
Sản phẩm trà bí thơm hữu cơ của HTX Yến Dương (huyện Ba Bể). Ảnh: NT.
Yến Dương là xã thuần nông của huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), nơi đây có cây bí xanh, gạo nếp Tài là cây bản địa có tiếng từ xa xưa. Trước đây người dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, bán ở chợ quê nên hiệu quả không cao, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn.
Từ khi kinh tế tập thể được khuyến khích, chương trình OCOP được triển khai, một luồng gió mới đã thổi vào đời sống sản xuất của người dân nơi đây. Hợp tác xã (HTX) Yến Dương được thành lập, từ đây, một số loại cây trồng đặc hữu của địa phương được chú trọng. HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây lúa nếp Tài hữu cơ, trồng bí xanh hữu cơ, đầu tư máy móc chế biến, đóng gói sản phẩm.
Đến nay, HTX Yến Dương đã xây dựng thành công thương hiệu bí xanh thơm Ba Bể, gạo nếp Tài hữu cơ, hai sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao và 4 sao, quả bí xanh cũng đã được chế biến thành trà bí thơm được thị trường đón nhận.
Bà Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương (huyện Ba Bể) cho biết, khi tham gia chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, thành viên HTX được tập huấn. Chương trình OCOP thực sự trở thành bệ đỡ vững chắc cho các HTX, gây dựng lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm.
Tính hết tháng 4/2025, tỉnh Bắc Kạn có 245 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 4 sản phẩm 5 sao, 21 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao. Đáng chú ý, tỉnh Bắc Kạn có 2 sản phẩm OCOP là miến dong Tài Hoan và rượu men lá Thanh Tâm đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản.

Miến dong Tài Hoan là sản phẩm OCOP đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Ảnh: Tùng Đinh.
Tỉnh Bắc Kạn xác định chương trình OCOP là giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.
Để phát triển bền vững sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Kạn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu, không chỉ mở rộng mà còn nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào. Đến nay, toàn tỉnh có 13 sản phẩm đã xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn hữu cơ, VietGap; 8 chủ thể duy trì hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất; các sản phẩm OCOP đã được đăng bán trên sàn thương mại điện tử.
Bà Vi Thị Thúy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn cho biết, để củng cố, nâng cấp sản phẩm đạt OCOP, địa phương đã tư vấn tái cấu trúc bộ máy vận hành của các chủ thể, thường xuyên tập huấn nâng cao năng lực quản trị của chủ cơ sở.
“Chúng tôi hỗ trợ và kết nối nguồn lực giúp cơ sở nâng cao năng lực sản xuất, hỗ trợ tham gia liên kết hình thành vùng nguyên liệu ổn định, triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất và hoạt động xúc tiến thương mại”, bà Thúy cho biết thêm.
UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, yêu cầu chính quyền các cấp triển khai chương trình OCOP đồng bộ, hiệu quả từ cấp tỉnh đến cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Trong đó, chú trọng khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa, cảnh quan góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững.

Trà hoa vàng Bắc Kạn, sản phẩm OCOP được đánh giá cao về chất lượng. Ảnh: NT.
Tỉnh Bắc Kạn cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với các chủ thể tham gia chương trình OCOP như số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn, xây dựng cổng thông tin OCOP tỉnh Bắc Kạn.
Số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị gắn với giám sát, chứng thực của cơ quan quản lý nhà nước.
Địa phương này đã tổ chức 11 đợt tư vấn hỗ trợ tại chỗ cho 100% các chủ thể tham gia chương trình, qua đó đánh giá thuận lợi và những hạn chế cần cải thiện trong quá trình sản xuất, phát triển các sản phẩm OCOP.