Thứ Năm, 17/7/2025 21:7 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

OCOP Hậu Giang mở rộng thị trường từ bản sắc địa phương

Thứ Ba 24/06/2025 , 10:02 (GMT+7)

ĐBSCL Từ mô hình hộ gia đình, các chủ thể OCOP Hậu Giang đang chuyển mình, đầu tư chế biến sâu, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu để vươn ra thị trường lớn.

Các chủ thể OCOP đã từng bước chuyển mình theo hướng tăng cường đầu tư vào dây chuyền chế biến sâu, cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Ảnh: HT.

Các chủ thể OCOP đã từng bước chuyển mình theo hướng tăng cường đầu tư vào dây chuyền chế biến sâu, cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Ảnh: HT.

OCOP Hậu Giang từng bước chuyển mình 

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tại tỉnh Hậu Giang không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn mà còn mở ra hướng đi mới cho bà con nông dân, hợp tác xã (HTX), các doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Từ những mô hình sản xuất quy mô hộ gia đình, các chủ thể OCOP đã từng bước chuyển mình theo hướng tăng cường đầu tư vào dây chuyền chế biến sâu, cải tiến mẫu mã và xây dựng thương hiệu. Từng bước hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm đặc trưng của địa phương vươn xa hơn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Tính đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã công nhận 348 sản phẩm OCOP. Trong đó, có 3 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, 110 sản phẩm đạt 4 sao và 235 sản phẩm đạt 3 sao với tổng 159 chủ thể.

Đặc biệt đầu năm nay, Hậu Giang được công nhận 3 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên là rượu Snor’s Wine, rượu Lão Tửu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây và sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị của HTX Kỳ Như. Đây không chỉ khẳng định chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn trong việc xây dựng thương hiệu địa phương gắn với thị trường toàn quốc và xuất khẩu.

Đặc biệt đầu năm nay, Hậu Giang được công nhận 3 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên là rượu Snor’s Wine, rượu Lão Tửu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây và sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị của HTX Kỳ Như. Ảnh: KT.

Đặc biệt đầu năm nay, Hậu Giang được công nhận 3 sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên là rượu Snor’s Wine, rượu Lão Tửu đông trùng hạ thảo của cơ sở sản xuất rượu truyền thống Út Tây và sản phẩm cá thát lát rút xương tẩm gia vị của HTX Kỳ Như. Ảnh: KT.

Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc HTX Kỳ Như cho biết, sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia không chỉ là danh hiệu, mà là minh chứng cho nỗ lực, đam mê và khát vọng gắn kết sinh kế cộng đồng với chuỗi giá trị nông thôn. Đây cũng động lực lớn để cơ sở tiếp tục tăng cường liên kết mở rộng vùng nguyên liệu cũng như đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại để vươn tầm đặc sản Hậu Giang.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, nhiều chủ thể được cải tiến đáng kể về mẫu mã sản phẩm, xây dựng được chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của chương trình OCOP tại Hậu Giang trong tương lai.

Tiêu biểu trong số đó là HTX Kỳ Như, cơ sở đã thành công xây dựng chuỗi giá trị khép kín từ vùng nguyên liệu, chế biến, đến phân phối sản phẩm đầu ra. HTX không chỉ chú trọng chất lượng sản phẩm mà còn chủ động ứng dụng công nghệ, đổi mới bao bì và xây dựng thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng hiện đại. 

Tương tự, HTX Dưa lưới Thuận Phát và HTX Tân Quới Lộ Saemaul cũng đang đi đầu trong tổ chức sản xuất theo hướng hiện đại, kết hợp kinh doanh truyền thống với thương mại điện tử. Các sản phẩm đã có mặt trên các sàn như Voso.vn, Postmart.vn, và các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, giúp mở rộng thị trường và tăng khả năng tiếp cận khách hàng.

Tỉnh Hậu Giang xác định rõ định hướng phát triển chương trình OCOP theo hướng chuyên sâu, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng như lúa, mít, cá thát lát, lươn đồng. Ảnh: KT.

Tỉnh Hậu Giang xác định rõ định hướng phát triển chương trình OCOP theo hướng chuyên sâu, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng như lúa, mít, cá thát lát, lươn đồng. Ảnh: KT.

Tháo điểm nghẽn cho sản phẩm OCOP 

Bên cạnh những thành quả đáng ghi nhận, quá trình triển khai và phát triển sản phẩm OCOP tại Hậu Giang vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn. Một số hợp tác xã chưa thực hiện đầy đủ các khâu trong chuỗi giá trị, chưa có hợp đồng bao tiêu đầu ra do sản phẩm chưa được sản xuất theo quy trình chuẩn hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Ngoài ra, nhiều chủ thể còn gặp hạn chế trong việc thiết kế bao bì, xây dựng câu chuyện sản phẩm để truyền thông hiệu quả, hoặc gặp trở ngại trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất. 

Ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh Văn phòng Điều phối các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hậu Giang chia sẻ, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt, các yêu cầu về chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cũng như hình thức bao bì ngày càng trở nên khắt khe. Đây chính là những yếu tố đang cản trở không ít sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường lớn hoặc vươn tới những phân khúc cao cấp.

Trước thực trạng này, tỉnh Hậu Giang đã triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể OCOP, nổi bật là các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường. Theo đó, Sở Công thương Hậu Giang đã tích cực tổ chức các hội chợ, triển lãm, tuần lễ OCOP tại địa phương và nhiều tỉnh, thành khác để giới thiệu sản phẩm đến đông đảo người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở kênh truyền thống, địa phương còn thúc đẩy kết nối với hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng đặc sản và các sàn thương mại điện tử để đa dạng hóa kênh phân phối.

Cùng với đó, các lớp tập huấn về kỹ năng thiết kế bao bì, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và ứng dụng công nghệ số trong quản lý, tiếp thị cũng được tổ chức thường xuyên. Từ đó, từng bước nâng cao năng lực của các chủ thể, giúp các cơ sở sản xuất tự tin hơn trong việc phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Một điểm nổi bật trong thời gian gần đây là việc lồng ghép sản phẩm OCOP vào các chuyến du lịch cộng đồng, các điểm đến văn hóa của tỉnh như khu du lịch mùa xuân, vườn tre Tư Sang hay trang trại dê Ngọc Đào. Ảnh: NĐ.

Một điểm nổi bật trong thời gian gần đây là việc lồng ghép sản phẩm OCOP vào các chuyến du lịch cộng đồng, các điểm đến văn hóa của tỉnh như khu du lịch mùa xuân, vườn tre Tư Sang hay trang trại dê Ngọc Đào. Ảnh: NĐ.

Một điểm nổi bật trong thời gian gần đây là việc lồng ghép sản phẩm OCOP vào các chuyến du lịch cộng đồng, các điểm đến văn hóa của địa phương như khu du lịch mùa xuân, vườn tre Tư Sang hay trang trại dê Ngọc Đào.

Hình thức quảng bá này không chỉ giúp du khách hiểu hơn về giá trị văn hóa và quy trình sản xuất của sản phẩm địa phương, mà còn tạo ra một chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ tại chỗ. Các mô hình du lịch này vừa tăng trải nghiệm cho du khách, vừa thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương.

Ông Nguyễn Văn Đua, chủ trang trại sữa dê Ngọc Đào chia sẻ khách đến trang trại tham quan đa phần là khách nước ngoài và học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm quy trình chăm sóc dê. Từ đó trang trại được tăng thêm thu nhập ngoài ra còn giúp sản phẩm của từ sữa dê của trang trại được biết đến rộng rãi và tiêu thụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang cũng xác định rõ định hướng phát triển chương trình OCOP theo hướng chuyên sâu, tập trung vào các nhóm sản phẩm chủ lực và tiềm năng. Trên cơ sở khai thác lợi thế của vùng nguyên liệu tại chỗ, địa phương đang chú trọng phát triển các mặt hàng đặc trưng như lúa, mít, cá thát lát, lươn đồng. Đây là những sản vật gắn bó mật thiết với đời sống và văn hóa người dân, vừa mang tính bản địa cao, vừa có giá trị kinh tế lớn nếu được chế biến và tiếp thị đúng hướng.

HẬU GIANG CHUNG SỨC XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất