Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2022, Việt Nam phải chịu thiệt hại kinh tế lớn do biến đổi khí hậu. Trong đó, phụ nữ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất hạn chế trong việc tiếp cận tài nguyên, tài chính và quá trình ra quyết định, đồng thời phải gánh vác phần lớn công việc chăm sóc không lương.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực ban hành các chính sách nhạy cảm giới trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai, đồng thời tích cực tham gia các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh và bình đẳng giới.

Dự án PWG tạo cơ hội kinh doanh, việc làm bền vững cho lao động nữ và khuyến khích họ tham gia xây dựng chính sách. Ảnh: Oxfam Việt Nam.
Nhấn mạnh vai trò của các tổ chức ngoài công lập trong việc hỗ trợ thực thi hiệu quả các chính sách và thúc đẩy bằng đẳng giới, ông Gonzalo Serrano De La Rosa, Phó ban hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: "Mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa chính phủ và các tổ chức ngoài công lập là điều kiện cần thiết để bảo đảm đáp ứng nhu cầu của cộng đồng thông qua các giải pháp do địa phương dẫn dắt và được thực hiện một cách bền vững".
Giai đoạn tài trợ đầu tiên của dự án tập trung vào việc nâng cao nhận thức, cải thiện sinh kế xanh, việc làm tử tế và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong xây dựng chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai và bảo vệ môi trường.
Để đạt được điều này, PWG sẽ hỗ trợ các tổ chức nhận tài trợ thông qua kết nối và nâng cao năng lực về bình đẳng giới, thích ứng khí hậu và sản xuất bền vững. Dự án cũng thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và tư nhân để tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, từ đó tạo ra việc làm xanh và nâng cao vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển.

Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia Oxfam tại Việt Nam, Trưởng nhóm Dự án PWG chia sẻ về dự án. Ảnh: Minh Hà.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam tại Việt Nam Phạm Quang Tú cho biết: “Việc ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Đặc biệt, sự tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định và hành động vì một nền kinh tế xanh là cần thiết, bởi phụ nữ hiện là lực lượng lao động chủ lực trong cả khu vực chính thức và phi chính thức. Để phụ nữ có thể tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi này, vốn đòi hỏi kiến thức và kỹ năng mới, cần sự hỗ trợ từ nhiều phía. Dự án PWG được triển khai thông qua tham vấn sâu rộng với chính quyền và phụ nữ địa phương, nhằm đảm bảo tính phù hợp với chính sách nhà nước và nhu cầu thực tế.
Đại diện cho tiếng nói của lực lượng lao động nữ, bà Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tại Thành phố Huế đánh giá cao sự phù hợp của dự án với định hướng phát triển bền vững của địa phương, đặc biệt là ở Huế, nơi phát triển dựa trên bảo tồn di sản và du lịch bền vững. Bà cho biết Hội Phụ nữ các cấp đang tích cực tham gia chuẩn bị và sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng sáng kiến, nhằm phát huy tối đa tiềm năng của phụ nữ trong tiến trình chuyển đổi xanh.
Dự án “Hỗ trợ các sáng kiến chuyển đổi xanh do phụ nữ dẫn dắt” (PWG) thuộc chương trình “Đối tác chuyển đổi xanh do phụ nữ dẫn dắt" do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ. Dự án do tổ chức Oxfam tại Việt Nam triển khai, dự kiến tài trợ cho 65 sáng kiến trong 54 tháng, từ năm 2024 - 2029. Mỗi sáng kiến có thể nhận tối đa 1,65 tỷ đồng (tương đương 60.000 EUR), với thời gian thực hiện từ 12 - 18 tháng, tại một hoặc nhiều tỉnh gồm Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bạc Liêu. Dự án kỳ vọng mang lại lợi ích gián tiếp cho khoảng 7-10 triệu người thông qua nâng cao nhận thức và cải thiện khả năng tiếp cận các cơ hội việc làm xanh.