Sở Nông nghiệp và Môi trường Lạng Sơn vừa ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiều giải pháp cụ thể.
Trong đó, xác định khai thác, sử dụng có hiệu quả các bản tin dự báo, cảnh báo do cơ quan khí tượng thủy văn cung cấp để tham mưu cho UBND tỉnh triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và các đe dọa an ninh phi truyền thống.

Ngành nông nghiệp và môi trường Lạng Sơn đề ra hàng loạt giải pháp phòng ngừa các đe dọa an ninh phi truyền thống lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Hoàng Nghĩa.
Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự báo, kiểm soát rủi ro, cảnh báo sớm các đe dọa an ninh phi truyền thống, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nâng cao sức chống chịu, thích ứng trước các đe dọa này.
Tập trung rà soát các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm yêu cầu gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, khắc phục triệt để những sơ hở, thiếu sót.
Đồng thời, thẩm định thận trọng, kỹ lưỡng các dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý trên địa bàn tỉnh. Chủ động tham mưu cho tỉnh về phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề như: ô nhiễm môi trường; dịch bệnh và phòng ngừa giảm thiệt hại do thiên tai. Tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi đồng bộ, nâng cao năng lực quản lý khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên nắm bắt diễn biến, tình hình thiên tai, nhất là ở những vùng xảy ra thảm họa, thiên tai, sự cố. Từ đó kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết dứt điểm những vấn đề nổi cộm ngay từ cơ sở, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chuyển hóa thành mối đe dọa an ninh quốc gia.
Ngành cũng xác định một số giải pháp như: nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia phòng ngừa, ứng phó với các đe dọa an ninh phi truyền thống đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, công nghệ, tăng cường hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm phục vụ cho phòng ngừa, ứng phó với thiên tai và các đe dọa an ninh phi truyền thống theo quy định pháp luật…