| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới Bắc Kạn từ gian khó đến mục tiêu bền vững

Thứ Ba 27/05/2025 , 08:21 (GMT+7)

Bắc Kạn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Bắc Kạn đã tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tiếp theo, hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu.

Đi lên từ gian khó

Tỉnh Bắc Kạn bước vào giai đoạn 2021–2025 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội. Là một tỉnh miền núi, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, địa bàn rộng, chia cắt, dân cư phân tán, thu nhập bình quân đầu người thấp ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh chỉ đạt bình quân 13,11 tiêu chí/xã, còn 21/95 xã đạt dưới 10 tiêu chí. Nhiều tiêu chí sau khi đạt chuẩn chưa duy trì được sự bền vững. Cảnh quan, môi trường nông thôn ở một số nơi vẫn còn ô nhiễm, chưa đạt tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp” như kỳ vọng.

Xây dựng nông thôn mới dựa vào nội lực của người dân kết hợp với nguồn lực hỗ trợ giúp nhiều bản làng khang trang. Ảnh: Ngọc Tú.

Xây dựng nông thôn mới dựa vào nội lực của người dân kết hợp với nguồn lực hỗ trợ giúp nhiều bản làng khang trang. Ảnh: Ngọc Tú.

Vốn đầu tư là một trong những “nút thắt” lớn nhất của chương trình dù đã lồng ghép nhiều nguồn lực, nhưng vốn ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, huy động từ doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cũng rất hạn chế.

Không chỉ thiếu vốn, công tác tổ chức, điều hành cũng còn nhiều bất cập, các văn bản hướng dẫn chậm, gây khó khăn cho địa phương trong việc cụ thể hóa, triển khai đồng bộ. Hệ thống Văn phòng điều phối NTM các cấp còn thiếu nhân lực, phần lớn cán bộ ở huyện, xã làm kiêm nhiệm, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc khối lượng lớn của chương trình.

Cùng với đó, những tác động bất lợi từ thiên tai, dịch bệnh, biến động giá cả thị trường khiến sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập và tâm lý tham gia của người dân vào chương trình.

Tuy nhiên, vượt lên những gian khó, tỉnh Bắc Kạn cũng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là vai trò lãnh đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ, từ tuyên truyền, vận động nhân dân đến thực hiện từng tiêu chí cụ thể.

Một trong những yếu tố then chốt là sự chủ động, sáng tạo của cơ sở, việc phân quyền mạnh mẽ cho UBND cấp huyện, xã làm chủ đầu tư các công trình đã phát huy tính linh hoạt, giảm ách tắc trong giải ngân. Đồng thời tạo sự minh bạch, dân chủ trong lựa chọn công trình, phân bổ nguồn lực giúp người dân tin tưởng và tích cực tham gia.

Bắc Kạn cũng chú trọng học hỏi các mô hình hay trong và ngoài tỉnh, thực hiện lồng ghép hiệu quả nhiều chương trình phát triển kinh tế, xã hội, từ đó tạo lực đẩy cho phong trào xây dựng NTM lan tỏa rộng khắp.

Nhiều bản làng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống giàu bản sắc. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhiều bản làng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống giàu bản sắc. Ảnh: Ngọc Tú.

Hướng đến nông thôn mới kiểu mẫu

Bước sang giai đoạn 2026–2030 và định hướng đến năm 2035, tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu tiếp tục phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 có 18/35 xã đạt chuẩn NTM (51%); 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đến năm 2035, phấn đấu có 24/35 xã đạt chuẩn NTM (68%); 8 xã NTM nâng cao và 2 xã NTM hiện đại.

Giai đoạn tới, quan điểm chỉ đạo của tỉnh Bắc Kạn là lấy người dân làm trung tâm, chủ thể của quá trình xây dựng NTM. Người dân vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là người thực hiện. Phát triển nông thôn không chỉ là đầu tư hạ tầng mà còn là nâng cao thu nhập, cải thiện môi trường sống và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, quản lý dịch vụ công và xây dựng kinh tế số nông thôn. Mục tiêu là phát triển nông thôn hiện đại, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và có sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.

Sản xuất nông nghiệp với mức độ thâm canh cao giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Ảnh: NT.

Sản xuất nông nghiệp với mức độ thâm canh cao giúp tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Ảnh: NT.

Một định hướng quan trọng khác là xây dựng NTM gắn với quá trình đô thị hóa, phát triển các cụm dân cư, trung tâm xã trở thành hạt nhân phát triển vùng. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với đổi mới mô hình quản lý chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù chính quyền hai cấp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020–2025) cũng xác định: “Tập trung thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn”.

Với định hướng đúng đắn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bài học từ thực tiễn, chương trình xây dựng nông thôn mới tại Bắc Kạn hứa hẹn sẽ đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa trong giai đoạn tới, từng bước xây dựng nông thôn phát triển bền vững, xanh – sạch – đẹp – văn minh – hiện đại.

Xem thêm
Ổn định chỗ ở gắn với chuyển đổi nghề cho dân vùng sạt lở

Trà Vinh Hơn 100 hộ dân ở vùng sạt lở không chỉ được hỗ trợ chỗ ở mà còn được tạo điều kiện chuyển đổi công việc để ổn định cuộc sống.

Trưởng thôn trúng lớn nhờ chuyển đổi cây trồng

Nhờ mạnh dạn tích tụ đất đai và chuyển đổi từ trồng luồng sang trồng cam, một trưởng thôn ở Thanh Hóa đã thu về 300 triệu đồng ngay trong vụ đầu tiên.

OCOP Tây Ninh kết tinh văn hóa bản địa, phát triển du lịch

Sản phẩm OCOP Tây Ninh kết tinh từ văn hóa bản địa, đang trở thành cầu nối giữa nông thôn và du lịch, góp phần làm giàu sinh kế, bảo tồn giá trị truyền thống.

Bình luận mới nhất