỏa xanh” trong cộng đồng.
Ngoài ra, cần trang bị cho phụ nữ khả năng cảnh giác trước các chiến dịch tiếp thị giả mạo, chiêu trò khuyến mãi trá hình như “giải cứu hàng hóa”, “tặng tham quan miễn phí”, “mời tư vấn sức khỏe” nhằm dụ dỗ mua hàng giả, hàng nhái.
Chính sách và luật pháp cũng cần có sự lồng ghép giới, đặc biệt chú trọng tới phụ nữ mang thai, cho con bú, nhằm đảm bảo quyền lợi của họ khi tham gia tiêu dùng thực phẩm, hàng hóa nhạy cảm liên quan đến sức khỏe.
GS-TS.BS Phan Thị Kim, Viện trưởng Viện vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng nhấn mạnh: "Một giải pháp căn cơ là xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về nhãn xanh, có cơ sở dữ liệu tra cứu trực tuyến, tích hợp truy xuất nguồn gốc và mã QR, giúp phụ nữ dễ dàng xác thực sản phẩm trước khi mua".
Đồng thời, bà cho rằng, nhà nước cần siết chặt kiểm soát thị trường, đặc biệt với hình thức bán hàng online, hàng trôi nổi, bán hàng núp bóng các hoạt động cộng đồng. Những hành vi bán hàng giả cho nhóm người yếu thế như phụ nữ mang thai, trẻ em, người bệnh… cần bị xử phạt nặng để đảm bảo công bằng và an toàn tiêu dùng.