Không còn là cuộc chơi của giá rẻ hay thị trường “dễ tính”, nông sản Việt buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với các biện pháp SPS toàn cầu. Theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, 3 'trụ cột' cần thiết là minh bạch chuỗi cung ứng, phục vụ doanh nghiệp tuân thủ và chuyển trạng thái điều hành từ bị động sang chủ động.

TS Ngô Xuân Nam vừa tham gia Tọa đàm về xuất khẩu tổ yến cùng Báo Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh: Bảo Thắng.
Minh bạch thông tin để tăng năng lực cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, nông sản Việt không chỉ chịu áp lực cạnh tranh về giá mà còn phải đáp ứng ngày càng nhiều quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật (SPS).
TS Ngô Xuân Nam cho rằng, việc tiếp cận thị trường không thể dừng lại ở mở rộng xuất khẩu mà cần xuất phát từ sự minh bạch trong toàn bộ chuỗi giá trị, từ sản xuất, đóng gói đến truy xuất nguồn gốc.
Chiến lược đa kênh, đa hướng mà nhiều doanh nghiệp đang theo đuổi không chỉ dừng lại ở mở rộng thị phần mà là cơ hội để chuẩn hóa sản phẩm và tăng độ tin cậy với đối tác. Mỗi kênh phân phối, từ siêu thị, xuất khẩu truyền thống đến thương mại điện tử, đều có yêu cầu riêng về ghi nhãn, bảo quản và dữ liệu lô hàng. Việc đáp ứng đồng bộ những yêu cầu này sẽ buộc doanh nghiệp phải minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm như xoài Đồng Tháp, vải thiều Bắc Giang đã áp dụng mã QR truy xuất đến từng hộ trồng. Ông Nam cho rằng việc công khai dữ liệu theo thời gian thực không chỉ tăng niềm tin với đối tác nhập khẩu mà còn giúp cơ quan trong nước giám sát tốt hơn nguồn cung. “Thông tin minh bạch về sản phẩm chính là hộ chiếu để nông sản đi xa hơn”, ông nói.
Minh bạch cũng là nền tảng để hình thành hệ sinh thái SPS có trách nhiệm, mục tiêu trọng tâm của Đề án “Nâng cao hiệu quả thực thi Hiệp định SPS và cam kết SPS trong các FTA” theo Quyết định số 534/QĐ-TTg của Thủ tướng. Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu toàn bộ tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm nông, lâm, thủy sản sẽ tiệm cận chuẩn quốc tế; đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu SPS quốc gia kết nối liên thông giữa các bên liên quan.
“Minh bạch thông tin SPS của Việt Nam và thành viên WTO sẽ tạo môi trường ổn định cho doanh nghiệp, HTX, người sản xuất yên tâm sản xuất. Minh bạch thông tin sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất sẽ tạo niềm tin cho người tiêu dùng toàn cầu đối với nông sản Việt”, TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.

Văn phòng SPS Việt Nam chủ trì phiên họp song phương với đối tác thương mại, bên lề Hội nghị của Ủy ban SPS/WTO. Ảnh: SPS Vietnam.
Phục vụ doanh nghiệp để rút ngắn khoảng cách luật và thực thi
Trước đây, doanh nghiệp Việt thường ưu tiên xuất khẩu vào các thị trường được cho là “dễ tính”, ít rào cản kỹ thuật. Tuy nhiên, trong xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia, kể cả ASEAN hay Trung Đông, đều đã thiết lập và nâng cao biện pháp SPS, từ dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kháng sinh đến truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn sản phẩm... Không còn khái niệm dễ hay khó, tất cả các quốc gia nhập khẩu đều siết chặt quy chuẩn để bảo vệ người tiêu dùng và sức khỏe động thực vật.
TS Nam cảnh báo: “Không thể tiếp tục làm nông nghiệp theo tư duy truyền thống, sản xuất hàng hóa thiếu nền tảng kinh tế hiện đại. Nếu doanh nghiệp không chủ động nắm bắt và tuân thủ quy định quốc tế, nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng là rất hiện hữu”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi hiệu quả, năm 2025, Văn phòng SPS Việt Nam phối hợp Cục Chuyển đổi số (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) triển khai Cổng thông tin quốc gia về SPS, cập nhật kịp thời các biện pháp SPS của thành viên WTO, hướng dẫn kê khai hồ sơ đúng chuẩn và cung cấp tài liệu dễ hiểu cho từng nhóm đối tượng. Đây là nền tảng kỹ thuật phục vụ doanh nghiệp, HTX và người sản xuất cập nhật kịp thời yêu cầu SPS và chủ động thích ứng.
Bên cạnh đó, Văn phòng SPS Việt Nam còn phối hợp các địa phương, tổ chức ngành hàng và cơ quan báo chí để triển khai nhiều chương trình truyền thông diện rộng. Các lớp tập huấn được tổ chức ngay tại vùng trồng, vùng nuôi để giúp HTX, doanh nghiệp hiểu và áp dụng đúng quy định. Mô hình hỗ trợ không dừng lại ở lý thuyết mà đi kèm tài liệu mẫu, hướng dẫn thực hành, phản hồi từ chuyên gia để doanh nghiệp tự tin hơn khi tiếp cận thị trường.
“Việc nâng cao năng lực phục vụ người sản xuất góp phần rút ngắn khoảng cách giữa việc tuân thủ các biện pháp SPS và thực tiễn sản xuất, từ đó tạo ra một nền nông nghiệp tuân thủ và phục vụ thị trường”, theo nhận định của TS Nam.

Trong những năm qua, Văn phòng SPS Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với địa phương, tổ chức nhiều hội nghị tập huấn cho doanh nghiệp, HTX, người dân. Ảnh: Bảo Thắng.
Chuyển trạng thái chủ động để thích ứng dài hạn
Một trong những thay đổi lớn nhất của bối cảnh hội nhập hiện nay là tốc độ cập nhật chính sách SPS từ các nước nhập khẩu. Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn của nông sản Việt, liên tục thay đổi tần suất kiểm tra, nâng cao tiêu chuẩn dư lượng hóa chất và yêu cầu bổ sung về tem nhãn, mã số vùng trồng, vùng nuôi, mã số cơ sở đóng gói. Indonesia cũng vừa thông báo tới WTO về mô hình kiểm dịch tích hợp, đặt ra chuẩn mực mới cho hàng nhập khẩu. Nhật Bản, EU hay các nước Ả Rập cũng thường xuyên thay đổi các quy định về mức dư lượng thuốc BVTV.
Việt Nam đã tham gia 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA, VIFTA, CEPA. Việc chủ động, tăng tốc độ nắm bắt thông tin các FTA trong việc xuất khẩu nông sản thực phẩm là rất cần thiết.
“Văn phòng SPS Việt Nam được Thủ tướng phân công là cơ quan đầu mối triển khai chương SPS trong các FTA thế hệ mới nên việc chủ động nghiên cứu triển khai, khai thác lợi thế của các FTA, góp phần thúc đẩy xuất khẩu nông sản là nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược của Văn phòng”, ông Nam nói.
Việt Nam đã và đang xuất khẩu nông sản, thực phẩm tới 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Do vậy, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng các chuỗi liên kết, tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu các biện pháp SPS theo từng thị trường, bởi mỗi thị trường sẽ có biện pháp SPS riêng, mỗi sản phẩm, ngành hàng cũng có biện pháp SPS riêng.
Thậm chí, mỗi khách hàng, mỗi siêu thị lại có những tiêu chuẩn, quy định riêng. Vì vậy, chủ động phân nhóm thị trường, phân nhóm khách hàng và tổ chức sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường, của khách hàng là kim chỉ nam thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thực phẩm.
“Doanh nghiệp muốn đi đường dài cần chủ động chuẩn hóa vùng sản xuất, chủ động số hóa để minh bạch quy trình sản xuất và chủ động xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua chất lượng”, ông Nam bày tỏ.
Mặt khác, theo thông tin từ Văn phòng SPS Việt Nam, mỗi năm các thành viên WTO có tới hàng nghìn thông báo thay đổi các biện pháp SPS, trong đó có nhiều quy định ảnh hưởng trực tiếp đến nông sản Việt. Tình trạng này đòi hỏi các bên liên quan phải chủ động nâng cao năng lực thích ứng trước mọi biến động của thị trường.
“Minh bạch thông tin SPS - Phục vụ doanh nghiệp và người sản xuất - Chuyển trạng thái bị động sang chủ động tuân thủ các biện pháp SPS có thể coi là 3 trụ cột để đưa nông sản Việt vươn xa trong kỷ nguyên vươn mình”, TS Ngô Xuân Nam nhấn mạnh.