Nông dân miền núi đổi thay tư duy
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, từ năm 2021 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã đầu tư bài bản hỗ trợ người dân, các hợp tác xã phát triển sản xuất. Trong đó dự án 3 (gồm 2 tiểu dự án) là nòng cốt.
Tiểu dự án 1 về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng đóng vai trò then chốt, không chỉ góp phần giữ rừng, duy trì độ che phủ mà còn đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân miền núi.

Người dân thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo (huyện Ba Bể) trồng cây cà gai leo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: NT.
Toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng với tổng diện tích gần 59.000ha, trong đó có hơn 8.400ha được giao cho 58 cộng đồng và gần 50.600ha giao cho hơn 10.700 hộ gia đình. Cùng với đó, chính sách giao khoán bảo vệ rừng cũng được triển khai trên diện tích gần 48.000ha, giao cho 511 cộng đồng và 19 hộ gia đình.
Điểm nổi bật là tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện trợ cấp gạo cho hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo tham gia bảo vệ rừng (tổng diện tích 11.355ha). Số lượng gạo hỗ trợ hơn 323 tấn, góp phần trực tiếp cải thiện đời sống người dân tham gia dự án.
Sau một thời gian thực hiện, Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bắc Kạn nhận định: Kết quả bước đầu đã khẳng định hiệu quả rõ nét, rừng được bảo vệ tốt hơn, người dân có thêm thu nhập, tạo được niềm tin vào cơ chế chính sách của Nhà nước. Việc thực hiện chính sách giao khoán và hỗ trợ bảo vệ rừng đã làm thay đổi rõ nét nhận thức của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế rừng.
Hiệu quả dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững còn phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị. Hiệu quả mà chương trình mang lại không chỉ ở những con số mà còn thể hiện rõ qua những mô hình sản xuất cụ thể ở cơ sở, nơi người dân được tiếp cận với cây con giống, kỹ thuật sản xuất và liên kết đầu ra.
Thôn Đông Tạo, xã Thuần Mang (huyện Ngân Sơn) là một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, tại đây dự án đã hỗ trợ bò giống cho người dân. Hộ có hoàn cảnh khó khăn tham gia dự án được hỗ trợ 3 con bò giống để phát triển chăn nuôi. Qua một năm triển khai, mô hình đã bước đầu mang lại kết quả tích cực, số lượng bò tăng lên đều đặn.
Gia đình anh Trung Vũ Sơn, một trong những hộ tham gia mô hình chia sẻ: Từ ba con bò được hỗ trợ, tôi học được cách chăm sóc, chăn nuôi bài bản. Đến nay bò đã sinh sản thêm, tạo nguồn thu đáng kể cho gia đình. Quan trọng hơn là bản thân tôi và bà con trong thôn Đông Tạo có thêm động lực, điều kiện để vươn lên.
Câu chuyện của anh Sơn không phải là cá biệt, tại huyện Ba Bể, mô hình trồng dược liệu tại thôn Nà Sằm, xã Thượng Giáo đang mở ra một hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa ở tỉnh Bắc Kạn. Với diện tích 11ha gồm, cà gai leo, dong riềng đỏ và cúc chi, mô hình đã thu hút 58 hộ dân tham gia.
Anh Triệu Văn Lâm (thôn Nà Sằm) chia sẻ, trước đây chúng tôi chỉ trồng lúa, ngô theo tập quán canh tác cũ. Từ khi tham gia dự án, được tập huấn kỹ thuật, tôi mới biết trồng dược liệu. Có đầu ra ổn định, người dân yên tâm sản xuất, nhiều hộ có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Hầu hết những mô hình được hỗ trợ theo chương trình, người dân chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện địa phương, gắn với tiêu chuẩn GACP-WHO, từ đó cho thấy cách tiếp cận bài bản, hiện đại trong triển khai dự án của tỉnh Bắc Kạn.

Cây cà gai leo giúp bà con có thêm sinh kế, tạo thu nhập bền vững. Ảnh: NT.
Xây dựng vùng sản xuất theo chuỗi giá trị
Không chỉ hỗ trợ cá thể, tiểu dự án 2 (thuộc dự án 3) còn tạo nền tảng xây dựng vùng sản xuất theo chuỗi giá trị với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân.
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt 303 dự án phát triển sản xuất, trong đó có 65 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 238 dự án phát triển cộng đồng. Các dự án được triển khai tại 74% xã thuộc khu vực III, với sự tham gia của hơn 3.900 hộ dân, trong đó có 79% là hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo.
Thông qua các mô hình này, người dân được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, máy móc nông nghiệp, tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn tiếp cận, xây dựng chuỗi tiêu thụ.
Ông Lê Phúc Thâm, Chủ tịch UBND xã Yên Hân (huyện Chợ Mới) cho biết, việc xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất đã làm thay đổi rõ nét tư duy canh tác của người dân miền núi từ nhỏ lẻ sang trồng tập trung, từ cá thể sang cộng đồng, từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, với sự tham gia của 52 doanh nghiệp, hợp tác xã vào chuỗi liên kết giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, đầu ra được đảm bảo. Từng bước, tỉnh Bắc Kạn đang hình thành các vùng sản xuất có trọng tâm, trọng điểm, nâng cao năng suất và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Tham gia dự án, người dân tộc thiểu số được tiếp cận quy trình sản xuất nông sản an toàn, mang lại hiệu quả cao. Ảnh: NT.
Dù còn nhiều thách thức, nhưng những kết quả từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững của nông nghiệp Bắc Kạn. Từ bảo vệ rừng đến phát triển cây dược liệu, từ hỗ trợ chăn nuôi đến xây dựng chuỗi giá trị, tất cả đều hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong giai đoạn tới, Bắc Kạn đề xuất Chính phủ tích hợp chính sách phát triển lâm nghiệp bền vững theo Nghị định số 58/2024/NĐ-CP, đồng thời điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để tạo điều kiện triển khai thống nhất, hiệu quả. Đặc biệt, tỉnh mong muốn tiếp tục được triển khai các dự án trọng điểm như phát triển vùng dược liệu quý, hỗ trợ sản xuất cộng đồng, phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với chuyển đổi số.
Từ nền tảng đã có, tỉnh Bắc Kạn đang hướng đến mục tiêu lâu dài, xây dựng nền nông nghiệp miền núi hiện đại, xanh và có sức cạnh tranh, trong đó người dân là trung tâm, doanh nghiệp là động lực và Nhà nước là bệ đỡ.
Đối với dự án đầu tư hỗ trợ vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn đề nghị được chuyển tiếp sang giai đoạn 2026-2030, nguyên nhân là do tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt trong giai đoạn 2021-2025 hơn 36 tỷ đồng, đến hết năm 2024 dự án chưa triển khai được các hạng mục sử dụng nguồn vốn đầu tư công nên tỷ lệ giải ngân đạt thấp.