“Cú hích thể chế” - đòn bẩy để đổi mới
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đổi mới sáng tạo đã trở thành một xu thế tất yếu trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, tại Việt Nam, với cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này đóng vai trò then chốt, vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn.
Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đánh dấu bước ngoặt chiến lược, định hình tương lai Việt Nam trong hành trình chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển dịch xanh. Hưởng ứng chủ trương lớn này, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường đã tổ chức Hội thảo chuyên đề với chủ đề: “Định hướng chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường trong Kỷ nguyên vươn mình”.

TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phùng Quyên.
Hội thảo quy tụ các chuyên gia, nhà khoa học, cùng bàn luận về những cơ hội, thách thức, cũng như giải pháp trọng điểm nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết tại COP26.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường nhấn mạnh, Viện cần xác định rõ các lĩnh vực khoa học-công nghệ trọng tâm, đồng thời tháo gỡ những vướng mắc đang cản trở quá trình chuyển đổi số.
Đưa ra quan điểm tại Hội thảo, ThS. Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, một trong những điểm nghẽn lớn nhất được chỉ ra là cơ chế chính sách còn chậm thích ứng. “Chúng ta có nhiều nghiên cứu chất lượng, nhưng việc đưa vào ứng dụng còn rất hạn chế. Cơ chế chưa đủ linh hoạt khiến nhà khoa học thiếu động lực”.

ThS. Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đề xuất cần tăng cường các chương trình tập huấn nội bộ, mở cửa với các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Ảnh: Hoàng Hiền.
ThS. Phạm Thúy Hạnh đề xuất: Viện cần tăng cường các chương trình tập huấn nội bộ, mở cửa với các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người có lợi thế tiếp cận công nghệ mới và tư duy đổi mới cởi mở hơn.
Bứt phá bằng trí tuệ, công nghệ và quyết tâm đổi mới
Đổi mới sáng tạo đang ngày càng khẳng định vai trò then chốt trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững. Đổi mới sáng tạo đang mở ra nhiều cơ hội to lớn để lĩnh vực quản lý tài nguyên và môi trường chuyển mình mạnh mẽ, bắt kịp xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, đổi mới sáng tạo gặp nhiều thách thức.
Theo báo cáo năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mới chỉ khoảng 35% trạm quan trắc môi trường có khả năng truyền dữ liệu trực tuyến theo thời gian thực. Việc thiếu dữ liệu đồng bộ khiến các mô hình dự báo, phân tích vẫn mang tính cục bộ, manh mún. Cùng lúc, chỉ khoảng 30% cán bộ ngành tài nguyên và môi trường được đánh giá là có kỹ năng số cơ bản, khiến công nghệ tiên tiến như AI, IoT, blockchain khó có thể triển khai sâu rộng.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo “Định hướng chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường trong Kỷ nguyên vươn mình”. Ảnh: Hoàng Hiền.
Trong bối cảnh đó, Viện đã xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW với 6 nhóm nhiệm vụ then chốt như nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy và quyết tâm chính trị; Tham gia hoàn thiện thể chế, sửa đổi quy chế nội bộ; Đầu tư hoàn thiện hạ tầng công nghệ và cơ sở dữ liệu; Phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; Thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng cường hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực xã hội.
Trong số này, việc đầu tư phát triển hạ tầng số và hệ thống dữ liệu tài nguyên được xem là giải pháp ưu tiên. Khi dữ liệu được kết nối, chia sẻ đồng bộ, các hệ thống quản lý tài nguyên mới thực sự phát huy hiệu quả. Đồng thời, cần triển khai mạnh Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường giai đoạn 2024-2030, coi đó là “xương sống” của chuyển đổi số ngành.
"Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt. Nếu không hành động ngay hôm nay, sẽ không thể đón đầu tương lai, Viện sẽ xác định các định hướng nghiên cứu và các giải pháp để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời gian tới", TS. Trần Công Thắng nhấn mạnh.
Trong “kỷ nguyên vươn mình”, ngành nông nghiệp và môi trường không chỉ phải chống chịu mà còn phải bứt phá bằng trí tuệ, công nghệ và quyết tâm đổi mới, trong đó, mỗi nhà khoa học, mỗi cán bộ, mỗi cộng đồng đều trở thành một mắt xích trong chuỗi sáng tạo vì tương lai xanh.