Chiều 16/5, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5 năm 2025 với chủ đề: “Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số: Đột phá đưa đất nước bước vào kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng”.
Tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho các lĩnh vực khoa học
Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng gửi lời chúc mừng đến các nhà khoa học, người lao động và người yêu khoa học trên toàn quốc và cảm ơn sự đồng hành, cống hiến của các thế hệ nhà khoa học, quản lý khoa học và doanh nghiệp (KHCN) trong thời gian vừa qua.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng hùng vường, thịnh vượng. Ảnh: Mai Hà.
Nhấn mạnh KHCN có vai trò "đột phá quan trọng hàng đầu", "động lực chính" để cơ cấu lại nền kinh tế, xác lập mô hình tăng trưởng mới và đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tự hào về những đóng góp to lớn của KHCN và đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những sáng kiến kỹ thuật phục vụ chiến trường đến các công trình xây dựng vĩ đại; từ những nghiên cứu khoa học cơ bản đến sự bứt phá mạnh mẽ trong Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu trong suốt giai đoạn qua.
"Đặc biệt, lĩnh vực khoa học xã hội luôn là "ngọn đuốc" làm sáng tỏ lý luận cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời khẳng định bản sắc và giá trị văn hóa con người Việt Nam. Những thành tựu đó là minh chứng sống động cho trí tuệ, lòng say mê và tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam", Phó Thủ tướng chia sẻ.
Trong bối cảnh nhiều thách thức lớn, nhưng đồng thời là "cơ hội vàng" để Việt Nam bứt phá, Phó Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã xác định KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ để thực hiện thành công 2 mục tiêu 100 năm.
KHCN và đổi mới sáng tạo không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam thịnh vượng; là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phát huy tinh thần đó, thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng các chuyên gia, nhà khoa học tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đột phá.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch để "cởi trói" cho lĩnh vực KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng toàn diện; thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu cơ bản để tiến tới làm chủ các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực KHCN; khơi dậy niềm đam mê KHCN và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội.

Bộ KHCN vinh danh các tập thể cá nhân đã có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành khoa học và công nghệ. Ảnh: Mai Hà.
Nhấn mạnh việc đưa ngày KHCN Việt Nam thực sự trở thành ngày hội toàn dân, nơi mỗi người dân, doanh nghiệp đều có thể đóng góp và thụ hưởng thành quả của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng, với truyền thống 66 năm xây dựng và phát triển, cùng đội ngũ cán bộ, nhà khoa học đầy tâm huyết và năng lực, Bộ KHCN sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu trong sự nghiệp đột phá chiến lược, đưa Việt Nam tiến bước vững chắc trên con đường trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, giàu mạnh, hùng cường vào năm 2045.
Khoa học giải bài toán lớn của quốc gia
Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang sửa Luật KHCN thành luật KHCN và Đổi mới sáng tạo để thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Đây được coi là những đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng.
KHCN phải hướng tới đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
"Việt Nam sẽ phát triển để trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao, với GDP/người 20-25.000 USD vào năm 2045. Bây giờ, giấc mơ đã lớn, việc đã đủ lớn, đủ khó… Chúng ta có thể thu hút tri thức toàn cầu, các nhà khoa học, công nghệ toàn cầu tham gia giải các bài toán lớn của Việt Nam và qua đó khoa học, công nghệ của nước nhà phát triển, đất nước phát triển", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay, Việt Nam đang sửa Luật KHCN thành luật KHCN và Đổi mới sáng tạo để thể chế hoá các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước. Ảnh: Mai Hà.
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ các công nghệ chiến lược có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Theo đó, ngân sách nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phân bổ khoảng 40 - 50% để thực hiện các nhiệm vụ làm chủ công nghệ chiến lược.
Việc triển khai các nhiệm vụ sẽ giao cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu có năng lực và uy tín thực hiện. Nhà nước có chính sách đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm, phòng thí nghiệm dùng chung, hạ tầng kỹ thuật hiện đại nhằm phục vụ phát triển công nghệ chiến lược.